Ngày 18/3, Lễ tưởng niệm 678 năm ngày mất của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1346-2024) và khai hội truyền thống đền Long Động đã diễn ra tại Di tích lịch sử quốc gia đền Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Lễ hội truyền thống đền Long Động năm nay diễn ra trong 3 ngày từ 18 đến 20/3/2024 (tức ngày 9 đến 11/2 Âm lịch).
Ngay từ sáng 18/3, chính quyền địa phương, ban tổ chức lễ hội và người dân đã thực hiện nghi lễ cáo yết, rước Thánh tại đền. Chiều cùng ngày, tại đây đã diễn ra các chương trình văn hóa văn nghệ.
Ngày 19/3, trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm 678 năm ngày mất Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, tổ chức tế rã hội và rước Thánh về lăng vào ngày 20/3.
Trong 3 ngày diễn ra lễ hội sẽ có các gian trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Nam Sách, các trò chơi dân gian, giải thi đấu thể thao, hội thi Trạng nguyên nhỏ tuổi… sẽ được tổ chức.
Đọc diễn văn khai hội, ông Hồ Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách đã tôn vinh những công lao to lớn của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi trong lịch sử và cả những giá trị tốt đẹp được truyền lại cho đến nay. Chủ tịch UBND huyện Nam Sách cho biết, địa phương đang nỗ lực phát huy truyền thống tốt đẹp đó và lễ hội đền Long Động là dịp để tưởng nhớ Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, để con cháu Mạc tộc, nhân dân mọi miền Tổ quốc hướng về quê hương, nguồn cội.
Chủ tịch UBND huyện Nam Sách nhấn mạnh, Nam Sách là vùng đất văn hiến, khoa bảng, giàu truyền thống cách mạng, nơi sinh ra và nuôi dưỡng nhiều danh nhân, nhân tài cho quê hương, đất nước. Qua các triều đại phong kiến, Nam Sách là huyện có số người đỗ Tiến sỹ nhiều nhất cả nước, với 125 Tiến sỹ Nho học. Trong số 12 Trạng nguyên của tỉnh Hải Dương, huyện Nam Sách có tới 5 vị.
Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1272-1346) là Trạng nguyên khoa Giáp Thìn (năm 1304), danh nhân thời nhà Trần thế kỷ XIV.
Mạc Đĩnh Chi nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, có tài ứng xử và 2 lần được cử đi sứ phương Bắc. Ông từng được vua Trần Minh Tông ca tụng là một bậc quý nhân cao sang, một đóa sen vàng luôn tỏa ngát trong tòa giếng ngọc. Hằng năm, vào ngày 10/2 Âm lịch, chính quyền, người dân địa phương đều tổ chức tế lễ để tưởng nhớ ông.
Tại huyện Nam Sách hiện còn lưu giữ những dấu ấn về cuộc đời và sự nghiệp của Mạc Đĩnh Chi qua nhiều di tích như: Đền Long Động, Trạng nguyên Cổ đường và điện Sùng Đức. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, di tích về ông tuy không còn được nguyên vẹn nhưng tài năng, đức độ, sự cống hiến của ông đối với giang sơn, đất nước còn mãi lưu truyền. Với tài năng, đức độ và công lao to lớn của ông, vua Trần đã phong cho ông tước Hầu và xây dựng đền thờ ông để muôn đời thờ phụng.
Đền Long Động, ngoài thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi còn thờ 2 danh nhân Khoa bảng hàng đầu là cụ Mạc Hiển Tích, cụ Mạc Kiến Quan và nữ Anh hùng Mạc Thị Bưởi.
Thủ khoa Minh kinh bác học Mạc Hiển Tích, đỗ đầu tại khoa thi năm Quảng Hựu thứ 2 (năm Bính Dần 1086) tương đương Trạng nguyên, được bổ nhiệm chức Hàn lâm học sỹ, sau thăng lên Thượng thư Bộ Lại và từng đi sứ Chiêm Thành.
Tiến sĩ Mạc Kiến Quan (em ruột của Trạng nguyên Mạc Hiển Tích) thi đỗ Khoa thủ tuyển (năm Kỷ Ngọ 1089), làm quan đến chức Thượng thư Bộ Công.
Mạc Thị Bưởi là nữ Anh hùng Liệt sỹ, tham gia cách mạng, làm liên lạc và có những công lao đóng góp to lớn trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa còn lưu giữ, năm 1995, đền Long Động được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng, công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.
Năm 2019, UBND tỉnh Hải Dương đã công nhận Di tích đền Long Động là điểm du lịch cấp tỉnh.