Vấn đề quan tâm

Từ vụ tố cáo bị xâm hại tình dục năm 8 tuổi: Hồi chuông cảnh tỉnh cho cộng đồng

Đỗ Việt (thực hiện) 05/03/2024 - 09:00

Xâm hại tình dục trẻ em là vấn nạn mang tính toàn cầu, hành vi này có thể xảy ra với cả bé trai và bé gái. Trong đó, sự xâm nhập của các văn hóa phẩm đồi trụy phát tán tràn lan trên mạng đã ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lí, gây ra sự lệch lạc về đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh, thiếu niên.

Xâm hại tình dục có thể xảy ra với cả bé trai và bé gái

Là người có nhiều năm công tác trong lực lượng điều tra trọng án, hiện đang giảng dạy bộ môn phương pháp, chiến thuật điều tra tội phạm, Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu đã có những phân tích đa chiều, với đầy đủ sắc thái góc cạnh của loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em với PV Báo Công lý.

tien-sy-thuong-ta-dao-trung-hieu.jpg
Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu, nhà nghiên cứu tội phạm học.

PV: Thưa Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu, là một nhà nghiên cứu tội phạm học, ông có nhận định gì về loại hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hiện nay?

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu: Xâm hại tình dục trẻ em là vấn nạn mang tính toàn cầu. Ở nước ta, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em vẫn gia tăng đáng lo ngại, báo động về sự suy đồi và băng hoại những giá trị đạo đức, bức xúc trong dư luận xã hội.

Những hành vi xâm hại tình dục trẻ em phổ biến gồm: giao cấu qua đường âm đạo hoặc hậu môn của trẻ; làm tình đường miệng; hôn hít hoặc ôm ấp trẻ theo kiểu gợi dục; sờ mó vào bộ phận sinh dục của trẻ, hoặc bắt trẻ sờ mó vào bộ phận sinh dục của mình; ép; dùng lời nói hoặc phim ảnh, sách báo khiêu dâm, đồi trụy làm trẻ hưng phấn tình dục hoặc làm quen với tình dục; cho trẻ nghe hoặc nhìn những người khác làm tình; bắt trẻ đứng, ngồi, nằm theo tư thế gợi dục để chụp ảnh…

Thủ đoạn của đối tượng thường là lợi dụng sự non nớt, không có khả năng tự vệ của các cháu để thực hiện hành vi tình dục; dùng vũ lực đè bẹp sự kháng cự của trẻ em, hoặc các thủ đoạn khác như cho uống thuốc mê, thuốc kích dục để thực hiện hành vi giao cấu; đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, hoặc dùng thủ đoạn khống chế để làm trẻ sợ hãi, buộc phải cho giao cấu.

PV: Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em?

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu: Qua thực tiễn công tác điều tra loại tội phạm này, chúng tôi nhận thấy, đối tượng xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu là nam giới, nữ giới có thể phạm tội này với vai trò người giúp sức. Hầu hết trẻ bị xâm hại bởi những người quen biết, cùng huyết thống (ông, cha, chú, anh, em của nạn nhân), hoặc họ hàng xa gần, bạn của gia đình, hoặc hàng xóm. Rất ít khi hành vi xâm hại được thực hiện bởi một người lạ.

Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có thể xảy ra với cả bé trai và bé gái. Qua khảo sát nhận thấy, những hành vi như hiếp dâm, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em thường xảy ra ở các địa bàn nông thôn, miền núi, nơi có trình độ dân trí lạc hậu, người lớn ít quan tâm đến con trẻ. Tại địa bàn dân cư đô thị lại phổ biến hành vi giao cấu với trẻ em, cưỡng dâm, dâm ô với trẻ em.

Có nhiều nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có thể do sự xâm nhập của các văn hóa phẩm đồi trụy, phim ảnh khiêu dâm phát tán tràn lan trên mạng Internet, game online kích dục đã ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lí, gây ra sự lệch lạc về đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh, thiếu niên.

