Sau 1 ngày xét xử và nghị án kéo dài, ngày 10/10, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Posco VST và bị đơn là CTCP Tập đoàn Thành Nam.
Theo bản án, Posco VST là nhà cung cấp thép không gỉ cho Tập đoàn Thành Nam. Hai bên đều thừa nhận ký kết nhiều hợp đồng từ năm 2006 - 2013. Chỉ tính riêng khoản thời gian từ 2010 - 2013 số lượng hóa hóa giao dịch giữa hai bên đã lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Quy trình thực hiện hợp đồng gồm ký hợp đồng; thanh toán tiền đặt cọc 10% giá trị hợp đồng; sản xuất hàng hóa theo đơn đặt hàng; Thành Nam gửi yêu cầu lấy hàng, xuất hóa đơn VAT; mở thư bảo lãnh; giao hàng.
Về thanh toán, nếu có bảo lãnh, ngân hàng thanh toán tiền hàng cho Posco VST. Nếu không có bảo lãnh hoặc bảo lãnh đã quá hạn thì Thành Nam thực hiện việc thanh toán.
Các đương sự đứng nghe HĐXX tuyên án
Đến giữa năm 2013, hai bên đối chiếu công nợ và có biên bản xác nhận Thành Nam còn nợ Posco VST 58 tỷ đồng. Quá trình làm việc, giữa hai bên có nhiều văn bản, công văn ghi nhận khoản nợ này. Theo Posco VST, sau này Thành Nam không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nên Posco VST đã khởi kiện.
Tại phiên tòa, hai bên có quan điểm khác nhau về việc xuất hóa đơn, thanh toán, giao nhận hàng hóa thực tế.
Phía Posco VST cho rằng lượng hàng hóa giao dịch rất lớn và rất nhiều lần trong nhiều năm. Có trường hợp do chậm lấy hàng dẫn đến bảo lãnh quá hạn, Thành Nam thanh toán sau dẫn đến việc xác định khoản nợ theo phương thức cộng dồn và thực tế Thành Nam cũng thanh toán theo phương thức này. Khi đối chiếu công nợ, hai bên đã xác định phần hàng hóa không lấy hoặc trả lại thì Thành Nam đã xuất hóa đơn trả lại nên chỉ còn tồn tại khoản nợ của số hàng đã lấy mà chưa thanh toán.
Phía Thành Nam cho rằng công ty thanh toán đầy đủ trước khi nhận hàng. Số hóa đơn là cho toàn bộ lô hàng mà không phải số hàng hóa đã thực giao. Posco VST do sức ép doanh số mà xuất hóa đơn với số lượng hàng rất lớn không phản ánh thực tế giao nhận hàng hóa giữa hai bên. Văn bản xác nhận công nợ chỉ để xác định trách nhiệm nhằm tiếp tục lấy hàng. Nguyên đơn muốn đòi nợ phải xuất trình toàn bộ chứng từ giao hàng.
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời khai của các đương sự, HĐXX thấy rằng giữa nguyên đơn và bị đơn đã ký kết nhiều hợp đồng mua bán hàng hoá loại thép không gỉ với nhiều chủng loại, số lượng và mức giá khác nhau, số lượng hàng hoá và tiền giao dịch là rất lớn thông qua rất nhiều lần giao nhận hàng hoá. Việc thanh toán được thực hiện ngay khi lấy hàng hoặc thanh toán sau khi đã nhận hàng. Các chứng từ thanh toán tiền hàng của bị đơn cho thấy việc thanh toán từng lần được thực hiện theo từng hoá đơn giá trị gia tăng hoặc thanh toán cho nhiều hoá đơn, có lúc lại thanh toán cho một phần hóa đơn này kèm với một số hoá đơn khác hay chỉ ghi thanh toán tiền hàng mà không ghi rõ cho hoá đơn nào chứ không theo từng lần giao hàng.
Các bên sau nhiều đợt giao hàng, thanh toán mới đối chiếu công nợ, thực tế có sự giao hàng trước thanh toán sau được thể hiện trong các văn bản đối chiếu và xác nhận nợ. Rõ ràng giữa hai bên đã hình thành và tồn tại thói quen thương mại về việc mua bán giao nhận hàng hoá và thanh toán phù hợp quy định của Luật Thương mại về thói quen thương mại.
