Kế thừa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với các tiêu chí “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, đoàn viên, thanh niên hệ thống Tòa án đang từng ngày nỗ lực, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công việc, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Niềm tự hào của tuổi trẻ
Không khí tháng 4 lịch sử bao trùm khắp mọi nơi, đây là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đầy gian lao, khốc liệt mà ông cha ta phải đánh đổi máu xương để có độc lập, tự do cho nước nhà.
Đối với đoàn viên, thanh niên TAND TP. HCM, khoảnh khắc ấy dường như chộn rộn, linh thiêng hơn bởi trụ sở đơn vị cách Dinh Thống Nhất chỉ vài trăm mét. Hàng ngày được ngắm nhìn biểu tượng lịch sử, họ lại nhớ thời khắc 11h30’ ngày 30/4/1975 khi người chiến sĩ đầu tiên của Việt Nam cắm lá cờ chiến thắng trên nóc Dinh Thống Nhất.
Xuyên suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đặc biệt từ năm 1945 đến nay, vai trò của Tòa án luôn luôn được đề cao. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Từ những phiên tòa xét xử đầu tiên tại các cơ sở cách mạng lâm thời, đến nay hệ thống Tòa án đã có mặt khắp 63 tỉnh, thành, soi sáng nền tư pháp nước nhà. Mỗi năm, hệ thống Tòa án giải quyết hàng trăm nghìn vụ án các loại, tính chất và mức độ tranh chấp ngày càng phức tạp, tội phạm ngày càng tinh vi, năm sau luôn cao hơn năm trước, tuy nhiên đội ngũ cán bộ trẻ đã phát huy tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.
11 năm công tác trong ngành Tòa án, chị Hồ Diệu Thúy, Bí thư Chi đoàn TAND cấp cao tại TP.HCM khẳng định hệ thống Tòa án đã có những bước tiến lớn, chị luôn tự hào khoe Tòa án là mái nhà thứ hai, các anh chị em đồng nghiệp là người thân ruột thịt trong gia đình.
Với Thẩm phán trẻ Nguyễn Duy Thuật, gần 10 năm gắn bó với “cán cân công lý”, trải qua các nhiệm vụ như Thư ký nghiệp vụ, kiêm nhiệm công tác Đoàn thanh niên, công tác Đảng... Đầu năm 2022, anh vinh dự được Chủ tịch nước bổ nhiệm chức danh Thẩm phán sơ cấp và điều động công tác tại TAND quận 8.
“Những thành quả cha ông gây dựng là quá to lớn, vĩ đại, những điều đó đã thôi thúc tôi tiến về phía trước, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, Thẩm phán Nguyễn Duy Thuật bày tỏ.
Thanh niên đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số
Viết tiếp lịch sử oai hùng của thế hệ đi trước, tuổi trẻ TAND luôn ghi lòng tạc dạ, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn, tham gia vào công cuộc phát triển đất nước, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, công bằng xã hội. Bên cạnh việc tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đoàn viên, thanh niên chủ động trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn để đáp ứng nhu cầu công việc, hướng đến việc xây dựng tòa án điện tử, cải cách tư pháp.
Bí thư Chi đoàn TAND TP.HCM Trần Trung Hiếu cho rằng, con người đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp, trong đó phải nói đến sự tiên phong, xung kích của đoàn thanh niên. Theo anh Hiếu, là một phần của hệ thống tư pháp, thanh niên phải có đạo đức, ý thức công vụ, tư tưởng, lập trường vững vàng, đặc biệt phải luôn đổi mới.
Song hành cùng quá trình chuyển đổi số, trong năm 2023, tuổi trẻ TAND TP. HCM dự kiến triển khai mô hình “Tổ thanh niên tình nguyện, xung kích hỗ trợ, tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc tham gia Đề án tống đạt qua phương thức điện tử tại TAND TP. HCM”.
Đồng quan điểm, chị Hồ Diệu Thuý nhấn mạnh vai trò của đoàn thanh niên trong hệ thống Tòa án, bởi đây chính là đội ngũ quan trọng giúp việc cho hoạt động xét xử. Chị Thuý nhìn nhận, trong bối cảnh chuyển đổi số, đoàn viên, thanh niên trực tiếp thực hiện các phần việc như hỗ trợ công bố bản án lên cổng thông tin điện tử, xem xét phần mềm trợ lý ảo, hướng dẫn cài đặt tìm kiếm, tổ chức phiên toà trực tuyến...
Hiến kế cho Tòa án, nữ thủ lĩnh đoàn đề xuất TANDTC nên xây dựng phần mềm kết nối thông tin giữa Tòa án các cấp để thuận lợi trong việc tra cứu, theo dõi diễn biến, giải quyết vụ án. Chị Thuý dẫn chứng thực tế hiện nay hệ thống Tòa án chưa liên kết hồ sơ bản án giữa các cấp sơ thẩm với phúc thẩm, phúc thẩm với giám đốc thẩm mà chủ yếu thao tác thủ công.
Còn Thẩm phán Nguyễn Duy Thuật nhận định, TANDTC rất quyết liệt trong công tác chuyển đổi số. “Tôi nhận thấy đây là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. Bởi lẽ, làm tốt công tác chuyển đổi số sẽ giúp cho công tác quản lý hồ sơ, sổ sách một cách khoa học, giải quyết được phần nào bài toán thiếu biên chế, công khai minh bạch quá trình xét xử của Tòa án, việc chuyển đổi số cũng góp phần tạo nền tảng để xây dựng Tòa án điện tử”, Thẩm phán Thuật nói.
Từ thực tiễn công tác, Thẩm phán Nguyễn Duy Thuật cho rằng cần chú trọng yếu tố con người trong chuyển đổi số, vì hiện nay tại các Tòa án (đặc biệt là Tòa án cấp huyện) không được bố trí công chức công nghệ thông tin, việc tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu gặp nhiều khó khăn, đa số kiêm nhiệm và dựa vào kỹ năng vốn có của cán bộ, công chức nên chưa đảm bảo được sự đồng đều và chuyên nghiệp giữa các địa phương.
Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ công tác chuyển đổi số (đường truyền có tính bảo mật cao, server lưu trữ dữ liệu…) để phòng, chống hiện tượng tấn công vào hệ thống phần mềm của Tòa án, làm gián đoạn quá trình hoạt động, đánh cắp dữ liệu... Hiện nay dữ liệu chủ yếu lưu trữ vào máy tính cá nhân.
Đồng thời, kiến nghị xây dựng và hoàn thiện phần mềm quản lý án, quản lý nhân sự, kế toán... dùng chung và thống nhất trên cả nước. Việc này góp phần nâng cao công tác quản lý của Tòa án các cấp đối với quá trình thụ lý, giải quyết án, giúp làm tốt công tác thống kê, lưu trữ và đánh giá chất lượng giải quyết án của từng Thẩm phán.