Vaccine không phải tất cả

Chính Tâm| 10/03/2021 10:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vaccine không phải là tất cả, không kỳ diệu như việc giải quyết vấn đề trong một câu chuyện cổ tích, nhất là khi cả thế giới đang đảo lộn vì COVID-19.

Ngay từ xuất hiện virus corona nhiều nước trên thế giới đã chạy đua bằng mọi giá để nghiên cứu sản xuất vaccine với hy vọng và niềm tin rằng, vaccine sẽ dập tắt hoàn toàn đại dịch.

Niềm tin này được khẳng định chắc chắn bằng những cơ sở về khoa học tiên tiến nhất hiện nay. Vaccine vốn chứa các phiên bản suy yếu của virus hay phiên bản gần giống như virus (kháng nguyên) nhằm kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể. Những kháng thể này sẽ bảo vệ cơ thể khi tiếp xúc với các virus trong tương lai.

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, nhiều loại dịch bệnh đã biến mất hoàn toàn, hoặc chí ít cũng giảm tỷ lệ bệnh xuống trong tầm kiểm soát khi triển khai các chương trình tiêm chủng vaccine thực hiện tốt đa số mọi người đều được chủng ngừa một căn bệnh.

Nhờ có vaccine hàng triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Người được tiêm chủng không bị mắc bệnh hay di chứng do bệnh dịch gây ra.

Đến thời điểm này thế giới đã tạo ra được một số loại vaccine ngừa COVID-19 và nhiều nước đã và đang triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 thu được những hiệu quả nhất định.

vac-xin-khong-phai-tat-ca.jpg
BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiến hành tiêm vaccine COVID-19 cho những người phụ nữ  được ưu tiên tiêm đầu tiên nhân vào ngày 8/3 vừa qua

Việt Nam cũng đã sớm xác định việc tiêm vaccine là giải pháp căn cơ. Những ngày này, chúng ta đang triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19. Những người đầu tiên được tiêm chủng là các nhân viên y tế tại các bệnh viện như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Gia Lai...

Và chắc chắn rồi, đây chỉ là những mũi tiêm đầu tiên, Việt Nam còn tiếp tục mua thêm, nhận hỗ trợ từ chương trình COVAX, cùng với việc đẩy mạnh thử nghiệm, sản xuất vaccine trong nước, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng sẽ có đủ vaccine cho 100 triệu dân như mục tiêu đặt ra.

Vậy là, rất nhiều người cho rằng thế giới đã về lại như xưa, có thể tung tăng trà chanh chém gió, du lịch, tụ tập, không khẩu trang, không cần phải khai báo y tế sau khi đã được tiêm vaccine.

Nhưng xin đừng quá hoang đường, bởi lẽ, vaccine không phải là tất cả, không kỳ diệu như việc giải quyết vấn đề trong một câu chuyện cổ tích. Không phải được tiêm vaccine rồi thì có thể khẳng định rằng chắc chắn người tiêm sẽ không bị nhiễm bệnh.

Vaccine tạo ra kháng thể, nhưng cho đến nay được ghi nhận hầu như có tác dụng làm giảm bớt các triệu chứng nặng của nhiễm COVID-19 hơn là bảo vệ chúng ta khỏi sự lây nhiễm COVID-19.

Ngoài ra, người đã nhiễm bệnh mà được tiêm vaccine vẫn có thể lây virus cho người khác nếu không thực hiện đeo khẩu trang hoặc giữ khoảng cách giao tiếp.

Có vaccine rồi, cũng không phải không lo đến những tai biến khi tiêm. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng lưu ý nhiều lần rằng, những vaccine ngừa COVID-19 được nghiên cứu, phát triển theo trong tình hình khẩn cấp, việc cấp giấy phép sử dụng ở Việt Nam cũng vậy. Do đó, chúng ta càng phải cảnh giác và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 đang được tiến hành tiêm tại Việt Nam cũng được những người đứng đầu ngành Y tế khuyến cáo, vaccine này rất mới, đến nay mới có 25 quốc gia triển khai tiêm. Do thời gian tiêm ngắn, kinh nghiệm triển khai cũng như các sự cố bất lợi sau tiêm chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cung cấp đầy đủ. Trong quá trình tiêm “chắc chắn sẽ có những tai biến không mong muốn xảy ra”.

Ngoài ra các vaccine ngừa COVID-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hằng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải 1 đợt, hay 1 năm là xong.

Những khuyến cáo của những chuyên gia và Người đứng đầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã cho chúng ta thấy rõ hai khía cạnh.

Thứ nhất, có vaccine cũng không được chủ quan, bởi sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 thì vẫn tiềm ẩn những mối nguy dù lớn dù nhỏ cho chính người tiêm và những người khác trong cộng đồng. Vì vậy, chúng ta vẫn cần nằm lòng nguyên tắc: “Vaccine + 5K”. Ngay cả khi tiêm vaccine rồi vẫn phải thực hiện thường xuyên 5K.

Thứ 2 về khía cạnh kinh tế, ngay cả khi vaccine có hiệu quả thực sự như chúng ta mong muốn rồi, thì việc tiêm nhắc lại nhiều đợt là điều không tránh khỏi. Căn cơ nhất đối với một nước nghèo chống dịch như Việt Nam thì việc thúc đẩy nhanh nhất thử nghiệm, sản xuất vaccine ngừa COVID-19 “made in Việt Nam” cũng là điều vô cùng cần thiết phải tiến hành song song.

Đến cuối tháng 2/2021, khoảng hơn 200 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được tiêm tại ít nhất 107 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhưng đi kèm với đó, đến cuối ngày 9/3, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 117.8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2.6 triệu ca tử vong. Trong khi đó, Việt Nam đến hết ngày 9/3, đã có 522 người được tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên và số người tử vong vì COVID-19 là 35.

Vậy đấy, vaccine hiện nay vẫn được khẳng định là giải pháp tốt nhất , nhiều nước cũng đã đi trước chúng ta rất nhiều trong chiến dịch tiêm ngừa vaccine COVID-19. Tuy nhiên, Việt Nam chúng ta vẫn tự hào là điểm sáng được thế giới ghi nhận trong phòng chống dịch. Chúng ta hãy gìn giữ và làm tốt những gì chúng ta đang có.

Để loại trừ virus corona ra khỏi đời sống hằng ngày để trở về như thời cách đây 2 năm thì có lẽ còn rất xa.

Thế nên, có vaccine cũng tuyệt đối đừng cho là tất cả khi mà thế giới đã đổi thay rất nhiều vì bệnh dịch.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vaccine không phải tất cả