Căn nguyên khiến trẻ không nhận ra mối nguy hiểm?

PV: Như ông vừa trao đổi, hầu hết trẻ bị xâm hại bởi những người quen biết, thậm chí cùng huyết thống hoặc có quan hệ họ hàng. Liệu đây có phải là nguyên nhân khiến trẻ không nhận ra mối nguy hiểm?

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu: Những đối tượng trẻ em dễ bị xâm hại tình dục chủ yếu rơi vào các trường hợp trẻ rẻ em ở vùng nông thôn, do điều kiện kinh tế khó khăn, bố mẹ các cháu thường tập trung lo toan cho công việc mưu sinh hàng ngày, nên ít có thời gian quan tâm đến con cái. Đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, ít học, nhất là số trẻ lang thang, cơ nhỡ, bán hàng rong, ăn xin, nhặt rác, tẩm quất, phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn, trẻ nghiện trò chơi điện tử hoặc Internet, trẻ khuyết tật, trẻ thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ thường là “mồi” cho những kẻ bệnh hoạn.

Do trẻ không được trang bị kiến thức và giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác cùng các kĩ năng phòng tránh xâm hại tình dục. Chính vì thiếu những kĩ năng cần thiết nên khi đối diện với nguy cơ bị xâm hại, các cháu đã không nhận ra mối nguy hiểm và nếu có nhận ra cũng không biết phải làm gì để tự bảo vệ mình.

PV: Làm thế nào để nhận biết biểu hiện của trẻ khi bị xâm hại tình dục, thưa ông?

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu: Khi bị xâm hại tình dục, trẻ thường có những dấu hiệu “lâm sàng” dễ nhận biết như bộ phận sinh dục có thể bị sưng tấy, chảy máu, rách màng trinh, tầng sinh môn. Trên thân thể xuất hiện những dấu vết lạ như bị cào xước, trẻ có thể kêu đau, tại vùng kín có thể phát sinh bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

xam-hai-tinh-duc.jpg
Theo nhà nghiên cứu tội phạm học Đào Trung Hiếu: Hành vi xâm hại tình dục trẻ em luôn gây ra những hậu quả nặng nề đối với thể chất và tâm lí trẻ em.

Về tâm lí, trẻ sẽ có sự thay đổi tâm trạng rõ rệt so với biểu hiện hàng ngày, thể hiện ra ngoài bằng vẻ mặt thất thần, sợ hãi, hay lầm lì, trầm cảm, ngủ mơ giật mình,, sống khép kín thu mình lại, không muốn trò chuyện với ai. Khi gặp lại đối tượng, trẻ sẽ có thái độ rất không bình thường như sợ sệt, ngượng ngùng hay cáu giận bất thường.

Về hoạt động, học hành sa sút, bỏ học không lí do. Trẻ tự nhiên có tiền, quà tặng, điện thoại, máy nghe nhạc, máy tính không rõ nguồn gốc. Có cháu lại sống trong vòng lẩn quẩn của lạm dụng tình dục, hoặc trở thành người luôn che giấu cảm xúc thật, hoặc chối bỏ cảm xúc của mình như một cơ chế tự vệ.

Cần sớm cung cấp những kiến thức về giới tính cho con

PV: Nếu con em là nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, phụ huynh nên ứng xử thế nào?

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu: khi phát hiện con em có những biểu hiện bất thường cần kiểm tra ngay bộ phận sinh dục của trẻ. Nếu bị sưng tấy, chảy máu, phát bệnh tình dục cần nhẹ nhàng dỗ dành, động viên, an ủi trẻ, phân tích nếu có chuyện gì không phải lỗi của trẻ, để trẻ tin tưởng mà kể rõ ngọn ngành sự việc.

