Clip Mỹ Linh hát Quốc ca Việt Nam trước Tổng thống Obama vừa được tung lên đã khiến nữ diva hàng đầu Vpop hứng chịu không ít gạch đá, dư luận trái chiều.
Là nghệ sỹ, giống như làm dâu trăm họ, được lòng người này nhưng lại mất lòng người kia. Hôm nay diễn hay, hát tốt nhưng ngày mai cũng có thể làm chưa hay, chưa tốt bởi không có ai là đúng từ đầu cho đến cuối. Cái này là chắc chắn.
Còn công chúng thì cũng có người này người kia. Có những người đồng cảm, chia sẻ với nghệ sỹ, những người làm dâu trăm họ. Vì thế họ sẵn sàng bao dung khi người nghệ sỹ mắc lỗi. Nhưng lại không ít người, vì hùa theo số đông, thấy cái lỗi trước mắt mà chưa nhìn thấy hết nỗ lực và sự cố gắng ở phía sau sân khấu. Cái họ thấy chỉ là những gì hào nhoáng, lộng lẫy và đẹp đẽ trên sân khấu mà thôi.
Lại nói đến chuyện cái clip hát Quốc Ca Việt Nam của ca sỹ Mỹ Linh đang làm dư luận đặc biệt quan tâm mấy ngày vừa qua khi chị là nghệ sỹ duy nhất nhận lời mời của Đại sứ quán Hoa Kỳ biểu diễn tại buổi diễn thuyết của Tổng thống Obama.
Mỹ Linh chia sẻ rằng cô không bị áp lực khi hát Quốc ca trước Tổng thống Obama
Khoan chưa nói đến hay hay chưa hay ở đây, chỉ tinh thần ấy thôi cũng đủ nhiều người phải ngưỡng mộ. Bởi có nghệ sỹ nào đủ can đảm và bản lĩnh đứng một mình trên sân khấu, hát ca khúc đã quá quen thuộc với đại chúng, lại hát trước một vị Tổng Thống quyền lực như ông Obama? Đã thế, có nghệ sỹ, ca sỹ đủ can đảm để hát live vừa không nhạc đệm một ca khúc quá quen thuộc với đại chúng vừa hát qua hệ thống âm thanh vốn dĩ không phải mục đích để phục vụ biểu diễn nghệ thuật? Ngày nay, nhiều ca sỹ phòng thu, với những bản thu hoàn chỉnh đã qua chỉnh sửa được cho là giọng tốt, được số đông yêu thích.
Hơn nữa, cái clip lan tràn trên mạng mà mọi người được nghe lại phần thu lại qua hệ thống loa, âm thanh chưa chuẩn như ngồi nghe trực tiếp hay nguồn âm thanh được lấy từ bàn trộn nên tiếng của ca sỹ nghe ồm ồm như trong chum. Đấy là phần mà nhiều người chưa được biết khi chạy theo số đông để chỉ trích, chê bai giọng hát của Mỹ Linh.
Nói về bài Quốc ca Việt Nam, vốn dĩ đây là ca khúc là để cho đám đông hát. Mà hát tập thể không thể chậm rãi được nên phần lớn phải hát theo nhịp hành khúc 2/4. Vì thế chưa có một nghệ sỹ nào hát đơn ca, chúng ta chỉ quen với hát tập thể, hát với nhiều người, không khí và không gian hoàn toàn khác so với buổi diễn thuyết của Tổng thống Obama mà Mỹ Linh là nghệ sỹ duy nhất vinh dự có cơ hội “có một không hai” này. Đấy là chuyện hát Quốc ca của đại đa số công chúng.
Lại nói về công chúng, khán giả nghe nhạc hiện nay. Lâu nay chúng ta đã quá quen khi nghe các ca sỹ hát nhép, giọng hát qua công nghệ đánh bóng, nâng cấp đã không một tì vết nên khi nghe một bản mộc như vậy sẽ cảm thấy chán đi rất nhiều. Hơn nữa lại là một bản mộc không hát theo lối cũ, tức là hát theo nhịp 2/4.
Bằng đấy lý do đủ thấy Mỹ Linh đã quá can đảm khi nhận lời với phía Mỹ để hát Quốc ca Việt Nam mà không nhạc đệm, không nhạc nền như thế.
“Việc hát một mình không nhạc đệm tôi nghĩ không có nhiều ca sỹ có bản lĩnh để thực hiện điều đó trong thời khắc quan trọng như vậy.. Mỹ Linh mạo hiểm nhưng đổi lại cảm xúc của cô ấy là không thể che giấu. Về chuyên môn thì tôi thấy tone thấp vì cô ấy bắt tone theo cách tự nhiên vì không có nhạc cụ để dựa dẫm", nhạc sĩ Huy Tuấn chia sẻ trên VOV khi nói về việc Mỹ Linh hát Quốc ca không theo lối cũ và hát không có nhạc đệm, nhạc nền.
Trả lời báo chí về “sự cố” lần này, Mỹ Linh cho rằng phần trình bày bài Quốc ca tại buổi diễn thuyết của Tổng thống Obama có thể coi là “tai nạn nghề nghiệp” với nữ ca sỹ như Maradona sút trượt 11m vậy.
Và Mỹ Linh kết luận sau vụ “tai nạn nghệ nghiệp” của mình như thế này:
“Tôi hiểu rằng không ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người và sự tiếp nhận cái không quen, không giống mình đều luôn khó khăn. Bạn có nhớ là Beethoven từng bị chửi là không biết viết giao hưởng khi ông ấy định thay đổi chính phong cách của mình.
Nghệ sĩ sẽ luôn chấp nhận cô đơn. Có nhiều người ủng hộ họ cũng chỉ dám inbox vì họ ngại va chạm. Tôi cảm ơn họ nhiều.
Suy cho cùng, những nghệ sĩ như tôi vẫn sống vì khán giả. Họ chưa chấp nhận không phải là sẽ không chấp nhận. Thời gian có thể họ sẽ nghĩ khác. Là nghệ sĩ thì ta chấp nhận đợi thôi. 10 năm nữa, những đứa trẻ bây giờ còn hát khác đi nữa, và đó là sự thật”.