Sau khi Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia bỏ phiếu thông qua Quy hoạch Điện VIII, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh: "Tuyệt đối không được biến Quy hoạch thành một nhóm cơ chế, chính sách. Các Bộ rà soát thật kỹ dự thảo Quy hoạch, dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch của Thủ tướng, đảm bảo không lồng ghép bất kỳ cơ chế, chính sách nào ngoài các quy định hiện hành của pháp luật".
Hôm nay (26/4), tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII), quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch ngành quốc gia.
Trước đó, tại Hội nghị với các địa phương ngày 15/4/2022, cơ bản các ý kiến đều thống nhất cao với quan điểm, định hướng, chỉ đạo và cách làm thận trọng trên nguyên tắc đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, tối ưu hiệu quả tổng thể của nền kinh tế, đảm bảo giá điện ở mức thấp nhất, phù hợp với khả năng của người dân trong khi đó vẫn đảm bảo thực hiện một cách hết sức trách nhiệm những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp thể hiện sự thống nhất cao với các chỉ tiêu chính của Quy hoạch Điện VIII, đặc biệt vấn đề tổng công suất đặt, cơ cấu nguồn điện, chủ trương và lộ trình chuyển đổi năng lượng và việc phân bổ nguồn điện tại các vùng miền, đặc biệt vấn đề hiệu quả kinh tế tổng hợp (giảm chi phí đầu tư cho nguồn và lưới điện). Những yếu tố này sẽ góp phần ổn định giá điện ở mức phù hợp, hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Tại cuộc họp hôm nay, sau phần trao đổi, thảo luận, Hội đồng đã bỏ phiếu đánh giá về Quy hoạch với đa số phiếu nhất trí thông qua Quy hoạch Điện VIII.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhất trí với đánh giá của Hội đồng thẩm định, theo đó Quy hoạch Điện VIII được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, khoa học, với tinh thần trách nhiệm cao, cầu thị, trên cơ sở tham khảo, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Quy hoạch Điện VIII cũng bám sát Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; gắn liền với các cam kết liên quan đến chuyển dịch năng lượng theo tinh thần cam kết tại Hội nghị COP 26.
Tới thời điểm hiện nay, có thể khẳng định Quy hoạch Điện VIII đạt được các mục tiêu, khắc phục được một số tồn tại trước đây: Tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với phương án trước, Phó Thủ tướng nói, nếu giữ nguyên như trước thì mức đầu tư sẽ lớn, dàn trải. "Chúng ta cũng thống nhất cao về cơ cấu phân bổ vùng miền, hạn chế truyền tải đi xa. Điều này rất quan trọng bởi với từng ấy sản lượng điện nhưng nếu chuyển từ miền Trung ra miền Bắc để sử dụng thì sẽ lãng phí đường dây, hao hụt…"
Điểm tồn tại nữa mà Quy hoạch lần này đã khắc phục là cơ cấu nguồn điện, giảm điện than, tăng năng lượng tái tạo.
Theo Phó Thủ tướng, Quy hoạch có sự đổi mới tư duy, cách làm khi Quy hoạch này liên quan đến lợi ích của các địa phương, doanh nghiệp, với mong muốn giữ lại nhiều dự án trong Quy hoạch. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xây dựng Quy hoạch là đặt lợi ích chung lên trên hết, "tiết kiệm hàng chục tỷ USD, việc giảm đầu tư đường dây, giảm chi phí vận chuyển sẽ giúp giảm giá thành điện".
Sau khi Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Quy hoạch với số phiếu cao, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công Thương và các bộ, ngành khẩn trương tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 5/2022.
Phó Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không lồng ghép cơ chế, chính sách trong dự thảo quy hoạch; việc phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.
"Tuyệt đối không được biến Quy hoạch thành một nhóm cơ chế, chính sách. Các Bộ: Công Thương, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ rà soát thật kỹ dự thảo Quy hoạch, dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch của Thủ tướng, đảm bảo không lồng ghép bất kỳ cơ chế, chính sách nào ngoài các quy định hiện hành của pháp luật", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Công Thương phải xây dựng một kế hoạch tổ chức thực hiện Quy hoạch theo lộ trình.
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ lần 1 tại ngày 26/3/2021. Sau khi phân tích, đánh giá kỹ lưỡng đã cho thấy một số vấn đề còn bất cập về quy mô phát triển nguồn điện, cơ cấu nguồn điện, cân đối vùng miền chưa hợp lý dẫn đến yêu cầu về đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng là rất lớn cũng như một số vấn đề về cơ chế chính sách và giải pháp quản lý tổ chức thực hiện,...
Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII nhằm khắc phục cho được các bất cập còn tồn tại cũng như bám sát các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 nhằm "đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050".
Trong quá trình xây dựng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hơn 20 cuộc họp và làm việc để góp ý, hoàn thiện Quy hoạch. Thường trực Chính phủ cũng đã có Kết luận về dự thảo Quy hoạch Điện VIII với nhiều chỉ đạo quan trọng.