Văn hóa - Du lịch

Hà Nam đẩy mạnh phát triển bền vững du lịch tâm linh

Văn Giang - T. Linh 18/03/2024 - 20:52

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, chính quyền tỉnh Hà Nam đã tập trung nguồn lực khai thác tiềm năng, thế mạnh để đưa Hà Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, văn minh và an toàn.

img_9276.jpeg
Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam).

Hà Nam cách thủ đô Hà Nội khoảng 65km, nằm trên trục hành lang Bắc Nam, là cửa ngõ quan trọng của các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Nam vào Hà Nội.

Vị trí địa lí của tỉnh là lợi thế so sánh rất quan trọng, tạo cơ hội cho Hà Nam thu hút mạnh mẽ khách du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Hà Nam là địa phương có lợi thế về du lịch tâm linh, lễ hội với nhiều di tích lịch sử mang giá trị văn hóa lâu đời và các ngôi chùa lớn nổi tiếng trong nước như: Chùa Tam Chúc, Địa Tạng Phi Lai Tự, Chùa Bà Đanh, Đền Trần Thương, Đền Lảnh Giang...

Chính vì vậy, lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm, chú trọng khai thác tiềm năng, phát triển theo hướng du lịch tâm linh không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách mà còn để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá - lịch sử, tạo cơ hội cho sự giao lưu văn hóa, trao đổi ý kiến và hợp tác giữa các cộng đồng, quốc gia khác nhau.

Tới Hà Nam, chắc chắn du khách không thể bỏ qua điểm đến Khu du lịch quốc gia Tam Chúc - quần thể chùa lớn nhất Việt Nam. Với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ cùng lối kiến trúc độc đáo, ấn tượng, hàng năm, Tam Chúc thu hút hàng triệu lượt khách du lịch, đặc biệt vào dịp lễ Tết, du xuân đầu năm. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, hàng vạn du khách thập phương đã đổ về chùa để hành hương và du xuân, đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho địa phương.

Tỉnh cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng Khu du lịch Tam Chúc, tập trung hoàn thiện các công trình chính, điểm nhấn, công trình giao thông kết nối khu du lịch với Quốc lộ 1A và Bái Đính - Tràng An, Ninh Bình.

Tỉnh cũng đang triển khai các tuyến đường song hành kết nối với Hưng Yên và Thái Bình và đặc biệt là tuyến đường kết nối hai di tích quốc gia của Hà Nam và Nam Định là đền Trần Thương (Lý Nhân) và đền Trần Nam Định.

Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ đầu tư điểm tham quan du lịch làng nghề, tổ chức lễ hội truyền thống như: Lễ hội Tịch điền, Lễ phát lương đền Trần Thương, Lễ hội Vật võ Liễu Đôi,... cũng được quan tâm và phát huy tích cực, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo nên những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách khi ghé thăm vùng đất văn hóa - lịch sử Hà Nam.

Theo ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nam, trong thời gian tới, ngành sẽ chủ động hợp tác với các ngành khác và các địa phương để thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển các di tích lịch sử, văn hóa, và làng nghề có giá trị, nhằm thu hút đầu tư và phát triển du lịch theo hướng dịch vụ chuỗi du lịch nội tỉnh và liên tỉnh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng sẽ tích cực mở rộng hoạt động tư vấn hỗ trợ đầu tư, xây dựng danh mục dự án đầu tư, và tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến với mục tiêu tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch tâm linh.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy khẳng định, Hà Nam luôn mong muốn hợp tác phát triển thuận lợi, hiệu quả, bền vững và chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa đến tham quan, tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch và phát triển nguồn lực con người.

Với quyết tâm, nỗ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với các tỉnh bạn trong hợp tác, liên kết phát triển du lịch, du lịch Hà Nam sẽ có bước phát triển mới, trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện của du khách trong nước và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nam đẩy mạnh phát triển bền vững du lịch tâm linh