Sự cố ngày 28/1 trên nhánh S1 của tuyến cáp quang biển Liên Á đã được khắc phục xong. Đây là tuyến cáp biển đầu tiên được khôi phục hoạt động bình thường, sau một thời gian bị gián đoạn.
Đại diện doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam cho biết, lỗi trên cáp nhánh S1 hướng kết nối đi Singapore của tuyến cáp quang biển Liên Á vừa được sửa xong, chính thức khôi phục hoàn toàn dung lượng trên tuyến. Hiện tại, tuyến cáp này đã hoạt động ổn định trở lại.
Liên Á là 1 trong 5 tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với 4 tuyến khác gồm AAG, APG, AAE-1 và SMW3.
Có tổng chiều dài 6.800 km, tuyến cáp biển Liên Á được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản. Đây là tuyến cáp biển được đánh giá có vai trò quan trọng để trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng ở Việt Nam và khu vực.
Cáp Liên Á gặp sự cố lần đầu tiên trong năm 2023 vào ngày 28/1 trên nhánh S1, với vị trí cáp đứt cách trạm cập bờ Singapore của tuyến cáp khoảng 130km. Kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố này đã liên tục bị lùi, từ giữa tháng 3 sang giữa tháng 4 và thực tế đã được sửa xong trong những ngày đầu của tuần cuối tháng 4.
Hiện vẫn còn 4 tuyến khác là AAG, APG, AAE-1 và SMW3 đang gặp sự cố. Theo các nhà mạng, việc cáp biển Liên Á được sửa xong cũng phần nào giúp giảm áp lực cho các doanh nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ internet quốc tế cung cấp tới người dùng.
Với các tuyến cáp vẫn đang gặp sự cố, theo kế hoạch dự kiến, khoảng giữa tháng 5, tuyến AAE-1 sẽ được sửa xong. Trong khi đó, 2 tuyến AAG và APG còn chưa xác định được thời điểm khôi phục hoàn toàn, do một số lỗi trên cáp nhánh chưa có lịch khắc phục.
Trước đó, trong năm 2022 và các tháng đầu năm nay, một tình huống hy hữu đã xảy ra, đó là cả 5 tuyến cáp quang biển quốc tế mà các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng đều lần lượt gặp sự cố. Tình huống này đã gây những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dịch vụ kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế, đồng thời cũng tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT, các nhà mạng đã triển khai nhiều giải pháp ứng cứu và nhờ đó chất lượng dịch vụ Internet đi quốc tế cung cấp tới người dùng đã tạm ổn.