Văn hóa- Thể thao

UNESCO khảo sát, chờ công nhận di tích Yên Tử trở thành di sản thế giới

Trần Khanh 19/03/2024 - 12:03

Mới đây, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã đánh giá hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc để công nhận và ghi vào danh mục Di sản thế giới.

Theo đó, UNESCO đề nghị cung cấp bổ sung các hình ảnh về quần thể di tích theo đúng kích cỡ, tiêu chuẩn, quy định. Hồ sơ sẽ được gửi tới Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS). Trên cơ sở đánh giá hồ sơ, các cơ quan của UNESCO sẽ cử đoàn chuyên gia tới khảo sát, đánh giá thực tế.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc gồm 6 khu di tích quốc gia đặc biệt và 32 điểm di tích được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt theo Luật Di sản văn hóa.

UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì, phối hợp với UBND 2 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương triển khai công tác xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

img_5180.jpeg
Di tích Yên Tử thu hút hàng vạn lượt du khách đến tham quan, chiêm bái vào dịp du xuân đầu năm.

Đây là hồ sơ khoa học đệ trình có nhiều tiêu chí theo Công ước 1972 nhất, vừa nghiên cứu, vừa chứng minh, vừa viết với tiến độ nhanh, tích cực, khẩn trương.

Để chứng minh giá trị của quần thể 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương các cơ quan chuyên môn đã chỉ đạo, triển khai phương pháp nghiên cứu, chứng minh, làm rõ và viết câu chuyện về giá trị quần thể di tích.

img_5556.jpeg
Vào dịp cuối tuần, du khách đổ về di tích Yên Tử rất đông.

Trong đó, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế xác định giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể di tích Yên Tử, triển khai các chuyên đề nghiên cứu khoa học, thu thập, tổng hợp tài liệu, tổ chức khai quật, khảo cổ.

Hồ sơ tập trung hơn 100 chuyên gia trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu, viết hồ sơ và mời chuyên gia quốc tế khảo sát, làm việc với chuyên gia trong nước xây dựng hồ sơ, trong đó, nhiều chuyên gia hàng đầu của Hội Khảo cổ học Việt Nam, UNESCO, Trung tâm Karst và Di sản địa chất...

img_5574.jpeg
Đến Yên Tử, du khách không chỉ được biết thêm về cội nguồn lịch sử dân tộc, mà còn được ngắm mai vàng độc đáo nở sau dịp Tết Nguyên đán.

Đây là hồ sơ di sản đầu tiên ở Việt Nam theo chuỗi 18 cụm di sản với 32 điểm di tích tại liên tỉnh, địa bàn rộng lớn, địa hình đồi núi phức tạp.

Trên cơ sở đánh giá kỹ thuật và hướng dẫn để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hồ sơ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh chủ trì phối hợp hai tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến của Trung tâm Di sản thế giới.

img_5566.jpeg
Mai vàng Yên Tử là một loài hoa quý hiếm chỉ có ở vùng đất thiêng Yên Tử.

Hồ sơ đề cử gồm bản tiếng Việt và tiếng Anh gồm: hệ thống bản đồ khu vực di sản đề cử và vùng đệm; các báo cáo chuyên đề địa chất - địa mạo, đa dạng sinh học, biến động hành chính; các báo cáo chuyên đề lịch sử, khảo cổ học, di sản văn hóa phi vật thể, Phật giáo Trúc Lâm; hệ thống hồ sơ, báo cáo chuyên đề, bản vẽ; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan; hệ thống bản ảnh khu di sản đề cử và vùng đệm; tập phim giới thiệu về giá trị cảnh quan văn hóa dãy núi Yên Tử.

Hồ sơ đề cử đã được UBND tỉnh Quảng Ninh lấy ý kiến thống nhất của UBND tỉnh Bắc Giang, Hải Dương trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét theo quy trình trước khi gửi tới Trung tâm Di sản thế giới.

Được công nhận là di sản thế giới sẽ là cơ sở vững chắc cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững của 3 tỉnh trong vùng di sản, trong đó có Quảng Ninh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UNESCO khảo sát, chờ công nhận di tích Yên Tử trở thành di sản thế giới