Bộ Quy tắc với mục đích xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội được kỳ vọng giúp độc giả và người đọc có cách ứng xử văn minh và tôn trọng báo chí trên nền tảng internet và mạng xã hội.
Quyền lực thứ tư là một thuật ngữ không chính thức khiến người ta hay nghĩ tới khi nhắc đến báo chí. Trong hệ thống chính trị, bên cạnh hành pháp, lập pháp và tư pháp, báo chí mặc dù không có quyền lực riêng để thay đổi chính sách hoặc để trừng phạt lạm dụng quyền lực, nhưng qua việc phản ánh và tranh luận công khai có thể gây nhiều ảnh hưởng đến các các quy trình chính trị.
Chẳng thế mà “Nhà báo” thường được nhắc đến trong các “Nhà” đáng kính của xã hội. Trong cuốn sách của ông On Heroes and Hero Worship (tạm dịch: Về các anh hùng và việc sùng bái anh hùng), Thomas Carlyle mô tả: "Burke nói rằng có 3 đẳng cấp tại Quốc hội, nhưng, trong phòng Phóng viên, có ngồi một đẳng cấp thứ tư quan trọng hơn nhiều so với tất cả”.
Báo chí Cách mạng Việt Nam vừa là cơ quan ngôn luận của các tổ chức trong hệ thống chính trị, vừa là diễn đàn của nhân dân. Đây là nền báo chí của nhân dân, vì lợi ích cao cả của nhân dân mà hoạt động và chịu sự giám sát của nhân dân.
96 năm qua báo chí Việt Nam đã không ngừng phát triển mạnh mẽ, đến nay là một hệ thống với 851 cơ quan báo chí, 20.000 phóng viên và 50.000 người làm việc ở các cơ quan báo chí.
Và trong giai đoạn nào cũng vậy, các nhà báo luôn là những chiến sỹ dũng cảm trên mọi mặt trận.
Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, hàng nghìn nhà báo đã xung phong lên chiến trường, đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác về cuộc chiến, về niềm tin, niềm tự hào dân tộc, niềm hy vọng chiến thắng, thống nhất đất nước đến đồng bào và chiến sỹ cả nước. Hàng trăm chiến sỹ nhà báo đã phải nằm lại trên các chiến trường. Sự hi sinh xương máu của họ đã góp phần để đất nước được độc lập, tự do.
Đối với công cuộc đổi mới, hội nhập đất nước, báo chí không chỉ đóng vai trò quan trọng hàng đầu trên mặt trận tư tưởng, là cầu nối truyền tải, thông tin giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, báo chí còn có tác động hai chiều “đưa chính sách vào cuộc sống, đưa cuộc sống vào chính sách”, những thông tin nhanh nhạy, chân thực của báo chí đã giúp các nhà quản lý kịp thời điều chỉnh chính sách, hiệu quả, khả thi và sát tình hình thực tế. Qua đó tạo sự đồng thuận, củng cố, tăng cường niềm tin nhân dân với chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, góp phần đưa đất nước tiến lên.
Mang hơi thở nhịp sống không ngừng biến động 24/7, báo chí đã lan tỏa, truyền cảm hứng, tạo động lực để mỗi cá nhân có khát vọng sống ý nghĩa và cống hiến, từ đó góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Những hình ảnh các nhà báo tác nghiệp quên mình trong cuộc chiến với tội phạm, thiên tai, bão lũ, những điểm nóng ở mọi nơi, mọi lúc đã trở nên quen thuộc thiết thân hơn bao giờ hết với độc giả trong và ngoài nước.
Cũng chính trong những ngày này, không ít những phóng viên, nhà báo đang tiếp tục âm thầm quên mình để thông tin kịp thời, chính xác diễn biến của từng tâm dịch COVID-19, kết nối những trái tim với nhau để toàn Đảng, toàn dân chung một ý chí vượt qua dịch bệnh.
Đáng buồn thay, cũng trong dịp Kỷ niệm 96 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, một số đối tượng đã có những hành vi thiếu tôn trọng báo chí như dùng mạng tấn công, hack phần mềm quản trị nội dung (CMS) của một số báo điện tử, làm gián đoạn truy cập của bạn đọc. Chưa hết, các đối tượng này còn đe dọa, thóa mạ, kêu gọi tẩy chay, bình luận ác ý, chửi bới, đánh giá ác ý đối với các fanpage của các tờ báo này. Những phóng viên thực hiện bài viết, cùng thân nhân của họ cũng bị hàng loạt nick lạ gửi tin nhắn chửi bới, xúc phạm, đe dọa.
Điều này cho thấy tình trạng tấn công báo chí là có chủ đích và có tổ chức. Việc tấn công vào cơ quan báo chí đã xúc phạm uy tín, danh dự nghề báo và những người làm báo, đồng thời vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng.
Đáng mừng, trong một động thái, ngày 17/6 vừa qua , Bộ TT&TT đã có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ Quy tắc đưa ra những quy tắc ứng xử chung áp dụng cho tất cả các nhóm đối tượng, quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân; quy tắc ứng xử cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước; quy tắc ứng xử cho các cơ quan nhà nước, và quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.
Quy tắc ứng xử chung là tôn trọng, tuân thủ pháp luật; quy tắc lành mạnh phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; quy tắc an toàn, bảo mật thông tin; quy tắc trách nhiệm (chịu trách nhiệm về các hành vi ứng xử trên mạng xã hội và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật).
Đặc biệt, trong nhóm quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân, Bộ TTT&TT nêu rõ, cá nhân, tổ chức khi tham gia mạng xã hội không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; không tung tin giả, sai sự thật; không quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép…
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với mục đích tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các quy ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.
Kỳ vọng rằng, Bộ Quy tắc từ việc chuẩn hóa hành vi ứng xử trên mạng xã hội cũng sẽ giúp độc giả và người đọc có cách ứng xử văn minh và tôn trọng báo chí trên nền tảng internet và mạng xã hội. Đồng thời, làm căn cứ để thực thi pháp luật nghiêm minh đối với những hành vi phạm liên quan đến báo chí, góp phần bảo vệ sự tôn nghiêm và uy tín của nghề báo cũng như những người làm báo.