Những mối đe dọa từ phía các nhà chức trách Ukraine sẽ không thể ngăn cản người châu Âu muốn tới thăm Crimea và tìm hiểu sự thực về cuộc sống của người dân nơi đây, Phó Thủ tướng chính phủ Crimea tuyên bố ngày 30/7.
Bán đảo Crimea xinh đẹp
Vào hai ngày 23 và 24/7 vừa qua, một phái đoàn bao gồm 10 nghị sĩ Pháp - do nguyên Bộ trưởng Giao thông vận tải Thierry Mariani dẫn đầu - tới thăm và làm việc với các quan chức địa phương ở thành phố Yalta, Simferopol và Sevastopol trên bán đảo Crimea.
Phái đoàn Pháp đã đưa ra kết luận rằng cuộc sống của người dân trên bán đảo này hoàn toàn bình thường và chỉ ra rằng những người dân Crimea có quyền hợp pháp tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trở lại với nước Nga hồi năm ngoái.
Tiếp đó, hai đảng của Italy cho biết cũng đang có kế hoạch cử phái đoàn của mình tới Crimea. Phát biểu với Nhật báo Kommersant của Nga, nghị sĩ Manlio di Stefano cho hay, mục tiêu của chuyến đi này nhằm tìm hiểu người dân nơi đây đang trong tình trạng như thế nào.
“Nếu Ukraine bắt đầu tìm kiếm kẻ thù trong số các nhà lập pháp châu Âu, có thể Kiev sẽ sớm tự mình nhận thấy chẳng có người bạn nào. Mong ước muốn biết sự thực là khát vọng tự nhiên của bất kỳ chính khách nào, đó là lý do tại sao Ukraine sẽ không thể gây trở ngại cho họ bằng bất cứ cách nào”, ông Balbek tuyên bố.
Sau chuyến thăm của phái đoàn Pháp tới Crimea, chính quyền Kiev thông báo đã yêu cầu tất cả những người nước ngoài cần tôn trọng luật pháp Ukraine khi có kế hoạch tới thăm bán đảo nằm trên Biển Đen này, Sputnik cho biết.
Ông Balbek nói thêm, các lực lượng chính trị có thể đánh giá đầy đủ tình hình ở Crimea đã nổi lên như thế nào ở châu Âu. Theo ông, thông tin đã bị đưa một cách thiên lệch, song sự thực về cuộc sống yên bình tại Crimea vẫn có thể tìm thấy được trên các phương tiện truyền thông châu Âu.
“Các nghị sĩ châu Âu càng thấy được cuộc sống thực tại Crimea và thấu hiểu sự khác biệt to lớn với hình ảnh Crimea mà phương tiện truyền thông phương Tây miêu tả, thì Ukraine càng ít có cơ hội áp đặt lên cộng đồng quốc tế quan điểm rằng Nga là một quốc gia hung hăng và khó đoán định. Thành phần elite tại Ukraine cảm nhận được điều đó, và đó là lý do tại sao họ lại hoảng sợ và hành động một cách cuồng loạn”, ông Balbek nói.
Crimea chính thức trở lại với nước Nga hồi tháng 3/2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý với hơn 96% người dân nhất trí. Tuy nhiên, phương Tây và Kiev phản đối và cho đó là một cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp.