Văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo có dấu hiệu bị làm giả (Bài 1)

Anh Tuấn| 12/05/2021 09:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 8/1/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 26/KH-BGDĐT do Thứ trưởng Ngô Thị Minh ký thay Bộ trưởng. Tuy nhiên, văn bản này đã bị thay đổi từ tên kế hoạch đến nội dung, sai lệch bản chất.

Tên kế hoạch và mục đích bị thay đổi

Nhằm thực hiện Kế hoạch, Chương trình công tác năm 2021 của Chính phủ, Ban chỉ đạo 138/CP, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, ngày 8/1/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã ban hành văn bản số 26/KH-BGDĐT (gọi tắt là văn bản số 26) về Kế hoạch triển khai Chương trình công tác về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, ma túy và tệ nạn xã hội của Bộ GD&ĐT năm 2021. Văn bản này do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh ký thay Bộ trưởng.

1(1).jpg
Trang đầu của Văn bản gốc

Mục đích của kế hoạch này là triển khai các nội dung công việc được giao tại Nghị quyết số 121/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; Kế hoạch năm 2021 của Ban chỉ đạo 138/CP; Quyết định số 291/QĐ-TTg ngày 21/2/2020 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật và các Chương trình, Kế hoạch, Chỉ thị của Bộ GD&ĐT về phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật và an ninh, trật tự, an toàn trường học và một số mục đích khác.

Tuy nhiên, theo thông tin và tài liệu mà PV Báo Công lý có được, khi văn bản số 26 được gửi tới Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên để đơn vị này triển khai tới các cơ sở giáo dục trên toàn quốc thì đã bị thay đổi từ tên kế hoạch đến nội dung trong văn bản.

Cụ thể, ‘Kế hoạch triển khai Chương trình công tác về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, ma túy và tệ nạn xã hội của Bộ GD&ĐT năm 2021’ đã bị thay đổi thành ‘Kế hoạch triển khai Công tác Phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội; Công tác xã hội, bảo vệ trẻ em, tư vấn tâm lý, hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành Giáo dục năm 2021’.

Do tên Kế hoạch bị thay đổi nên mục đích của kế hoạch cũng bị thay đổi thêm nội dung triển khai, đó là: “Quyết định số 1665/QĐ-TTG ngày 30/10/2017 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Nội dung kế hoạch bị thêm bớt nghiêm trọng

Không chỉ mục đích và tên kế hoạch bị thay đổi, thêm bớt mà phần nội dung của kế hoạch cũng bị thêm bớt nhiều phần. Cụ thể, phần 8 và 10 của kế hoạch bị thêm bớt như sau: Phần 8 của nội dung kế hoạch số 26 là, Tổ chức các Hội nghị, hội thảo, tọa đàm, video clip, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các mô hình điểm, tấm gương sáng trong triển khai các hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Sơ kết, đánh giá công tác triển khai công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học.

2.jpg
Trang đầu của Văn bản bị chỉnh sửa

Nhưng trong văn bản được Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên gửi xuống các cơ sở cấp dưới đã bị thêm thành: Tổ chức các Hội nghị, hội thảo, tọa đàm, video clip, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các mô hình điểm, tấm gương sáng trong triển khai các hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Sơ kết, đánh giá công tác triển khai công tác xã hội, tư vấn tâm lý, hỗ trợ khởi nghiệp trong trường học.

Phần 10 của nội dung kế hoạch số 26 của Bộ GD&ĐT là: Kiểm tra, khảo sát việc triển khai công tác phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, vi phạm pháp luật, AIDS, ma túy, mại dâm tại các địa phương, nhà trường; khảo sát nhận thức của học sinh, sinh viên về tệ nạn ma túy. Nhưng đã bị thay đổi thành: Kiểm tra, khảo sát việc triển khai công tác phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, vi phạm pháp luật, AIDS, ma túy, mại dâm tại các địa phương, nhà trường; khảo sát nhận thức của học sinh, sinh viên về tệ nạn ma túy; khảo sát nghiên cứu các yếu tố liên quan đến nhà trường tác động đến sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ vị thành niên.

Không chỉ những phần nêu trên bị thay đổi, thêm bớt mà Phụ lục kế hoạch số 26 cũng bị thêm nhiều phần nội dung và đơn vị chủ trì, thời gian thực hiện, kết quả/sản phẩm. Cụ thể, tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch số 26 do Bộ GD&ĐT ban hành chỉ có 11 nội dung công việc thì trong Phụ lục gửi các cơ sở giáo dục lại thành 13 nội dung công việc phải thực hiện.

Phần nội dung công việc của phụ lục kế hoạch số 26 bị thêm 2 phần đó là: Hội thảo tổng kết Chương trình phối hợp triển khai Đề án 1665 và thúc đẩy sáng tạo xã hội trong các trường đại học tại Việt Nam giai đoạn 2018-2021, đơn vị chủ trì là Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (gọi tắt là Vụ GDCTHSSV), thời gian thực hiện là tháng 3/2021, kết quả/sản phẩm là Hội thảo được tổ chức; Đơn vị phối hợp là các Bộ, ngành, đơn vị thuộc Bộ, các sở GD&ĐT, các nhà trường.

Và nội dung Khảo sát, Hội thảo quốc gia về nghiên cứu các yếu tố liên quan đến nhà trường tác động đến sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ vị thành niên, đơn vị trủ chì là Vụ GDCTHSSV; thời gian thực hiện từ tháng 3 đến 9/2021; kết quả/sản phẩm là Hội thảo được tổ chức; Đơn vị phối hợp là Tổ chức UNICEF, Bộ Y tế, Bộ LĐ - TB&XH, ĐHQG Hà Nội, các chuyên gia, các sở GD&ĐT; các nhà trường.

Nhận thấy kế hoạch số 26 của Bộ GD&ĐT có dấu hiệu bị sửa đổi, làm giả, ngày 6/5/2021, phóng viên Báo Công lý đã liên hệ với bà Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT để tìm hiểu về sự việc. Bà Minh cho biết: “Bộ GD&ĐT đang xem xét sự việc để thành lập hội đồng kỷ luật. Bộ sẽ làm việc nghiêm minh, công tâm, khách quan, đúng quy trình, thời gian, có kết quả sẽ thông tin đầy đủ”.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo có dấu hiệu bị làm giả (Bài 1)