Hội thảo thứ 3 của dự án “Từ trang trại đến Bàn ăn” (F2F) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ diễn ra trong hai ngày 24 - 25/11, với chủ đề chính là "Đối thoại EU - ASEAN về các hệ thống lương thực bền vững".
Hội thảo thứ 3 của dự án “Từ trang trại đến Bàn ăn” (F2F) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ diễn ra theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan từ các nước EU và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Các nhà tổ chức nhấn mạnh các vấn đề như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và suy thoái đất đai và đại dương là những mối đe dọa đối với cuộc sống của con người và đối với sự sống trên Trái Đất nói chung.
Để đối phó với những mối đe dọa này và trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh, vào năm 2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất các hành động và cam kết đầy tham vọng của EU nhằm chuyển đổi hệ thống thực phẩm của con người thành các tiêu chuẩn toàn cầu về cạnh tranh bền vững, bảo vệ sức khỏe con người và hành tinh, cũng như đảm bảo sinh kế của tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị thực phẩm.
Do đó, mục đích chính của hội thảo lần này là cung cấp nền tảng cho các chuyên gia từ EU và các nước ASEAN thảo luận và xác định lĩnh vực cũng như cách thức hợp tác EU - ASEAN có thể được tăng cường và điều phối để hướng tới tính bền vững và khả năng phục hồi của hệ thống lương thực.
Với chủ đề chính là "Đối thoại EU - ASEAN về các hệ thống lương thực bền vững", các cuộc thảo luận sẽ bao gồm các chủ đề: Đối thoại về sức khỏe của đất và đổi mới; Đối thoại về sử dụng bền vững thuốc bảo vệ thực vật và Đối thoại về thất thoát và lãng phí lương thực.
Cả 3 chủ đề sẽ cho phép xem xét các chiến lược, chính sách và thực tiễn, lắng nghe ý kiến nhiều bên liên quan trong hệ thống thực phẩm và các mức độ thay đổi khác nhau mà các bên mong muốn.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu tham gia sẽ nghe các bài thuyết trình cũng như có các cuộc thảo luận nhóm về sự phối hợp hiện có và cách thức phối hợp trong tương lai để hỗ trợ quá trình chuyển đổi ở cấp độ toàn cầu.
Chuỗi hội thảo này do Cơ quan Dịch vụ công cụ chính sách đối ngoại (FPI) của EC tài trợ. Đây là kế hoạch của EU nhằm góp phần giải quyết các thách thức về lương thực và hướng tới mục tiêu này, đề xuất các lộ trình thay đổi theo hướng bền vững mang lại lợi ích về môi trường, sức khỏe, xã hội và kinh tế.