Tình trạng xen kẽ giữa khai thác khoáng sản với hoạt động vận chuyển hành khách sang sông là rất nguy hiểm. Có thể xảy ra va chạm giữa thuyền chở khách với tàu hút cát, đe dọa tính mạng con người cùng tài sản.
Ngay sát Quốc lộ 2 đoạn qua địa bàn huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang có một bến đò ngang phục vụ nhu cầu qua lại giữa 2 xã Yên Phú và Minh Khương. Người dân địa phương quen gọi là bến đò 61, bởi nó nằm liền kề với cột mốc km 61 đường Tuyên Quang – Hà Giang. Tuy nhiên, tại đây từ rất lâu cũng tồn tại một bến cát sỏi của Công ty TNHH Hiệp Phú đi chung lối lên xuống với khách qua đò ngang.
Theo ghi nhận của Phóng viên (PV) Báo Công Lý, ngay tại bến đò 61 có nhiều con tàu hoạt động tấp nập, bùn đất, cát sỏi được hút lên xả ào ạt qua giàn sàng tuyển rửa rồi thải trực tiếp xuống lòng sông những viên đá cuội to và các tạp chất tổng hợp khác.
Tình trạng xen kẽ giữa khai thác khoáng sản với hoạt động vận chuyển hành khách sang sông là rất nguy hiểm, có thể xảy ra va chạm giữa thuyền chở khách với tàu hút cát, đe dọa tính mạng con người cùng tài sản. Bên cạnh đó, việc thành lập bến bãi tập kết cát sỏi ngay sát mép đường Quốc lộ 2 cũng có thể đã vi phạm hành lang giao thông, gây ô nhiễm môi trường về bụi bặm.
Điều đáng nói, mỗi ngày có hàng chục lượt xe tải nặng mang dấu hiệu quá tải vận chuyển cát sỏi sũng nước, ì ạch bò từ bãi cát sỏi lên dốc, vương vãi bùn đất, nước thải xuống mặt đường, gây trơn trượt lầy lội, khiến người dân đi lại tương đối khó khăn. Lối rẽ xuống bến bãi này nằm ngay ở một khúc cua, do đó các xe đầu kéo dạng siêu trường siêu trọng khi từ bãi cát lên phải mở lái rộng, án ngữ luôn hết cả mặt đường Quốc lộ 2 sau đó mới nhập được vào làn rồi mới đi thẳng được.
Người dân quanh khu vực tập kết cát sỏi của Công ty TNHH Hiệp Phú phản ánh: Hiện tượng rơi vãi cát sỏi xuống mặt đường nhựa Quốc lộ 2 đoạn qua bãi tập kết vật liệu này là thường xuyên. Do các xe vận chuyển chở cát sỏi đầy quá, gây bụi bặm, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của bà con địa phương.
Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Sỹ - Chủ tịch UBND xã Yên Phú, cho biết: Bãi cát sỏi của Công ty TNHH Hiệp Phú có đầy đủ thủ tục, hiện tại mấy hôm nay bến bãi này bị ngập nước, nên Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang đang phối hợp với UBND xã Yên Phú cùng nhà máy Thủy điện Sông Lô 7 giải quyết nghi vấn có phải do sự điều tiết của đập Thủy điện này gây ra hay không? Do đó, bến bãi cũng như mỏ khai thác cát sỏi tạm ngừng hoạt động.
Liên quan đến sự việc các tàu hút cát khai thác ngay tại bến đò, PV Báo Công Lý đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch UBND xã Minh Khương và được xác nhận: Bến đò này thuộc sự quản lý của xã, nhưng trước đó xã đã tiến hành đình chỉ mọi hoạt động vận chuyển hành khách. Còn các tàu hút cát ở đó là của Công ty TNHH Hiệp Phú họ có giấy phép, theo quy định thì việc khai thác cát sỏi phải cách bến đò ít nhất là 100m, ông Đạt nói.
Qua tìm hiểu được biết, Công ty TNHH Hiệp Phú có địa chỉ tại thôn Chè 8 xã Lưỡng Vượng TP Tuyên Quang. Được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép khai thác cát sỏi lòng Sông thuộc địa bàn xã Yên Phú, Yên Lâm, Minh Khương, Bạch Xa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) theo giấy phép số 26/GP- UBND từ ngày 9/9/2019 hết hạn vào ngày 9/9/2039.
Câu hỏi đặt ra là, liệu những thủ tục cấp phép bến Thủy nội địa cũng như đấu nối cho bến thủy này hoạt động ngay sát hành lang đường và cùng vị trí bến đò chở khách sang ngang đã đúng hay chưa?
Báo Công Lý sẽ tiếp tục thông tin!