Sáng nay (22/7), phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" bước sang ngày làm việc thứ 10, các bị cáo tiếp tục nói lời sau cùng trước khi Tòa nghị án. Dự kiến, Tòa sẽ tuyên án vào ngày 28/7.
Trong buổi sáng nay, bị cáo Lý Tiến Hùng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga được nói lời sau cùng.
Theo bị cáo, giai đoạn đó, tình cảnh của các em lưu học sinh rất khó khăn, bị cáo chỉ mong muốn được đưa càng nhiều người về nước càng tốt, đỡ phải chịu khó khăn trước dịch bệnh căng thẳng.
Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, theo bị cáo, nếu không đưa các em về thì trái với chủ trương, đưa về thì vướng vào lao lý. Bị cáo cho hay bản thân với cương vị của mình không dám, không muốn, không có trao đổi, đòi hỏi thỏa thuận về việc cảm ơn.
Bị cáo mong HĐXX xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ, trong đó có tình tiết là người dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên ở miền núi khó khăn. Dù được ăn học nhưng vẫn còn thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn đến vi phạm đáng tiếc.
"Ngay từ ngày đầu tiên làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo đã thừa nhận việc đã trót dại nhận tiền cảm ơn từ 2 chuyến bay", cựu Đại sứ nói.
"Thời gian bị tạm giam vừa qua đối với bị cáo đã là nghiệt ngã", lời nói sau cùng của bị cáo Hùng.
Bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam mượn hai câu thơ để nói về hoàn cảnh gia đình: "Vườn nhà dẫu vắng người chăm sóc/Lý trắng, đào hồng tự nở hoa".
Tiếp đó, bị cáo Tân cho hay bản thân thấy tiếc duy nhất một điều là đã nhận quà cảm ơn bằng tiền của một đại diện doanh nghiệp. Bị cáo đã thấm thía hành vi phạm tội nên thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải, khắc phục hậu quả.
Bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước và các công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước cách ly.
"Đây là nỗi buồn rất sâu sắc, nỗi buồn đau nhân thế vô bờ bến duy nhất của tôi. Còn những gì khác, tôi đã cởi hết ưu phiền gửi gió mây và tôi sẵn sàng chấp nhận tất cả... Đó là sự trả nghiệp hoàn hảo nhất. Và tôi sẽ chấp hành hình phạt thật tốt để sớm về với Quảng Nam yêu thương, trở về với vợ con để "Một nhà sum họp trúc mai/Càng sâu nghĩa bể, càng dày tình sông", ông Tân nói.
Bị cáo Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky trong lời nói sau cùng cho rằng, hành vi đưa hối lộ của mình là bị o ép. Hành vi đó không phải là đưa để lấy tiền của Nhà nước, để thực hiện việc sai trái, nên bị cáo đề nghị xem xét vì mức án quá nghiêm khắc.
Bị cáo đề nghị được xem xét tình tiết tự thú, xuyên suốt từ đầu đến cuối. "Ai là người được hưởng lợi, doanh nghiệp hay là ai?", Sơn trình bày. Hành vi đưa hối lộ chỉ là để xin được giấy phép chứ không nhằm mục đích thu lãi khi thực hiện các chuyến bay giải cứu.
Từ khi bị khởi tố đến nay, bị cáo Sơn cho biết bản thân luôn suy nghĩ, dằn vặt về hành vi vi phạm của mình. Trong vụ án, bản thân vừa là bị cáo, vừa là bị hại - nạn nhân của cơ chế xin cho, văn hoá phong bì.
Bị cáo mong muốn được nhận bản án công tâm, mang tính răn đe hơn là trừng phạt. "Bị cáo cúi đầu nhận tội và vô cùng hối lỗi", Sơn nói lời sau cùng.
Ngay sau Sơn, cấp phó Nguyễn Thị Thanh Hằng trình bày hai nguyện vọng: Doanh nghiệp của bị cáo đã chung tay đưa được gần 30.000 công dân về nước nên đề nghị HĐXX xem xét cả về công, lẫn tội.
Việc tự thú của bị cáo đã giúp cơ quan điều tra mở rộng vụ án ở tất cả các bộ, ngành.
"Mong HĐXX xem xét để khuyến khích người ra tự thú hưởng khoan hồng của pháp luật", Hằng nói.
"Bị cáo xin bản án nhẹ cho anh Nguyễn Anh Tuấn, đề nghị được cộng án của anh ấy cho bị cáo", Hằng nghẹn ngào nói về cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội và cho hay vì bản thân bị cáo mà ông Tuấn vướng lao lý.
Các bị cáo trong nhóm tội "Đưa hối lộ" đều xin được giảm nhẹ hình phạt.
Trưa nay, sau khi 54 bị cáo nói lời sau cùng trước Tòa, chủ toạ Vũ Quang Huy thông báo, do tính chất phức tạp của vụ án, HĐXX sẽ nghị án kéo dài. Dự kiến, sẽ tiến hành tuyên án với 54 bị cáo vào chiều ngày 28/7.