“Tung chiêu” lừa đảo, hai lãnh đạo doanh nghiệp vướng vòng lao lý

Mạnh Hùng| 07/06/2022 18:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 7/6, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm với các bị cáo Nguyễn Hoàng (SN 1975, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinagroup Toàn Cầu); Đinh Tiến Dũng (SN 1976, cựu Phó giám đốc Công ty CP Vinagroup Toàn Cầu) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

535a3903-7baf-47b4-99c3-909c2323d705.jpeg
Các bị cáo tại phiên toà xét xử

Theo cáo trạng truy tố, Nguyễn Hoàng thành lập Công ty Vinagroup Toàn Cầu từ năm 2016, nhưng nhờ người khác đứng tên đại diện pháp luật. Thực chất, bị cáo đứng ra điều hành doanh nghiệp này và ký chứng từ kế toán, báo cáo khai thuế, giao dịch với cơ quan thuế, ngân hàng và các cơ quan hành chính khác.

Trong khi đó, thông qua quan hệ xã hội, ông Phạm Quốc Đ. (SN 1969, ở Hải Phòng) quen biết Hoàng và Đinh Tiến Dũng.

Quá trình trao đổi với ông Đ, Hoàng và Dũng tự nhận bản thân là đại diện của Quỹ Heritage Fund Toàn Cầu do ông Tetsuo Oytamada làm Chủ tịch.

Quỹ cá nhân mang tên ông Tống Đình Thọ có số vốn lên đến hàng tỷ đô la Mỹ và được quỹ đầu tư này ủy thác để thực hiện việc đầu tư nguồn vốn vào các dự án tại Việt Nam. Các bị cáo đặt vấn đề với ông Đ thành lập Công ty CP Vinagroup Hải Phòng với mục đích đưa vốn đầu tư nước ngoài về Hải Phòng.

Ngày 16/8/2017, Hoàng và Dũng ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với ông Đ. Đến ngày 25/8/2017, Công ty Vinagroup Hải Phòng được thành lập, đặt trụ sở tại phường Quang Trung, quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Ông Đ giữ chức giám đốc, kiêm đại diện pháp luật, còn Hoàng là Chủ tịch HĐQT và Dũng là thành viên góp vốn.

Quá trình hoạt động, ông Đ được phân công tìm kiếm các dự án tại TP Hải Phòng, còn Hoàng và Dũng thu xếp nguồn vốn. Ông Đ đã đề xuất mua lại Tòa nhà Vipco Hải Phòng và đầu tư xây dựng dự án Công viên đầu cầu Bính, TP Hải Phòng.

Nhất trí với phương án trên, Hoàng yêu cầu ông Đ nộp tiền để được giải ngân nguồn ốn đầu tư 2 dự án trên. Hoàng đã đưa cho ông Đ văn bản ngày 23/10/2017 của quỹ Heritagr Fund Toàn Cầu, thể hiện việc Hoàng được sử dụng 50 triệu USD để đầu tư cho các dự án tại Hải Phòng và đại diện tài khoản là ông Tống Đình Thọ.

Do tin tưởng, ông Đ đã nộp số tiền 250 triệu đồng cho Hoàng và Dũng. Đến tháng 11/2017, ông Đ đề xuất đầu tư sang dự án công viên Cầu Bính. Dự án này có vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Hoàng và Dũng đã đồng ý cho Công ty Vinagroup Hải Phòng hợp tác với Công ty CP Nam Sông Gấm - chủ đầu tư dự án trên.

Để được giải ngân 10 triệu USD cho dự án thì Công ty Vinagroup Hải Phòng phải nộp số tiền 500 triệu đồng. Ông Đ đã nộp cho Hoàng và Dũng số tiền trên. Bị cáo Dũng trực tiếp viết phiếu thu ngày 3/12/2017 ghi nội dung là “tiền phí xin tách tiền từ tài khoản nguồn về chi nhánh Hải Phòng đầu tư hợp tác dự án Cầu Bính”.

Thực chất các bị cáo không thực hiện theo cam kết và ông Đ không nhận được vốn đầu tư.

Tổng số tiền Hoàng và Dũng đã chiếm đoạt của ông Đ là 750 triệu đồng. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo đã bỏ trốn.

Đến đầu năm 2021, các bị cáo bị bắt theo lệnh truy nã.

Quá trình tố tụng, năm 2021, gia đình hai bị cáo đã hoàn trả số tiền trên cho ông Đ. Hiện, bị hại không đề nghị bồi thường và có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Hoàng và Dũng.

Cơ quan Công an đã xác minh tài khoản ngân hàng ông Tống Đình Thọ thể hiện, ông Thọ có nghề nghiệp là kinh doanh tự do với số dư tài khoản chỉ là 138 USD. Từ khi mở tài khoản năm 2014 đến nay không phát sinh khoản tiền giao dịch từ vài trăm triệu đồng trở lên.

Tại cơ quan điều tra, ông Thọ khai nhận là Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn MH&MT Việt Nam và quen biết Hoàng từ năm 2014. Khi trao đổi, Hoàng nói bản thân có nhiều dự án tại Việt Nam cần tiền vốn đầu tư.

Hoàng đề nghị ông Thọ hợp tác kinh doanh. Ông Thọ đồng ý và ký hợp đồng ủy thác cho Hoàng sử dụng số tiền 650 triệu USD và một số hợp đồng ủy thác khác.

Ông Thọ cho rằng, việc lập các hợp đồng này là do đề xuất của Hoàng muốn chứng minh nguồn vốn với các chủ đầu tư dự án. Ông Thọ khẳng định không ủy quyền cho Hoàng sử dụng bất cứ tài khoản cá nhân nào của ông Thọ và Công ty MH&MT Việt Nam.

Ông này cũng không ký với tư cách đại diện chủ nguồn tiền đầu tư trên tài liệu của Quỹ Heritage Fund Toàn Cầu.

Do lời khai của ông Thọ và Hoàng có mâu thuẫn nên cơ quan điều tra đã mời ông Thọ đến đối chất, song ông này không đến làm việc.

Cơ quan điều tra cũng xác minh tại Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Việt Nam… thì thấy rằng các cơ quan này không nhận được văn bản đề nghị hoặc làm việc để tiếp nhận các nguồn tài chính nước ngoài đầu tư vào Việt Nam của Quỹ Heritage Fund Toàn Cầu và Công ty MH&MT Việt Nam.

Căn cứ vào lời khai của ông Thọ và các tài liệu liên quan trên, có cơ sở xác định lời khai của Hoàng là sai sự thật nên cơ quan công an không xử lý đối với ông Thọ. Còn Quỹ Heritage Fund Toàn Cầu không đầu tư tại Việt Nam, nên không xác minh được ông Tetsuo Oyamada có phải là Chủ tịch của quỹ này hay không.

Tuy nhiên, tại phiên toà xét xử ngày hôm nay do vắng mặt một luật sư bào chữa nên HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội quyết định hoãn phiên tòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Tung chiêu” lừa đảo, hai lãnh đạo doanh nghiệp vướng vòng lao lý