Khi xác định có đối tượng đã xâm hại con em mình, cần khẩn trương đưa con đến cơ sở y tế cấp huyện để khám xét tổn thương sản khoa và ghi nhận các dấu vết, thương tích trên cơ thể trẻ. Tuyệt đối không nên manh động trả thù đối tượng, cũng không nên đồng ý giải quyết tình cảm vì được đối tượng bồi thường bằng tiền, hay vì sợ mất danh dự gia đình mà không dám đưa sự việc ra pháp luật.

Cần lặng lẽ và khẩn trương củng cố chứng cứ phục vụ việc tố cáo. Không giặt những bộ quần áo, đồ vật cháu bé đang sử dụng vào thời điểm xảy ra xâm hại tình dục để giao nộp chúng cho cơ quan chức năng cùng đơn tố cáo. Việc lưu giữ được dấu vết tinh trùng, lông tóc của thủ phạm dính trên quần áo nạn nhân, là chứng cứ đặc biệt quan trọng để truy nguyên thủ phạm. Có thể ghi âm bằng điện thoại toàn bộ cuộc trao đổi với trẻ bị hại và nhân chứng, đối tượng để làm căn cứ tố cáo gửi các cơ quan có thẩm quyền.

PV: Để chủ động phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, các bậc phụ huynh cần phải làm gì?

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu: Dưới tác động của đô thị hóa, nhiều người dân từ vùng nông thôn ra các tỉnh, thành phố lớn để mưu sinh đã khiến họ xao nhãng trách nhiệm đối với con cái. Mặt khác, với đặc thù văn hóa Á đông, các phụ huynh thường ngại đề cập trực tiếp những vấn đề liên quan đến tình dục và hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản nói chung, sức khỏe tình dục nói riêng. Các ông bố, bà mẹ đều né tránh việc giáo dục giới tính cho con một cách khoa học. Tất cả xu hướng trên đều là cơ sở dẫn đến khả năng trẻ dễ bị xâm hại tình dục một cách chủ động hoặc thụ động.

Việc giúp trẻ nhận biết những hành vi xâm hại tình dục để đề phòng là điều hết sức cần thiết. Nếu ngay từ nhỏ trẻ đã được dạy các kĩ năng, cũng như có nhận thức về xâm hại tình dục trẻ em thì các cháu sẽ không chủ quan trước những tình huống nhạy cảm có thể rơi vào xâm hại tình dục cũng như có những kĩ năng để thoát hiểm ngay từ đầu.

Vì vậy, cha mẹ cần sớm cung cấp những kiến thức về giới tính cho con. Cần chỉ rõ cho con thấy chỗ “nhạy cảm” là chỗ nào, cho con biết những bộ phận nhạy cảm không để người khác chạm vào, cũng như không được chạm vào của các bạn khác, hay của người lớn; dạy các bé trai không được xâm phạm các bạn nữ. Khi được giáo dục, trẻ sẽ phân biệt được sự đụng chạm an toàn và không an toàn bằng cảm nhận của mình.

Ngoài ra, cha mẹ phải luôn cảnh giác với hành vi của những người lớn xung quanh trẻ, như quan tâm quá mức, tặng quà, gây ảnh hưởng quá mức, yêu cầu được ở một mình với trẻ hoặc đến thăm trẻ mà không có sự giám sát của người lớn khác. Cha mẹ phải thường xuyên trao đổi, trò chuyện với con về mối quan hệ của trẻ với những người xung quanh, luôn lắng nghe những câu chuyện của con dù nhảm nhí đến đâu, thuyết phục con kể cho bạn nghe tất cả những gì xảy ra với con trên đường phố, nếu không, con sẽ im lặng trong trường hợp nghiêm trọng. Đây là cách để bạn phát hiện kịp thời các biểu hiện thay đổi cơ thể và tâm lí của con mình.

PV: Xin cám ơn Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ vụ tố cáo bị xâm hại tình dục năm 8 tuổi: Hồi chuông cảnh tỉnh cho cộng đồng