Bà thổ lộ rằng sau này sẽ xin Ban giám thị được sống nốt phần đời trong trại, không trở về quê hương nữa. Với người đàn bà đã bước qua tuổi 60 này, đây chính là “chốn bình yên” giữa cuộc đời sóng gió.
Phạm nhân Hoàng Thị Canh
Người đàn bà ấy là phạm nhân Hoàng Thị Canh, cải tạo lao động ở phân khu I, Trại giam Thanh Phong về tội danh “Cướp tài sản” cách đây 9 năm.
Trong đôi mắt như cười của người đàn bà này có một điều gì đó nửa như cam chịu, nửa như bằng lòng với số phận khi thành thật: “Tôi nhận tội thay cho con gái nhưng không ngờ nó với chồng và các con tôi đã bỏ tôi mà đi hết rồi”. Hóa ra, ngày vào tù là ngày đoàn tụ cuối cùng của gia đình người đàn bà này để rồi kẻ vào tù thay con, người chết vì HIV, người chết vì tai nạn giao thông, sập hầm vàng. Căn nhà từng là mái ấm của vợ chồng bà Canh với ba đứa con ngoan giờ hoang tàn, lạnh lẽo.
Quê ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, chưa một ngày làm vợ theo đúng nghĩa, bà Canh đã là quả phụ khi mới đôi mươi. Chồng bà, một anh lính, chỉ kịp cùng bà nấu nồi nước chè xanh mời bà con trong vùng tới chứng kiến ngày vu quy rồi tất tả khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Người ra đi mãi không trở về, cùng năm đó trên đầu bà ngoài mảnh khăn trắng tang chồng là sự ra đi của mẹ chồng. Là vợ liệt sỹ, cứ tưởng cuộc đời đã khép lại với người phụ nữ một lần đò lỡ dở, không ngờ có ngày Canh có đôi có lứa.
Trong một lần tham gia hội thi cấy giỏi tổ chức ở Nghệ An, đội của Canh ở nhờ nhà một gia đình cũng có người đi lính. Những ngày đi thi, trong khi các bạn cùng đội rủ nhau tranh thủ đi thăm thú đây đó, Canh chỉ quanh quẩn nơi nhà trọ vì nghĩ đời mình coi như đã khép. Thấy Canh chăm chỉ, nết na, bà chủ nhà rất vừa ý, một hai ướm hỏi cho con trai mình, lúc đó vẫn còn trong quân ngũ. Ngày người con trai chủ nhà phục viên, Canh đã về quê sinh sống. Anh tìm tới nhà Canh, biết về cuộc đời cô, anh càng thương nên quyết tâm hàn gắn. Đám cưới đơn sơ nhưng đậm nghĩa tình của họ diễn ra sau đó vài tháng.
Ba đứa con, hai gái một trai lần lượt ra đời. Để nuôi con, vợ chồng Canh không nề hà bất cứ việc gì, từ làm thuê cuốc mướn đến thợ xây, đi đâu họ cũng có nhau. Theo năm tháng, quãng đường đi làm của họ ngày một xa thêm, nhiều khi phải hàng tuần mới về nhà với con cái. Cha mẹ vắng nhà, cô bé Hoài trở thành người gánh vác gia đình, thay ba mẹ lo cơm nước, bảo ban hai em học hành. Thiếu thốn tình cảm, không người quản lý, uốn nắn từ nhỏ, cô con gái út tên Lê Thị Hiếu bắt đầu chệch choạc sống. Ban đầu là trộm tiền của chị đi chơi điện tử, lên lớp 6, Hiếu đã biết yêu rồi bỏ học luôn từ đó.
Biết con yêu phải một thanh niên nghiện, vợ chồng bà đưa Hiếu lên Quỳ Hợp cùng làm phu hồ với mình nhưng chỉ được hôm trước, hôm sau là con bé trốn về, tìm gặp người yêu. Không muốn con trai vì yêu trẻ vị thành niên mà vào tù, còn con gái thì sớm trở thành kẻ hư hỏng, hai gia đình bàn nhau cho chúng toại nguyện để sớm tu tỉnh sống, nào ngờ chúng tiếp tục gây họa. Trong một lần chồng lên cơn nghiện, túng quẫn, Hiếu lén bỏ thuốc ngủ vào bát canh của người hàng xóm, cướp chỉ vàng trên tay họ. Biết chuyện từ Quỳ Hợp, bà tất tả chạy về. Thương con, nghĩ đến tương lai còn dài của nó, bà thương thuyết với bị hại, xin nhận tội thay. Án 12 năm tù được thực thi, Canh trở thành kẻ tội đồ, nhường gánh nặng cơm áo cho chồng gánh vác.
Không tỉnh ngộ sau cái giá mà người mẹ phải gánh, Hiếu giờ đã nghiện nặng rồi cả hai vợ chồng cùng nhiễm HIV. Thương con, bà viết thư động viên chồng con, bảo “anh ấy” một năm vào thăm một lần cũng được vì đường xá xa xôi. Nào ngờ, lần đầu tiên chồng con lên thăm vợ ở trại 5 cũng là ngày mãi mãi bà mất họ. Đó là ngày 13-3-2003. Bà biết tin dữ về chồng và hai con là do chị Chủ tịch phường viết thư vào báo tin.
Theo lời người phụ nữ này thì hôm đó, chồng Canh đèo Hoài và cậu con trai lên trại 5 thăm vợ, không ngờ bị chiếc xe khách chạy đường dài đâm phải. Tiễn đưa họ về nơi chín suối chỉ có bà con chòm xóm và chính quyền địa phương chứ đứa con gái mà bà thương yêu nhất lúc ấy chỉ còn thoi thóp thở vì “sida” hành hạ. Hai tháng sau, con bé Hiếu và chồng nó cũng lặng lẽ ra đi. Căn nhà giờ đây chỉ còn đợi bà về mở cửa.
Những ngày về trại Thanh Phong, được về đội chiếu làm việc, nỗi buồn của bà Canh được các bạn già xoa dịu. Mỗi người ôm một nỗi khổ riêng nhưng tất thảy đều thương xót người phụ nữ cô quả này nên có thứ gì gia đình gửi vào đều san sẻ cho bà. Nhất là những ngày lễ Tết, ngoài tiêu chuẩn được hưởng theo quy định, bà Canh còn được lãnh đạo trại tặng thêm cho một suất quà nữa. “Còn năm nữa là tôi được ra trại nhưng chẳng muốn về đâu cán bộ ạ. Tôi đã viết đơn gửi lãnh đạo trại, xin được ở lại nơi này, dẫu sao vẫn vui hơn khi phải về nhà”, bà Canh cười buồn…
Nguyễn Tiến