Vai trò của Ủy ban Luật pháp quốc tế LHQ trong pháp điển và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế

B.Dương| 10/03/2023 07:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 9/3, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Hội Luật quốc tế Việt Nam đã tổ chức “Tọa đàm về vai trò của Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc (ILC) trong pháp điển và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế giai đoạn 2017-2022 và trong thời gian tới”.

Vai trò của Ủy ban Luật pháp quốc tế LHQ trong pháp điển và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Báo Thế giới & Việt Nam

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh về vai trò của luật pháp quốc tế trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia và vai trò của ILC trong việc pháp điển và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế.

Từ năm 2017 đến nay, ILC có sự tham gia, đóng góp của chuyên gia pháp lý Việt Nam là Đại sứ Nguyễn Hồng Thao.

Sự tham gia của thành viên Việt Nam trong ILC thể hiện chủ trương của Việt Nam về đẩy mạnh và nâng tầm ngoại giao đa phương, chủ động, tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thế chế đa phương minh bạch, công bằng và dân chủ.

Trong khuôn khổ tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao có tham luận về vai trò của ILC trong pháp điển và phát triển tiến bộ của luật pháp quốc tế, giai đoạn 2017-2022 và những đóng góp của thành viên Việt Nam trong ILC.

Tham dự và phát biểu tại tọa đàm còn có Tiến sĩ Ki-Gab Park (Hàn Quốc), nguyên thành viên ILC, nhiệm kỳ 2012-2017, 2017-2022, hiện là giáo sư thỉnh giảng tại trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Vai trò của Ủy ban Luật pháp quốc tế LHQ trong pháp điển và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế

Tiến sĩ Ki-Gab Park (Hàn Quốc) trao đổi tại toạ đàm. Ảnh: Báo Thế giới & Việt Nam

Giáo sư Park đã chia sẻ về các trường phái luật của các nước châu Á, châu Âu thể hiện trong thảo luận các chủ đề tại ILC.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng nghe các chuyên gia pháp lý trong nước trình bày nhiều bài nghiên cứu về các chủ đề luật pháp quốc tế đang được quan tâm như vấn đề thừa kế trách nhiệm quốc gia, mực nước biển dâng, bảo vệ môi trường và nguồn của luật quốc tế.

Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia pháp lý tại các bộ, ngành, các trường đại học và các viện nghiên cứu. Các đại biểu tham dự hội nghị đã sôi nổi thảo luận về các chủ đề luật pháp quốc tế.

Phát biểu bế mạc tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam đánh giá cao các bài tham luận của các diễn giả cũng như các ý kiến đóng góp của các đại biểu dự tọa đàm.

Tọa đàm sẽ góp phần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu luật pháp quốc tế tại các trường, các viện nghiên cứu cũng như thực hành luật pháp quốc tế tại Việt Nam, góp phần pháp điển và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế.

Vai trò của Ủy ban Luật pháp quốc tế LHQ trong pháp điển và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Báo Thế giới & Việt Nam

Tọa đàm là cơ hội để các chuyên gia pháp lý của Việt Nam và quốc tế trao đổi về các chủ đề luật pháp quốc tế, đặc biệt những chủ đề đã và được thảo luận trong ILC.

Tọa đàm cũng thúc đẩy hơn nữa việc kết nối giữa các chuyên gia pháp lý trong nước và quốc tế, thúc đẩy các nghiên cứu về luật pháp quốc tế tại Việt Nam, qua đó nâng cao hơn nữa đóng góp của thành viên Việt Nam trong ILC trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của Ủy ban Luật pháp quốc tế LHQ trong pháp điển và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế