Đời sống

Vận dụng tối đa chính sách trong giải phóng mặt bằng đường Vành đai 1

Phong Vân - Linh Phạm 04/04/2023 - 20:39

Đó là yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại buổi kiểm tra tình hình thực tế Dự án đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục), qua địa bàn các quận Ba Đình, Đống Đa vào chiều nay (4/4).

anh-04.4-1.a-dung.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm việc với các địa phương, đơn vị về tình hình thực hiện Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.

Tiền bồi thường không đủ mua nhà tái định cư

Theo ông Đồng Phước An, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP. Hà Nội, Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài 2.274m, mặt cắt ngang 50m.

Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa), điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình); khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan...

Mức đầu tư giai đoạn 1 Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là hơn 7.211 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 627 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng hơn 5.818 tỷ đồng, được bố trí từ nguồn ngân sách thành phố.

Hiện, UBND quận Đống Đa đang gặp vướng mắc về quy hoạch đối với 139 hộ, tổng diện tích 6.083m2 liên quan đến hạng mục bãi đỗ xe và cây xanh trong dự án xây dựng đường Vành đai 1 tại phường Ô Chợ Dừa.

Theo ông Lê Tuấn Định - Chủ tịch UBND quận Đống Đa, bên cạnh giá bồi thường về đất thấp, chưa sát với giá thị trường, giá nhà tái định cư cao, diện tích đất ở không được bồi thường, tổng số tiền bồi thường hỗ trợ không đủ để mua nhà tái định cư…

“Quận Đống Đa có khó khăn, vướng mắc tập trung chủ yếu liên quan đến các trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ, không đủ điều kiện để bồi thường về đất tại khu vực tập thể Trại Nhãn, thuộc phường Ô Chợ Dừa”, ông Lê Tuấn Định cho biết.

Tại buổi kiểm tra, các sở, ban, ngành, lãnh đạo thành phố đã trao đổi, đánh giá, phân tích, đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhìn nhận, tiến độ triển khai dự án hiện đang rất chậm, vướng mắc hiện nay chủ yếu là công tác giải phóng mặt bằng.

Đối với 139 hộ dân với tổng diện tích 6.083m2 liên quan đến hạng mục bãi đỗ xe và cây xanh trong Dự án xây dựng đường Vành đai 1 tại phường Ô Chợ Dừa, theo ông Dương Đức Tuấn, khu vực này không ảnh hưởng đến chỉ giới đường đỏ của Dự án đường Vành đai 1, thành phố sẽ xem xét dự án đầu tư bãi đỗ xe và cây xanh vào thời điểm thích hợp.

vanhdai1a.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra tình hình thực hiện Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục trên địa bàn các quận Ba Đình, Đống Đa.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu, đề xuất chính sách đặc thù của các loại đất nông nghiệp, đất công... đã áp dụng cho các dự án trên địa bàn thành phố (dự án xây dựng đường Lương Định Của, xây dựng đường Vành đai 3 mở rộng...), để báo cáo UBND thành phố cho phép áp dụng đối với Dự án đường Vành đai 1.

Bên cạnh đó, các địa phương cần cưỡng chế đo đạc, lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất, điều tra, kiểm đếm đất và tài sản trên đất trên cơ sở chỉ giới đường đỏ của dự án đã được phê duyệt.

Tạo điều kiện cao nhất, tốt nhất cho người dân

Phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực nội đô lịch sử; là công trình trọng điểm của Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.

“Việc càng kéo dài thời gian thực hiện dự án sẽ càng gây lãng phí về nguồn lực của thành phố, trong khi hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông của khu vực nội đô ngày càng xuống cấp; đồng thời, gây bất an, bức xúc cho người dân trong khu vực giải phóng mặt bằng của dự án”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh. Đồng thời yêu cầu, quyết tâm cao trong thực hiện dự án, tạo chuyển biến, tạo sự đồng thuận thực sự trong hệ thống chính trị và người dân để giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố phối hợp với các quận, sở, ngành đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Trong đó, cần xác định chuẩn chỉ giới đường đỏ, tổ chức phân kỳ quy hoạch; đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư gắn với cơ chế đặc thù.

vanhdai5.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo, kết luận buổi kiểm tra.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị nghiên cứu trên tinh thần cởi mở, vận dụng tối đa, cao nhất chính sách giải phóng mặt bằng, tái định cư trên toàn dự án, chú trọng tạo sinh kế cho người dân yên tâm sinh sống ổn định, lâu dài sau khi bàn giao mặt bằng.

“Tạo điều kiện cao nhất, tốt nhất trong khung khổ chính sách và thẩm quyền của thành phố để ưu tiên cho người dân… Cần quán triệt tinh thần này để thực hiện chính sách”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Khẳng định công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là hết sức quan trọng, ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị vào cuộc giải thích, cặn kẽ, thỏa đáng về lợi ích của cộng đồng, của quốc gia khi thực hiện dự án cho người dân hiểu và đồng thuận.

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị, các sở, ban, ngành tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố và các quận để thực hiện dự án; bảo đảm cơ bản đủ vốn giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án...

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vận dụng tối đa chính sách trong giải phóng mặt bằng đường Vành đai 1