Một đường dây trục lợi bảo hiểm hàng tỷ đồng có sự tiếp tay của bác sĩ, nhân viên y tế đã bị cơ quan chức năng triệt phá. Từ đây, chiêu thức trục lợi bảo hiểm của các đối tượng bị vạch trần.
Thị trường bảo hiểm ở Việt Nam được đánh giá phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đặc biệt là trong 3 năm dịch Covid-19, người dân có ý thức hơn về nhu cầu mua bảo hiểm sức khỏe, y tế nên số người tham gia các hình thức bảo hiểm ngày càng tăng.
Tuy nhiên, đi cùng sự phát triển đó là thực trạng trục lợi bảo hiểm ngày càng tinh vi, là những hành vi cố tình gian dối, lừa đảo có chủ ý ngay từ đầu khi tham gia bảo hiểm nhằm chiếm đoạt số tiền lớn từ cách doanh nghiệp bảo hiểm, gây thiệt hại cho bảo hiểm y tế.
Tháng 6/2022, quá trình rà soát tội phạm liên quan lĩnh vực bảo hiểm, trinh sát Phòng cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Nghệ An) tập trung nghi vấn vào Lê Thị Hà An (34 tuổi), trú phường Quán Bàu, TP Vinh. Hà An có tham gia lớp đào tạo tư vấn bảo hiểm nên am hiểu các chế độ chi trả hợp đồng bảo hiểm. Gần đây, người phụ nữ này có nhiều biểu hiện bất minh về kinh tế khi mua căn hộ chung cư đắt tiền, cuộc sống sung túc.
Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng phát hiện Hà An là mắt xích trong đường dây trục lợi bảo hiểm quy mô lớn trên địa bàn. Hà An liên hệ với người cần làm bệnh án giả để thanh toán quyền lợi bảo hiểm, hướng dẫn họ mua các hợp đồng bảo hiểm mà khi gặp rủi ro sẽ được chi trả hàng trăm triệu đồng.
Trinh sát cho hay, Hà An không quan tâm khách hàng được bảo hiểm chi trả hay không, luôn thu trước 100-150 triệu đồng một bệnh án giả. Sau đó, nhờ mẹ ruột là Thái Thị Mai (56 tuổi, điều dưỡng của Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ, Nghệ An), làm giả bệnh án gãy xương và bỏng.... Đến tháng 10/2022 khi nghỉ hưu, bà Mai giới thiệu Nguyễn Quốc Việt (39 tuổi), kỹ thuật viên chụp X-Quang của Trung tâm cho con kết nối để làm giả bệnh án.
Mỗi lần nhờ mẹ và Việt làm giả hồ sơ, Hà An chuyển tiền công 2,5-5 triệu đồng. Nhiệm vụ của Việt là chỉnh sửa phim X-Quang để khớp với thông tin khách hàng. Còn bà Mai thực hiện đăng ký khám cho bệnh nhân tại Khoa Khám bệnh rồi của Trung tâm nhờ các bác sĩ điều trị ký khống thủ tục để khép bệnh án.
Xong mọi thủ tục, Hà An chuyển hồ sơ cho khách hàng. Khoảng 1 tháng sau khi tiếp nhận hồ sơ, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ xem xét và chuyển tiền cho khách hàng theo hợp đồng đã ký.
Ban chuyên án xác định, bên cạnh việc thực hiện các vụ trục lợi bảo hiểm thương mại, Hà An còn thông qua mối quan hệ thân thiết với bác sĩ Trần Đức Lượng, Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh, phối hợp làm giả bệnh án để thanh toán bảo hiểm y tế.
Hồ sơ vụ án thể hiện, khi Hà An và khách hàng muốn làm bệnh án giả, bác sĩ Lượng đăng ký thông tin người khám bệnh tại bộ phận tiếp đón của Khoa Nội tim mạch rồi khám, chỉ định điều trị nội trú. Khi “bệnh nhân ảo” ra viện, nam bác sĩ chốt thủ tục, trích sao bệnh án đưa cho Hà An và đối tác để làm hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế.
Khi nào thấy bảo hiểm y tế và bệnh viện kiểm soát chặt, bác sĩ Lượng yêu cầu người bệnh đến đăng ký khám và thực hiện xét nghiệm ban đầu tại các khoa khác rồi chuyển lại kết quả cho mình để làm bệnh án điều trị nội trú. Trên thực tế, những người này làm thủ tục nhập viện xong thì đi về. Nhưng với hồ sơ khống, họ vẫn được bảo hiểm y tế chi trả 2-3,5 triệu đồng mỗi đợt “nhập viện”. Trong số này, bác sĩ Lượng nhận tiền công 500.000 đồng mỗi hồ sơ.
Đầu tháng 6, vụ án sáng tỏ khi các công ty bảo hiểm thương mại đến gặp cơ quan điều tra cung cấp hồ sơ những khách hàng nghi vấn trục lợi bảo hiểm. Hà An và những người liên quan thấy “động” nên cắt liên lạc với nhau, đồng thời tìm cách tiêu hủy chứng cứ.
Ngày 15/6, biết cô và mẹ đang du lịch ở TP HCM, những người trong đường dây cũng chuẩn bị vào Đà Nẵng nghỉ dưỡng, ban chuyên án quyết định “cất vó”. Hôm sau, một tổ công tác được cử vào TP HCM đón lõng trước cửa nhà nghỉ, Hà An và bà Mai vừa đi về thì bị khống chế. Cùng thời điểm, các trinh sát ở Nghệ An cũng bắt giữ bác sĩ Lượng, kỹ thuật viên Việt cùng một người trục lợi bảo hiểm là Nguyễn Thị Quỳnh An (35 tuổi).
Tại cơ quan điều tra, Hà An khai khi được nhờ làm bệnh án giả đã nhận lời vì túng thiếu, lâu dần vì thấy kiếm tiền dễ nên không dừng lại được. Còn bác sĩ Lượng thì tự tin “không bị lộ” bởi bệnh án do ông “thiết kế”, phải là người giỏi chuyên môn mới nhận ra được kẽ hở.
Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2022 đến nay, Hà An làm giả 22 bệnh án gãy xương và bỏng giúp đối tác chiếm đoạt hàng tỷ đồng của các công ty bảo hiểm nhân thọ, ước tính đã hưởng lợi bất chính khoảng 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, các đối tượng làm khống hơn 450 bệnh án điều trị nội trú tại bệnh viện gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội Nghệ An và các công ty khác khoảng 3 tỷ đồng.
Hiện, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can Lê Thị Hà An, Nguyễn Thị Quỳnh An, Nguyễn Thị Mai về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nguyễn Quốc Việt về tội Giả mạo trong công tác; Trần Đức Lượng về tội Gian lận bảo hiểm y tế.