Mới đây, TAND tỉnh Bắc Ninh phối hợp cùng tổ chức JICA và Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC tổ chức Hội thảo khoa học: “Một số vấn đề về chứng cứ, chứng minh và tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm theo BLTTH 2015”.
Hội thảo đã đề cập đến những nội dung quan trọng, cần thiết đối với Thẩm phán hiện nay.
Chứng minh trong tố tụng là hoạt động phức tạp
Hoạt động thu thập chứng cứ, nghĩa vụ chứng minh và quyền tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự và tại phiên tòa hình sự là những chế định lớn, quan trọng được quy định trong BLTTHS 2015 (Có hiệu lực từ ngày 1/1/2018).
Theo TS Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh, quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự là một vấn đề phức tạp, vừa mang tính lý luận, tính thực tiễn, đồng thời có tính quyết định trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án hình sự. Việc nhận thức đúng và đầy đủ lý luận về chứng cứ nói chung trong đó có quá trình chứng minh trong vụ án hình sự, sẽ bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử được khánh quan chính xác, không để lọt tội phạm, không làm oan, sai đối với người vô tội.
Đặc biệt tại phiên tòa, hoạt động kiểm tra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, sử dụng chứng cứ, để chứng minh có hay không có hành vi phạm tội như cáo trạng của VKS đã truy tố của HĐXX là hết sức quan trọng. Hoạt động này là căn cứ để HĐXX khẳng định được rằng tội phạm đã xảy ra, xác định được con người cụ thể đã thực hiện tội phạm và họ phải chịu trách nhiệm về hành vi đã thực hiện, từ đó tuyên một bản án kết tội với một con người cụ thể kèm theo là những hình phạt tương ứng hoặc tuyên một người không phạm tội và trả tự do cho họ. Nếu việc kiểm tra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, sử dụng chứng cứ để chứng minh tội phạm của HĐXX không bảo đảm tính khách quan, chính xác sẽ là nguyên nhân dẫn đến oan sai trong hoạt động tố tụng. Do vậy, việc kiểm tra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, sử dụng chứng cứ để chứng minh tội phạm trong tố tụng hình sự của các Cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và của HĐXX nói riêng rất quan trọng.
Ngoài việc kiểm tra chứng cứ, đánh giá chứng cứ do Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thu thập, để bảo đảm tính khách quan, BLTTHS 2015 đã quy định tại Điều 252 về việc Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ. Quy định này cũng giúp cho hoạt động kiểm tra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, sử dụng chứng cứ của HĐXX khi chứng minh tội phạm được khách quan và toàn diện hơn.
TS Phạm Minh Tuyên phát biểu tại hội thảo
Về nghĩa vụ chứng minh, theo quy định tại Điều 15, để xác định sự thật của vụ án thì: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”.
Các chuyên gia cho rằng, theo quy định trên thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bao gồm các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử. Ngoài ra còn một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động tố tụng theo quy định tại Điều 35 BLTTHS 2015 quy định: “Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Đây cũng chính là nguyên tắc đã được quy định tại Điều 13 BLTTHS 2015 là: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Cách đánh giá chứng cứ
Đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự bao gồm những sự kiện và tình tiết khác nhau, mà mỗi sự kiện, mỗi tình tiết nói riêng cũng như toàn bộ vụ án, đều phải được nghiên cứu, làm sáng tỏ một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện và chính xác. Để chứng minh tội phạm trong tố tụng hình sự, thì vấn đề quan tâm hàng đầu chính là các yếu tố cấu thành tội phạm. Song để chứng minh tội phạm trong tố tụng hình sự thì bất cứ một tội phạm nào, các cơ quan tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tố tụng đều phải chứng minh được những vấn đề như: dấu hiệu hành vi thuộc yếu tố mặt khách quan, lỗi chủ quan, năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi chủ thể tội phạm.
Cùng với đó, lời khai của bị can, bị cáo đề cập đến những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự, cũng như các tình tiết khác của vụ án. Thực tế cho thấy, có những vụ án các bị can, bị cáo có sự thông đồng khai ra những thông tin sai sự thật, đánh lạc hướng điều tra của Cơ quan tiến hành tố tụng. Do vậy, việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ là lời khai của bị can, bị cáo cần hết sức thận trọng và khách quan, cho dù bị can, bị cáo có lời khai nhận tội mà lời khai đó không phù hợp với thực tế khách quan thì cũng không được coi là chứng cứ để chứng minh trong vụ án hình sự bởi lẽ Điều 98 đã quy định: “Không được dùng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội họ”.
Một loại chứng cứ nữa được đề cập đến là dữ liệu điện tử. Đây là nguồn chứng cứ mới được quy định trong BLTTHS 2015, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm nhất là đối với các tội phạm sử dụng công nghệ cao. Việc công nhận dữ liệu điện tử có giá trị chứng minh tội phạm, là vấn đề hoàn toàn mới do vậy chỉ khi đã được kiểm tra, đánh giá một cách đầy đủ khách quan, thông qua cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử phát hiện dữ liệu điện tử có gắn chữ ký điện tử của các bên giúp phát hiện những thay đổi cũng như làm phát sinh những thiệt hại của bất kỳ ai đó thông qua hoạt động của các mạng máy tính thì mới có giá trị chứng cứ trong vụ án hình sự…
Như vậy có thể thấy rằng, quá trình chứng minh vụ án hình sự nói chung và hoạt động chứng minh trong giai đoạn xét xử sơ thẩm cũng như phúc thẩm vụ án hình sự nói riêng là hoạt động vô cùng phức tạp nhưng lại có tính hệ trọng cao, quyết định tính đúng đắn trong phán quyết giải quyết vụ án của Tòa án, bảo đảm nguyên tắc xét xử đúng người, đúng tội, trực tiếp tác động đến các quyền cơ bản, bao gồm cả quyền sống của con người.
Trong những năm qua, công tác xét xử của hệ thống TAND các cấp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại tình trạng xét xử oan người vô tội, xét xử không đúng với quy định của pháp luật cả về tội danh và hình phạt, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm cũng như vật chất đối với những người bị xét xử oan, sai. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên là do việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ để sử dụng trong chứng minh tội phạm còn chưa được chặt chẽ, khách quan và toàn diện gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật của các chủ thể tiến hành và tham gia hoạt động chứng minh trong giai đoạn các giai đoạn tố tụng nói chung và trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự nói riêng.