Bên cạnh đó, HĐXX cũng cho rằng có đủ căn cứ khẳng định bị đơn còn tồn tại khoản nợ tiền mua hàng hóa với nguyên đơn và việc nguyên đơn khởi kiện đòi bị đơn thanh toán số tiền hàng còn nợ là hơn 58 tỷ đồng là có căn cứ như quan điểm của đại diện VKS tại phiên toà.
Ngoài ra, căn cứ các điều khoản của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Dân sự, Luật Kế toán, Luật Chứng khoán, HĐXX chấp nhận đơn khởi kiện của Posco và cũng theo Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 thì trường hợp chậm thanh toán thì bên vi phạm phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ba ngân hàng thương mại, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Như vậy, bị đơn phải thanh toán tiền lãi chậm trả đối với khoản tiền hàng đã nhận mà chưa thanh toán từ ngày 28/11/2013 đến ngày xét xử sơ thẩm là hơn 42 tỷ đồng.
Từ những phân tích trên, Toà án chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn thanh toán khoản nợ tiền hàng còn nợ là hơn 58 tỷ đồng và tiền lãi do chậm thanh toán là hơn 42 tỷ đồng. Tổng cộng bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn là 100.423.351.730 đồng.
Trước đó, trong phần xét hỏi và tranh luận, HĐXX, đại diện VKS và hai bên đương sự đều tập trung vào điểm mấu chốt trong cơ sở pháp lý của vụ kiện là các biên bản chốt công nợ và các biên bản giao nhận hàng hóa.
Tại phiên tòa, luật sư Lưu Tiến Dũng đại diện theo ủy quyền của Posco VST đã xuất trình hai chứng cứ, gồm 5 bộ mẫu và 5 bộ chứng từ liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, trong đó có 56 chứng từ, biên nhận đại diện Công ty Thành Nam đã nhận hàng của Posco VST.
Tại tòa, hai bên đã tiến hành đối chất để làm rõ những mâu thuẫn. Phía bị đơn đặt câu hỏi liệu có hay không việc Posco VST đã bị mất một lượng hàng hóa lớn bởi chính các nhân sự của Posco VST, do đó Posco đã tìm cách dàn dựng số liệu, công nợ với Thành Nam nhằm hợp thức hóa giá trị hàng mất kể trên.
Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKS cho rằng bị đơn Thành Nam bác bỏ quan điểm của Posco VST nhưng không đưa ra được chứng cứ cụ thể.
Nguyên đơn Posco VST có chứng cứ là các công văn, biên bản xác nhận công nợ trong đó Kế toán trưởng có ký ủy quyền của đại diện theo pháp luật của Thành Nam.
Cũng tại phiên tòa, đại diện VKS cho rằng, quan hệ mua bán hàng hóa giữa hai bên công ty được xác lập theo rất nhiều hợp đồng; theo các tài liệu hai bên cung cấp liên quan đến quá trình thực hiện nghĩa vụ chuyển hàng, bảo lãnh; thanh toán hợp đồng, có sơ sở xác định hai công ty đều thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ đã giao kết. Hai bên đều xác nhận chỉ thực hiện việc ký hợp đồng, không lập biên bản thanh lý khi hợp đồng kết thúc; việc thanh toán các hóa đơn của từng hợp đồng cũng không thực hiện dứt điểm theo từng hợp đồng.
Biên bản đối chiếu công nợ thể hiện được lập tại Công ty CP tập đoàn Thành Nam; có dấu treo của Thành Nam; người xác lập giữa hai Kế toán trưởng của 2 Công ty và được ông Nguyễn Hùng Cường là Chủ tịch HĐQT Công ty Thành Nam xác nhận qua công văn số 940 ngày 11/12/2013 về việc phản hồi kế hoạch thanh toán.
Quá trình tham gia tố tụng, bị đơn đưa ra yêu cầu đề nghị nguyên đơn phải cung cấp tài liệu chứng minh đã giao số tiền hàng hơn 58 tỷ; yêu cầu phải có sự đối chiếu số liệu của từng hợp đồng; nhưng ngoài lời khai bị đơn cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh giá trị tiền hàng thực tế đã nhận từ những giai đoạn 2010 - 2013, thủ tục nhập kho hàng hóa, việc thanh toán hóa đơn theo đúng quy định của hợp đồng.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 91 BL TTDS; trên cơ sở những tài liệu do hai bên đương sự cung cấp, có căn cứ để xác định bị đơn còn nợ nguyên đơn số tiền hàng còn thiếu hơn 58 tỷ đồng.