Theo dự báo, 2021 – 2023 là giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, với sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng và phương thức vận hành. Dự kiến đến giữa hoặc cuối năm 2023, thị trường dệt may mới quay lại ngưỡng 2019.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí tác động tiêu cực của đại dịch còn có thể kéo dài trong 1-2 năm tới, theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), năm 2021 được dự báo vẫn là năm xuất khẩu dệt may tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, lợi nhuận doanh nghiệp dệt may giảm sút nghiêm trọng, mức giảm lên tới 20% so với năm trước. Nguyên nhân là do chi phí đầu vào tăng, giá bán đầu ra giảm, các chi phí trung gian như phí vận chuyển, logistics tăng cao từ 2 - 4 lần, thiếu container rỗng;...
Nói về những khó khăn, thách thức của ngành dệt may, ông Vũ Trường Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ: "Nhiều doanh nghiệp đã nghỉ đến 2 tháng nay rồi. Hàng thì rất nhiều nhưng doanh nghiệp đang bị nhiều khách hàng từ chối đơn hàng và không ký trong thời gian tới. Và rõ ràng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động".
Tuy nhiên, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới. Hiệp định EVFTA, RCEP cũng hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam. Thị phần dệt may của VN tại Mỹ, EU vẫn mở rộng.
Đồng thời, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác ngoài lãnh thổ Trung Quốc, mà Việt Nam là nước có nhiều tiềm lực để được lựa chọn.
Theo Bộ Công Thương, năm 2021, xuất khẩu dệt may Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 10%, đạt từ 39-39,5 tỷ USD.
Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia dự báo, phải đến quý II/2022 hoặc chậm nhất là quý IV/2023, thị trường dệt may mới hồi phục về lực cầu, tương đương với năm 2019. Điều kiện cần để thị trường hồi phục chính là dịch bệnh được kiểm soát và doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội từ FTA..
Do đó, giai đoạn 2021- 2023 sẽ là giai đoạn quyết định cho sự phục hồi, đổi mới năng lực cạnh tranh, vươn tới vị thế bền vững hơn cho doanh nghiệp, hoặc tụt hậu và bị bỏ rơi dần khỏi cuộc chơi. Trong đó, năm 2021 sẽ là năm xuất phát, mang tính then chốt, quyết định cả hướng đi và tốc độ của doanh nghiệp.
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất trong nước, hiện cần có thêm những chính sách thuận lợi tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi để chuẩn bị cho các đơn hàng sắp tới. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần đưa ra giải pháp, cơ chế, chính sách thì cần có sự thống nhất từ các cấp, địa phương. Và các địa phương phải thống nhất với nhau. Cần tạo ra các giải pháp quyết liệt nhất, tiêm vắc xin cho tất cả người lao động trong ngành dệt may để họ có thể yên tâm làm việc.