Văn hóa kinh doanh là yếu tố đóng vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp tạo sự khác biệt. Cùng với đó, việc bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới sẽ tạo ra cơ hội phát triển nhanh chóng cho doanh nghiệp.
Mới đây, tại diễn đàn “Văn hóa kinh doanh với xu hướng tiêu dùng mới” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, các Bộ, ban, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã có những trao đổi, đối thoại xoay quanh chủ đề văn hóa kinh doanh với xu hướng tiêu dùng mới.
Diễn đàn cũng là hoạt động cụ thể nhằm triển khai chương trình hành động của VCCI thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị. Qua đó, thúc đẩy thực hiện phong trào hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam mà VCCI đã và đang triển khai từ năm 2018 đến nay.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, văn hóa luôn là mục tiêu, động lực của sự phát triển.
Đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, xây dựng văn hóa kinh doanh mang đặc trưng của doanh nghiệp, bao hàm bản sắc giá trị văn hóa của quốc gia ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết.
Ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, văn hóa kinh doanh đóng vai trò then chốt, giúp doanh nghiệp, doanh nhân đạt được những lợi thế cạnh tranh trên cơ sở khả năng đổi mới và thích ứng nhanh chóng với xu hướng tiêu dùng mới, xu hướng tiêu dùng hiện đại, mà rộng hơn là với môi trường kinh doanh quốc tế.
Không chỉ vậy, văn hóa kinh doanh còn góp phần nâng tầm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế.
"Có thể khẳng định, văn hóa kinh doanh gắn liền với hoạt động sản xuất và tiêu dùng; văn hóa kinh doanh bao hàm trong nó văn hóa tiêu dùng, đó là những giá trị kinh tế đi đôi với giá trị giá trị nhân văn và ý nghĩa xã hội. Điều này tạo nên diện mạo mới cho nền kinh tế hiện đại. Và để xây dựng văn hóa tiêu dùng, mà rộng hơn là văn hóa kinh doanh phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mang bản sắc giá trị văn hóa quốc gia, đòi hỏi chúng ta cần có chiến lược và mục tiêu cụ thể", ông Phòng chia sẻ.
Trước sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng, Phó Chủ tịch VCCI khuyên các doanh nghiệp cần kịp thời nắm bắt và khẳng định được dấu ấn văn hóa khác biệt của mình trong định hướng, cũng như chiến lược kinh doanh vì ở mỗi giai đoạn, thời kỳ cụ thể, thường có những xu hướng đặc trưng xuất hiện, định hình hành vi và tác động đến quyết định của người tiêu dùng.
Đặc biệt, doanh nghiệp phải hiểu rõ văn hóa tiêu dùng từ trước tới nay là gì? Từ đó làm căn cứ để chỉ ra những yếu tố tác động, ảnh hưởng tới văn hóa tiêu dùng đó, dẫn tới hình thành một xu hướng tiêu dùng mới trong bối cảnh hiện nay.
Điển hình như phong trào người Việt Nam việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam cần được chuyển thể thành thói quen, một nét văn hoá tiêu dùng Việt Nam.
Nét văn hoá này mang cả một chiều sâu triết lý, ý thức tiêu dùng bắt nguồn từ truyền thống mấy nghìn năm của văn hoá dân tộc, không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, tình yêu thương cộng đồng mà còn thể hiện ý chí quyết tâm xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh.
Diễn đàn cũng được lắng nghe nhiều chia sẻ của các cơ quan, đơn vị về chủ đề văn hóa kinh doanh với xu hướng tiêu dùng mới, có thể kể đến xu hướng tiêu dùng và sở thích mua sắm; văn hóa kinh doanh trong thương mại điện tử kỷ nguyên công nghệ số; xu hướng tiêu dùng chủ đạo hiện nay trên thế giới dưới góc nhìn của văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp...