Hiệp hội Dệt may, Chế biến xuất khẩu thuỷ sản đề xuất giảm phí dịch vụ cảng biển, tiền điện, tiền thuê đất... tại các địa phương áp dụng giãn cách xã hội.
Đề nghị này được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Hiệp hội Chế biến, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nêu trong văn bản góp ý dự thảo nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19, gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
"Các doanh nghiệp sản xuất đang rất cần hỗ trợ giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền", ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch Vitas giải thích.
Về phí cảng biển, các hiệp hội đề nghị Hải Phòng, TP HCM dừng thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển đến hết tháng 6/2022 và giảm ít nhất 30% các mức phí đang áp dụng.
Các cảng biển giảm 50% phí dịch vụ tại cảng, gồm phí nâng hạ container, phí bốc dỡ, lưu kho, cắm điện... từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.
Theo ông Trương Văn Cẩm, hiện các doanh nghiệp dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi các loại phí này được Hải Phòng thu từ 1/1/2017 đến nay với số tiền rất lớn, mà Luật Phí và lệ phí quy định chỉ thu để "cơ bản bù đắp chi phí đã đầu tư".
Còn TP HCM là trung tâm vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của các tỉnh phía Nam nhưng hầu hết đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng do dịch bệnh bùng phát.
Vitas và VASEP đều đề xuất giảm 30% tiền điện cho các doanh nghiệp sản xuất dệt may, chế biến thuỷ sản trong 6 tháng cuối năm 2021. Hiện dự thảo nghị quyết đưa ra giảm 30% tiền điện cho kho bảo quản lạnh, VASEP cho rằng, không hoàn toàn chính xác và không đủ theo đối tượng để tạo ra tác động hỗ trợ thực sự, phục hồi sản xuất của chuỗi thuỷ sản.
Theo hiệp hội này, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản thường sản xuất theo chuỗi, gồm nông dân nuôi trồng, ngư dân khai thác biển. Một doanh nghiệp chế biển thuỷ sản sẽ gồm đủ tổ chợp cần điện để chế biến cấp đông, kho bảo quản, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn đầu tư khâu nuôi trồng để hoàn thiện chuỗi cung ứng. "Việc hỗ trợ giảm tiền điện cho doanh nghiệp khâu nuôi trồng - chế biến - cấp đông và bảo quản tác động lớn tới việc phục hồi sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản của cả chuỗi", ông Trương Đình Hoè - Tổng thư ký VASEP nêu.
Trước đó, hồi đáp kiến nghị của VASEP tại hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, kiến nghị của VASEP là hoàn toàn khả thi. Bộ tiếp thu và sẽ bàn với EVN để xem xét giảm tiền điện một cách phù hợp, đặc biệt ưu tiên cho nhóm bảo quản và chế biển các sản phẩm nông, thuỷ sản, hải sản.
VASEP cũng kiến nghị bảo hiểm xã hội trả lương cho lao động đang đóng bảo hiểm khi người lao động đang phải đi cách ly hoặc dừng làm việc theo quy định chống dịch trong thời gian giãn cách.
Hiện quỹ kết dư bảo hiểm xã hội đang rất lớn, đến hết năm 2020 tổng số kết dư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp gần 935.100 tỷ đồng. Vì thế trong bối cảnh doanh nghiệp phải co hẹp sản xuất hoặc ngừng sản xuất vì Covid-19, việc bảo hiểm xã hội chi trả lương cho người lao động đang đóng bảo hiểm phải đi cách ly hoặc dừng làm việc vì quy định giãn cách, chống dịch là hoàn toàn hợp lý.
Ở khía cạnh này, Vitas kiến nghị dừng đóng các khoản thu không phải chi ngay mà để kết dư, như dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và tăng thời gian dừng đóng lên 1 năm, thay vì 6 tháng theo Nghị quyết 68. Với các doanh nghiệp nằm trong địa phương đang giãn cách xã hội thì được giảm 50% số tiền phải nộp.
Hiện tại số tiền kết dư của hai quỹ Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp đang còn quá lớn. Theo công bố đến nay là 935.100 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp rất khó khăn, cần phải dừng và giảm nộp 1 năm để "cứu" doanh nghiệp trong lúc này.
Vitas đồng thời đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dừng thu kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn đến hết tháng 6/2022; miễn đóng phí này đến hết năm 2021 với các doanh nghiệp tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 16.
Đồng thời, cho phép doanh nghiệp phối hợp với công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư tại doanh nghiệp trả chi phí test nhanh, chi phí xét nghiệm cho người lao động, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.
Về dòng tiền cho doanh nghiệp, Vitas nêu quan điểm, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với với những doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1%/năm và giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022.
"6 tháng đầu năm 2021, rất nhiều ngân hàng có lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ 2020 trong khi các doanh nghiệp thực sự rất khó khăn", Vitas nêu.
Các địa phương không điều chỉnh giá thuê đất trong điều kiện các doanh nghiệp phải gồng mình chống dịch và nghiên cứu giảm tiền thuê đất 50% cho doanh nghiệp ở các địa phương áp dụng Chỉ thị 16.
Đợt dịch thứ 4 đang khiến doanh nghiệp dệt may, thuỷ sản rơi vào cảnh hết sức khó khăn. Theo báo cáo của Vitas, giãn cách xã hội kéo dài tại các tỉnh phía Nam khiến 50% doanh nghiệp dệt may tại đây bị ảnh hưởng. Hiện tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 35%, do không đủ kinh phí để thực hiện "3 tại chỗ". Còn với ngành thuỷ sản, con số này là 70%.
Dệt may, thuỷ sản cũng đang đối diện thách thức thiếu hụt lao động, tỷ lệ tiêm vaccine thấp. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay chỉ đạt 32-33 tỷ USD, còn thuỷ sản 8-9 tỷ USD.