Sinh mệnh đã là thứ quý giá nhất trên đời, thì sao lại không biết trân trọng?. Chí ít là khi đứng trước mạng sống của mình và người khác lại không thể động lòng trắc ẩn mà thực hiện những thông điệp giản dị dễ nhớ như 5K.
Trước nay nói đến Tết người ta thường có câu “vui như Tết”. Năm nay, Tết Nguyên đán Tân Sửu đến bảng lảng trong nỗi u ám của dịch bệnh COVID-19, từng khắc đang nhích dần trong sự hồi hộp và phập phồng. Chỉ còn 3 ngày nữa là đến đêm giao thừa, nhưng sáng nay (8/2)- tức ngày 27 âm lịch, TP Hồ Chí Minh có thêm 4 trường hợp mắc COVID-19 và 24 trường hợp dương tính lần 1 với SARS-CoV-2. Trong khi đó, Hà Nội lại tiếp tục phong tỏa chung cư Garden Hill (99 Trần Bình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và 1200 cư dân đang được tiến hành lấy mẫu xét nghiệm vì liên quan đến bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 sống tại chung cư này.
Bệnh nhân N.T.K.A. nữ, sinh năm 1993 có tiếp xúc với ca bệnh 1722 vào ngày 26/1 tại cổng tòa nhà. Ngày 5/2, bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, đau họng. Đến 16 giờ 45 phút ngày 6/2, bệnh nhân gọi đến CDC Hà Nội để tư vấn và được báo về quận Nam Từ Liêm lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ngày 7/2, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân tiếp xúc với F0 từ ngày 26/1, đến nay là 12 ngày. Theo chu kỳ dịch, hiện nay, bệnh nhân này đã có khả năng lây nhiễm trong vòng 10 ngày qua. Dự kiến, trường hợp F1 của bệnh nhân này là rất nhiều.
Còn nhớ gần một năm trước vào ngày 6/3/2020, khi xuất hiện BN COVID-19 số 17 và những ca liên quan, Hà Nội gần như đã thức trắng đêm. Thời điểm dịch bệnh ở Hà Nội căng thẳng nhất, là khi cả phố Trúc Bạch buộc phải phong tỏa, và cả Bệnh viện Hồng Ngọc đóng cửa với hàng loạt y bác sỹ bị cách ly.
Sau đó tại cộng đồng là chuỗi ngày điều tra truy vết các ca F1, F2, F3 theo lịch trình di chuyển dày đặc của BN số 17, mà bệnh nhân ấy đã không nói ngay từ đầu. Và tại Bệnh viện việc điều trị cũng khẩn trương và tận tâm cho BN 17 cùng những người lây bệnh, điển hình là người bác nhiều lần nguy kịch.
Bài học mang tên BN số 17 đã đem đến cho người dân Thủ đô nỗi bàng hoàng, thảng thốt khi chứng kiến thế nào là COVID-19 không còn vô hình mà đã hiện hình, xâm nhập và len lỏi cạnh bên cả người thân và người lạ, có thế lấy đi mạng sống của bất cứ ai.
Ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam cũng đã cho chúng ta thấu đáo hơn về khái niệm F0, F1, F2, F3... cùng hậu quả nghiêm trọng của việc lây nhiễm chéo. Và day dứt hơn đó chính là tâm trạng đáng tiếc về cách hành xử thiếu ý thức, bất cẩn và có phần vô cảm của một cá nhân, mà chính số 17 không những đã phải chiến đấu sống còn với dịch bệnh, mà còn chịu áp lực rất lớn từ dư luận.
Những tưởng rằng, thế chưa hẳn đã đủ, thì cũng là những hành trang tối thiểu mỗi người phải ý thức và trang bị cho mình trong bối cảnh “cả thế giới căng mình chống dịch” này. Vậy mà năm qua, trong khi toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn dân, đặc biệt là các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch vừa xông pha trên tuyến đầu, vừa tuyên truyền không biết mệt mỏi về phòng chống dịch COVID-19 trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Thì một bộ phận người dân vẫn dửng dưng, vô cảm, thể hiện rõ ở việc không chỉ dừng ở một ca như BN số 17, mà tiếp tục có thêm những ca mắc COVID-19 gây lây lan ra cộng đồng khác, bị khởi tố xử lý hình sự do vi phạm nguyên tắc phòng chống dịch và Luật Truyền nhiễm. Các hành vi không tuân thủ 5K vẫn xảy ra phổ biến như: Không đeo khẩu trang, không tuân thủ quy trình cách ly, không khai báo y tế, hoặc khai báo y tế một cách gian dối, chống đối, bất hợp tác lực lượng chức năng, thậm chí nhiều người còn tổ chức cho các đối tượng người nước ngoài xâm nhập trái phép vào đất nước mà không cần nghĩ đến hậu quả khôn lường ra sao.
Ngay cả những ngày gần đây, khi xuất hiện 2 ổ dịch lớn nhất từ trước tới nay tại Hải Dương và Quảng Ninh với biến thể mới của SARS-CoV-2 lây lan với tốc độ kinh hoàng, đã đe dọa đất nước có thể bị san bằng vì dịch bệnh. Với tinh thần để nhân dân có một cái Tết bình an, Ban Chỉ đạo mà người đứng đầu là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng với các chuyên gia y tế đầu ngành đã lên đường bám trụ tại các điểm nóng, đoàn kết, quyết tâm, quyết liệt và bền bỉ triển khai chiến dịch tại nhiều địa phương, thành phố. Cho đến hôm nay, “giặc COVID-19” ở 2 ổ dịch Quảng Ninh và Hải Dương cũng đã chùn bước và bị “khóa” vào đúng qũy đạo trận địa do Ban Chỉ đạo và các địa phương dự liệu. Từ những tín hiệu khả quan đó, hoàn toàn có thể cho chúng ta hy vọng về một cái Tết an bình.
Mọi thứ dường như ổn, sẽ ổn nhưng rồi có ổn không?. Khi ngày mai bất cứ ai, cũng có thể bất ngờ là 1200 cư dân chung cư Garden Hill kia, chỉ vì một cá nhân thuộc thế hệ trẻ, chắc không ít lần tiếp xúc mạng xã hội nhưng lại “lười” khai báo y tế.
Một clip dài hơn 4 phút khác ghi lại cảnh một người phụ nữ không đeo khẩu trang la lối, lớn tiếng với lực lượng chức năng vì muốn ra khỏi khu vực đang bị cách ly ở Bình Dương cũng đang lan truyền trên mạng xã hội.
Báo cáo của Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống COVID-19 mới đầu tháng cho biết, còn không ít trường hợp mắc COVID-19, hay thuộc diện F1, F2 không chủ động khai báo thông tin, thậm chí không hợp tác với cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Cá biệt có ca mắc, hàng trăm F1 đã không chủ động khai báo…
Thật đáng buồn và day dứt mãi không thôi. Vẫn biết rằng, mỗi cá nhân sinh ra đều không giống nhau, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Một đất nước 100 triệu dân càng không thể khiến trăm nhà như một. Nhưng sinh mệnh đã là thứ quý giá nhất trên đời, thì sao lại không biết trân trọng?. Chí ít là khi đứng trước mạng sống của mình và người khác lại không thể động lòng trắc ẩn mà thực hiện những thông điệp giản dị dễ nhớ như 5K.
Tại sao là con dân Đất Việt mà lại không cư xử cho đúng là một người Việt Nam vốn có truyền thống đoàn kết, kiên cường vượt mọi khó khăn từ hàng ngàn đời nay.
Vẫn cứ muốn hỏi Tại sao?