Trường hợp đã đến thời hạn phải trả nợ nhưng bên vay chưa thanh toán theo đúng thỏa thuận hoặc bên vay vi phạm nghĩa vụ khác của hợp đồng thì Tòa án có thể buộc bên vay phải thanh toán nợ lãi và bồi thường thiệt hại.
Gia đình em có cho bên gia đình thông gia lấy tư cách là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vay một khoản tiền khá lớn, và có tính lãi. Nhưng lại không thế chấp và là khoản vay không thời hạn. Nhưng hai năm nay họ không trả đều lãi theo đúng hạn hàng tháng và số tiền lãi họ nợ lại tính hết cũng được 1 năm và giờ vẫn tiếp tục không thanh toán lãi hàng tháng. Vì năm nay gia đình em gặp khó khăn về tài chính nên gia đình muốn đòi lại khoản nợ đó. Vậy nên từ hồi đầu năm gia đình em đã qua nhà nói chuyện và bên ấy hứa cuối năm nay thanh toán cho gia đình. Nhưng giờ đã hết năm mà bên đấy vẫn không thanh toán cho gia đình em. Mong luật sư cho em biết, nếu bây giờ kiện lên toà gia đình em có đòi lại được khoản nợ đó không và có chắc chắn đòi lại được không ạ?
Độc giả có địa chỉ diadangmatrang1997@gmail.com
Ảnh minh họa
Trả lời: Dựa trên những thông tin mà bạn đã nêu, chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật về vấn đề mà bạn đang thắc mắc như sau:
Thứ nhất, về việc khởi kiện để yêu cầu trả tiền:
Căn cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và yêu cầu của gia đình bạn thì ở đây, loại việc mà gia đình bạn đang muốn khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết là tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.
Để Tòa án thụ lý, bạn cần phải có yêu cầu rõ ràng, cụ thể và có chứng cứ chứng minh được yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ.
Cụ thể, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, kèm với đơn khởi kiện, gia đình bạn cần phải cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng cứ bao gồm:
- Các giấy tờ chứng minh quan hệ cho vay tiền và vay tiền giữa các bên.
+ Trường hợp có giấy tờ về việc vay mượn: Cần phải cung cấp giấy tờ gốc hoặc bản sao chứng thực cho Tòa án.
+ Trường hợp việc vay mượn là bằng lời nói thì gia đình bạn phải chứng minh quan hệ vay tiền là có trên thực tế thông qua các biên lai, giấy nhận nợ, giấy tờ ghi nhận chuyển khoản nếu giao dịch qua ngân hàng; biên lai rút tiền; sổ ghi nợ; người chứng kiến việc giao nhận tiền; Văn bản khác xác nhận có tồn tại quan hệ vay mượn giữa hai bên ....
- Cung cấp các thông tin về nhân thân, nơi cư trú của bên vay: Trong trường hợp chủ thể bên vay là công ty thì bạn cần phải cung cấp cho Tòa án Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để xác định: tên công ty, địa chỉ trụ sở, người đại diện theo pháp luật, mã số thuế của doanh nghiệp… Nếu bên vay là cá nhân thì cần phải có chứng minh nhân dân, hộ khẩu, xác nhận về việc tạm trú (nếu có) của bên vay.
Đối với bên cho vay (bên gia đình bạn), bạn cần phải cung cấp các thông tin, giấy tờ, tài liệu xác định về nhân thân và nơi cư trú bao gồm: giấy chứng minh nhân dân; sổ hộ khẩu, địa chỉ tạm trú (nếu có).
- Các giấy tờ chứng minh việc vi phạm nghĩa vụ của bên vay: Gia đình bạn cần cung cấp cho Tòa án thông tin, tài liệu chứng minh cho số tiền vay, thời gian vay, thỏa thuận về lãi, thỏa thuận thời điểm bên vay phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ, xác nhận về việc thanh toán nợ để xác định việc vi phạm nghĩa vụ của bên vay….
Thứ hai, về việc giải quyết vụ việc của Tòa án:
Tòa án sẽ giải quyết vụ án căn cứ yêu cầu của gia đình bạn và trên cơ sở các hồ sơ, tài liệu do các bên cung cấp về giao dịch vay mượn tiền. Cụ thể:
+ Trường hợp giao dịch vay mượn bị vô hiệu hoặc bị hủy bỏ theo quy định của pháp luật thì gia đình bạn sẽ được nhận lại khoản tiền cho vay. Bên cạnh đó, Tòa án sẽ xem xét về mức độ lỗi của các bên để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
+ Trường hợp đã đến thời hạn phải trả nợ nhưng bên vay chưa thanh toán theo đúng thỏa thuận hoặc bên vay vi phạm nghĩa vụ khác của hợp đồng thì Tòa án có thể buộc bên vay phải thanh toán nợ, lãi và bồi thường thiệt hại.
Đối với việc xác định lãi suất của việc vay mượn: Theo thông tin bạn cung cấp thì giao dịch vay này là giao dịch vay có lãi. Tuy nhiên, bạn không nói rõ mức lãi suất là bao nhiêu. Do đó, có hai trường hợp có thể xảy ra:
+ Nếu hai bên đã thỏa thuận rõ mức lãi suất được áp dụng thì lãi suất theo thỏa thuận của các bên tuy nhiên không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng (khoản 1 điều 476 BLDS 2005).
+ Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ (khoản 2 điều 476 BLDS 2005).
Từ những thông tin, tài liệu, giấy tờ mà bạn cung cấp như trên, Tòa án sẽ xem xét thụ lý và giải quyết theo thủ tục của Bộ luật tố tụng dân sự.
(Bạn đọc có những băn khoăn hay thắc mắc về pháp lý, xin hãy gửi câu hỏi về địa chỉ conglydientu@congly.com.vn để được các chuyên gia tư vấn pháp luật giải đáp trong thời gian sớm nhất).