Ước mơ có điện để gieo con chữ bớt khó khăn của cô giáo bản

NGÔ CHUYÊN| 23/11/2020 07:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lần đầu đến điểm trường mình công tác, tôi bị ngã xe trên con đường mòn, đi tiếp được nửa đường thì phải dừng lại gửi xe, thuê xuồng di chuyển.

img_2935.jpg
Cô Phùng Thị Thủy (SN 1992, dân tộc Thái). Ảnh Ngô Chuyên.

Đó là tâm sự của cô Phùng Thị Thủy (SN 1992, dân tộc Thái) giáo viên mầm non tại điểm trường Buôm En thuộc Trường Mầm non xã Pa Thơm - tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Cô Thủy sinh ra trong một gia đình thuần nông, tốt nghiệp cấp 3 cô viết tiếp giấc mơ của mình với ngành sư phạm. Bởi vậy, cô Thủy quyết định thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên.

Năm 2013 tốt nghiệp cô đã viết đơn tự nguyện xin đến điểm trường Buôm En - điểm trường khó khăn nhất của Trường Mầm non xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Cô Thủy tâm sự: “Khi đã chọn được nghề nghiệp yêu thích, tôi sẽ cố gắng hết mình. Dù có khó khăn, tôi luôn tìm mọi cách để khắc phục, luôn nỗ lực hết lòng vì các con – những mầm non tương lai của đất nước”.

Sau hơn 5 năm công tác tại trường vùng khó, chưa có một lần nào cô có suy nghĩ chán nản hay nhụt chí dẫu nhiều lần tôi phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn.

Cô kể: “Lần đầu đến bản, tôi bị ngã xe trên con đường mòn ghập ghềnh và chênh vênh. Đi được nửa đường thì phải dừng lại gửi xe và thuê xuồng di chuyển, xuồng đến bản số tiền phải trả là 300 nghìn đồng”.

Hay mỗi lúc trời mưa không thể đi xe máy cô Thủy lại phải đi bộ bốn tiếng đồng hồ để đến lớp. "Có lần về muộn, trời tối, đường rừng vắng, nghe tiếng thú gọi bầy cũng đủ sợ", cô Thủy tâm sự.

img_2938.jpg
"Có lần về muộn, trời tối, đường rừng vắng, nghe tiếng thú gọi bầy cũng đủ sợ", cô Thủy tâm sự. Ảnh Ngô Chuyên.

Không những thế, sự khác biệt về ngôn ngữ cũng gây không ít trở ngại cho cô khi mới về nhận công tác.

“Học sinh của mình đa phần là người dân tộc Cống. Sự khác biệt về ngôn ngữ khiến cho việc giao tiếp với trẻ, phụ huynh cũng bị hạn chế. Để nói rõ cho phụ huynh vai trò con chữ, học sinh cần được đến trường mình phải kiên nhẫn thậm chí “trường kỳ kháng chiến”, cô Thủy tâm sự.

Buôm En - nơi cô Thủy công tác chênh vênh trên núi rừng Tây Bắc, hiện nay chưa có điện.

“Bởi vậy tôi hi vọng rằng điểm trường Buôm En được thắp sáng bởi ánh đèn điện, để mùa nắng các con có quạt, trời tối các con có ánh sáng để học”, cô Thủy tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ước mơ có điện để gieo con chữ bớt khó khăn của cô giáo bản