Thách thức của ngành dệt may những tháng cuối năm 2021

Trang Nhi| 25/08/2021 09:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dịch bệnh COVID-19, tình trạng thiếu container rỗng và chi phí logistic tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp dệt may trong giai đoạn nước rút năm 2021.

Công ty chứng khoán VNDIRECT mới đây đã có báo cáo đánh giá triển vọng ngành dệt may cho 6 tháng cuối 2021, cho rằng vẫn còn nhiều thách thức đối với ngành.

det-may-2.jpg
Thách thức của ngành dệt may những tháng cuối năm 2021

Nhìn nhận nửa cuối năm 2021, tăng trưởng ngành dệt may có thể chậm lại do đợt bùng phát dịch COVID-19 ở khu vực phía Nam có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng một lần nữa do các công ty không thể vận chuyển nguyên liệu và thiếu nguồn nhân lực để đảm bảo thời gian giao hàng.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), khoảng 50% nhà máy đặt tại khu vực miền Nam và tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 30 - 35%, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ do không đủ kinh phí để thực hiện “3 tại chỗ” cho người lao động gây thiếu hụt lao động. Đồng thời, tỷ lệ tiêm vaccine cho ngành dệt may vẫn thấp.

Thậm chí với kịch bản tích cực nếu dịch được kiểm soát vào cuối tháng 8, VNDIRECT cho rằng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong năm 2021 có thể chỉ đạt 33 tỷ USD giảm 6% và hoàn thành 84% kế hoạch của Chính phủ Việt Nam cho năm 2021 (39 tỷ USD). Bên cạnh đó, số lượng công nhân dự kiến cũng sẽ chỉ đạt 60-65% sẽ thách thức lớn cho ngành dệt may trong quý 3 này.

Một trở ngại khác của ngành dệt may Việt Nam chính là chi phí logistic tăng cao. Tình trạng thiếu container rỗng và chi phí logistic tăng cao có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn hàng ODM (DN sản xuất sẽ tự chủ hết tất cả các khâu từ thiết kế mẫu tới vận chuyển/giao hàng) và OBM (DN sản xuất sẽ tự chủ hết tất cả các khâu từ thiết kế thương hiệu riêng của mình đến giao hàng).

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, VNDIRECT vẫn đưa ra kịch bản tích cực với việc hoàn thành và vượt kế hoạch đã đề ra cả năm.

Cụ thể, May Sông Hồng (MSH) có thể đạt 448 tỷ đồng lợi nhuận ròng cả năm 2021, tương ứng vượt 57% so với kế hoạch đã đề ra; Sợi Thế Kỷ (STK) được dự báo có thể đạt lãi ròng 296 tỷ đồng nhờ việc chuyển đổi đơn hàng từ sợi nguyên sinh sang sợi tái chế và giành thêm thị phần từ thị trường Mỹ; Đầu tư và Thương mại TNG được dự báo có khả năng vượt 31% kế hoạch lên 230 tỷ đồng nhờ lợi nhuận từ mảng BĐS KCN trong 6 tháng cuối năm dự kiến mang về 70 tỷ đồng; May Thành Công (TCM) được dự phóng lợi nhuận ròng năm đạt 323 tỷ đồng...

Ngoài ra, VNDIRECT nhận thấy Việt Nam có cơ hội giành được thị trường từ các đối thủ cạnh tranh khi các nhà xuất khẩu dệt may của Ấn Độ đang đối mặt với nguy cơ mất phần lớn đơn hàng do phải đóng cửa hoặc hoạt động 50% công suất để ngăn chặn các ca lây nhiễm COVID-19 mới. Ngành dệt may của Myanmar cũng đang phải đối mặt với cùng lúc 2 vấn đề lớn là dịch bệnh và tình hình chính trị bất ổn từ tháng 3/2021.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thách thức của ngành dệt may những tháng cuối năm 2021