Vấn đề quan tâm

Tuyên Quang: Bãi tập kết cát sỏi hoạt động dù chưa đủ thủ tục theo quy định?

PV 17/08/2024 10:28

Một bến thủy không biển hiệu thông báo, không trạm cân, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn vô tư tập kết trung chuyển cát sỏi có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, gây sạt lở vào diện tích đất nông nghiệp của người dân.

Từ phản ánh của các hộ dân sinh sống quanh khu vực xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), ghi nhận của nhóm PV Báo Công Lý cho thấy, trong các ngày 12 và 13/8/2024, tại tổ dân phố xóm 6, xã Tràng Đà (thành phố Tuyên Quang), một bến bãi tập kết cát sỏi đang hoạt động tương đối tấp nập ngay sát mép nước của dòng sông Lô đoạn chảy qua địa bàn xã Tràng Đà.

1-1-.jpg
Bến cát sỏi có đoàn xe thùng ben cao ngất ngưởng, được máy xúc đắp đầy mà không cần cân tải.

Hố chứa cát được tạo ngay bờ Sông Lô, có đường lớn cho các xe ben tải đầu kéo, xe Hoowo 3 chân, 4 chân và các loại phương tiện vận tải xuống lấy hàng. Dưới sông là một loạt các con tàu hút cát, neo đậu để bơm cát lên bờ.

Túc trực tại chỗ là 2 chiếc máy xúc cỡ lớn, làm nhiệm vụ san gạt và múc cát đầy ắp lên những chiếc xe hiệu Hoowo, có thùng cao ngất ngưởng với sức chứa lên tới 50m3.

z5729052100621_c95e86f4c9eb630384f103afcad08453(1).jpg
Những chiếc xe chở lượng lớn cát sỏi từ bãi tập kết xã Tràng Đà ra QL- 2C.

Theo quan sát của PV, tại đây, những chiếc xe này chở lượng lớn cát sỏi, bò ì ạch ra khỏi bến bãi không có trạm cân. Đoạn đường từ bến lên có độ dốc, do vận chuyển cát ướt sũng (vừa được bơm từ thuyền lên) gây trơn trượt; có những xe tải nặng gắng sức không thể lên dốc bình thường mà phải lùi tiến nhiều lần mới lên nổi con dốc. Mỗi lần như vậy nước từ trên xe lại ào ạt chảy xuống, tăng thêm độ lầy lội cho nền đường, gây khó khăn cho việc vận chuyển cát sỏi từ lòng bờ sông Lô lên tới Quốc lộ 2C gần đó.

Không những thế, theo phản ánh của người dân địa phương, việc tập kết trung chuyển cát sỏi tại đây đang ảnh hưởng đến môi trường nguồn nước cũng như tiếng ồn và bụi bặm.

Ông M, một người dân sống gần bờ sông Lô, hướng đối diện bãi tập kết cho biết: Đứng ở bên này nhìn sang bãi tập kết chứng kiến cảnh trên bến dưới thuyền rất tấp nập, một ngày phải có hàng chục xe tải lớn liên tục ra vào lấy cát. "Ngay cạnh vị trí bơm cát, hiện nay đã xuất hiện vết sạt lở đang lớn dần, chưa rõ vì lực tác động nào. Nhưng mỗi ngày có hàng chục lượt tàu hút cát cập bến để bơm cát lên bờ, hoặc cũng do nước từ cái khe giáp bến bãi ở bên đó chảy xuống, cũng là nguyên nhân có thể tác động mạnh gây sạt lở", ông M nghi ngờ.

6-1-.jpg
Cạnh bến bãi là những khoảnh đất bị lở sạt chưa rõ nguyên nhân, hiện đang lấn dần vào diện tích đất nông nghiệp của người dân.

Theo phản ánh của người dân, tình trạng này đã diễn ra từ rất lâu, thỉnh thoảng chủ bãi tập kết lại dừng vài hôm rồi tiếp tục. Cát sỏi bơm lên đến đâu được các xe ben tải túc trực chở đi đến đó, nên lượng cát sỏi ít khi bị tồn, ước tính mỗi ngày có đến mấy trăm m3 cát sỏi được chuyển ra khỏi khu vực bến bãi.

Bên cạnh đó, khu vực bến bãi này cũng bị cho là chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Việc tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên đất nông nghiệp, đất bờ sông gây bức xúc cho người dân xung quanh.

Trao đổi với PV Báo Công Lý, ông Dương Văn Thìn – Chủ tịch UBND xã Tràng Đà cho biết, trên địa bàn xã có Công ty TNHH khoáng sản Thanh Phát (hay còn được gọi là Thanh Giang), được phép khai thác cát sỏi lòng sông đoạn qua xã Tràng Đà. Tuy nhiên về phần bến bãi tập kết thì họ chưa hoàn tất được các thủ tục giải phóng mặt bằng, nên vẫn còn đang để ngổn ngang ở đó. Việc hiện nay họ đang tập kết trung chuyển trên bến bãi này, tôi sẽ cho anh em kiểm tra.

3-1-.jpg
Xe ra vào liên tục chở đầy cát, không được che chắn.

Liên quan đến thủ tục pháp lý của khu vực bến bãi nêu trên, ông Phạm Văn Vượng - Trưởng phòng TN&MT thành phố Tuyên Quang thông tin, đây là khu đất được quy hoạch cho Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thanh Giang, còn về thủ tục giấy tờ thì chúng tôi sẽ rà soát lại. Nhưng nếu hiện tại mà đơn vị này đang hoạt động, tôi sẽ cho anh em ra kiểm tra ngay...

Theo nghị định 23/2020/NĐ-CP về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Tổ chức, cá nhân được phép khai thác hoặc kinh doanh cát, sỏi khi tập kết cát, sỏi lòng sông sau khai thác tại các bến, bãi phải đáp ứng các yêu cầu sau: Khu vực bến, bãi chứa cát, sỏi nằm trong phạm vi cảng đường thủy nội địa theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa; Trường hợp bến, bãi trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc liên quan đến đê điều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều. Bên cạnh đó, phải lắp đặt bảng thông báo để công khai thông tin của bến bãi tập kết cát, sỏi với các nội dung: địa chỉ cung cấp cát, sỏi được tập kết tại bến bãi; lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua - bán tại bến bãi, diện tích bến bãi.

Trường hợp không sử dụng bến, bãi, tổ chức, cá nhân được phép khai thác cát, sỏi lòng sông phải ký hợp đồng vận chuyển với tổ chức, cá nhân có phương tiện vận chuyển cát, sỏi trên sông phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện hoạt động của phương tiện theo quy định của pháp luật có liên quan về giao thông đường thủy nội địa và quy định trong Giấy phép khai thác khoáng sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên Quang: Bãi tập kết cát sỏi hoạt động dù chưa đủ thủ tục theo quy định?