Số lượng phương tiện và mật độ người sinh sống, làm việc, tham gia giao thông trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng lớn gây áp lực lên hạ tầng, không chỉ giao thông mà còn hạ tầng xã hội khác như y tế, giáo dục.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Trần Hữu Bảo, trong những năm qua, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp.
Về hiện trạng hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông trên địa bàn, dân số của Hà Nội là gần 10 triệu người với trên 8 triệu phương tiện đăng ký; chưa kể 1,2 triệu phương tiện của địa phương khác lưu thông trên địa bàn.
Số lượng phương tiện và mật độ người sinh sống, làm việc, tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội là rất lớn gây áp lực lên hạ tầng, không chỉ giao thông mà còn hạ tầng xã hội khác như y tế, giáo dục.
Trong khi đó tỷ lệ đất dành cho giao thông Hà Nội hiện nay chỉ đạt 12 - 13% (theo quy hoạch ít nhất phải đạt 20 - 26%); giao thông tĩnh chưa đạt 1% (theo quy hoạch phải đạt 3 - 4%).
Thực tế đó dẫn đến các các tuyến đường, nút giao có mật độ người lưu thông rất lớn, có tuyến vượt 8 lần thiết kế như tại đường Vành đai 3 trên cao, cầu Chương Dương, đoạn qua cầu Thanh Trì.
Các tuyến đường như Nguyễn Trãi vượt 3,3 - 5,6 lần vào giờ cao điểm; đường Tố Hữu, Lê Văn Lương vượt 1,6 - 1,7 lần.
Ngoài lưu lượng vượt quá công suất kết cấu hạ tầng, hiện thành phố triển khai nhiều công trình dẫn đến phải rào chắn, làm thu hẹp mặt cắt tuyến đường, ý thức tham gia giao thông người dân chưa cao là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc còn kéo dài.
Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán 2024, ùn tắc giao thông sẽ còn diễn biến khó lường do người dân tỉnh, thành khác đổ về Thủ đô.