Từ thiện là cho đi, nhưng xin đừng “dễ dãi”
Từ thiện là cho đi, nhưng xin đừng “dễ dãi”
Cuối tuần, tôi nhận được điện thoại của người chị thân thiết, làm việc tại phòng công tác xã hội của một bệnh viện lớn ở thành phố. Lại là “bài ca” khá quen thuộc, chị thường hay phàn nàn riêng với tôi về việc thân nhân bệnh nhân lại kết hợp với các Facebooker, YouTuber để kêu gọi tiền từ thiện.
Vị trí công việc khiến chị tiếp xúc với rất nhiều thân nhân bệnh nhân, cũng hiểu hơn về tâm tư của họ. Điều đáng nói ở đây không phải là việc kêu gọi, mà là cách họ sử dụng đồng tiền ấy sau đó.
“Không một đồng nào được đóng vào viện phí. Dù có một khoản tiền dư dả cho đợt điều trị này rồi, nhưng lần nào vào bệnh viện họ cũng xin giúp đỡ”, chị thở dài.
Có rất nhiều lần chị bức xúc, bởi hình ảnh bệnh nhân được đăng lên các trang mạng xã hội để kêu gọi hoàn toàn khác so với ngoại hình ở hiện tại. Nhưng có rất ít nhà từ thiện đến bệnh viện, hoặc chí ít là gọi điện thoại đến để xác minh tình hình của bệnh nhân.
Mạng xã hội là phương tiện hữu ích giúp kết nối đến các nhà hảo tâm một cách nhanh chóng, lan tỏa. Tuy nhiên, nó cũng trở thành phương tiện cho những kẻ lừa đảo, trục lợi trên hình ảnh đau thương của người khác.
Hình ảnh bé gái bị lợi dụng để trục lợi trên facebook (Ảnh: Chụp màn hình). |
Tôi vẫn còn nhớ, hình ảnh một bé gái bị bỏng được sử dụng liên tục trên các nhóm Facebook để kêu gọi các Mạnh Thường Quân. Trong phần thông tin có để nơi bé đang điều trị là Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau đó, trên trang Facebook của Bệnh viện Chợ Rẫy, người ta phải lên tiếng đính chính. Lúc này nhiều nhà hảo tâm mới vỡ lẽ là đã bị lợi dụng lòng tốt.
Ấy vậy nhưng sau đó, hình ảnh của em bé ấy vẫn tiếp tục bị kẻ gian lợi dụng, những người chưa nắm được thông tin lại tiếp tục bị lừa. Mà kẻ được hưởng số tiền là ai, cuối cùng không ai biết được.
Làm từ thiện, cho đi rất dễ, nhưng cho sao để đến đúng người, để đồng tiền ấy được sử dụng đúng mục đích, thì còn cần các nhà hảo tâm mất thêm chút thời gian để xác minh, hoặc là tìm đến những cá nhân, cơ quan, đoàn thể đáng tin cậy để gửi gắm.
Tôi đã nghe một số người nói rằng: “Tôi làm từ thiện, xuất phát từ ý tốt. Người nhận sử dụng sai, hoặc làm điều xấu sẽ phải chịu nhân quả”. Nhưng nếu nhà từ thiện trực tiếp gặp gỡ với người xứng đáng được giúp, biết họ đang bị lợi dụng để trục lợi, chắc hẳn sẽ tự tìm ra cho mình câu trả lời.
Lòng tốt để hy vọng, không phải để lợi dụng
Trên đời này, người tốt rất nhiều. Điều đó được thể hiện rõ trong việc có rất nhiều nhà hảo tâm đã đồng hành cùng Báo VietNamNet trong suốt nhiều năm qua, giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, kẻ xấu cũng không thiếu.
Khoảng cuối năm 2019, tôi được một thân nhân bệnh nhân phản ánh về việc bị lừa tiền trong tài khoản. Kẻ lừa đảo sau khi đọc được thông tin của gia đình trên mạng xã hội đã chủ động liên hệ, ngỏ ý giúp đỡ. Sau đó, chúng dụ dỗ nạn nhân truy cập vào đường link lạ và nhập tài khoản ngân hàng, với lời hứa béo bở sẽ nhận được 5 – 10 triệu đồng.
Đối với những người đang lâm vào đường cùng, cấp gấp tiền để đóng vào viện phí thì con số đó không hề nhỏ. Vậy là họ bị lừa, tiền trong tài khoản mất sạch. Lúc này, điện thoại bị chặn số, muốn khóc lóc cầu xin rủ lòng thương cũng chẳng được nữa.
Khi lâm vào đường cùng, người ta sẽ cố gắng tin tưởng vào người xa lạ. (Hình minh họa: Khánh Hòa) |
Tuy nhiên, đó là trường hợp bị động, chẳng thể biết trước mà đề phòng. Còn trường hợp dưới đây của tôi lại hoàn toàn là mù quáng, hay nói nặng hơn là vì tham chút lợi nhỏ.
Gia đình họ có 2 mẹ con cùng mắc bệnh hiểm nghèo. Bên cạnh việc viết bài kêu gọi giúp đỡ được đăng tải trên Báo VietNamNet, tôi cũng đã liên tục dặn dò gia đình tuyệt đối không truy cập đường link mà người lạ gửi đến, dù họ hứa hẹn bất cứ điều gì. Gia đình đồng ý.
Tuy nhiên, buổi chiều, tôi nhận được cuộc gọi thông báo họ bị lừa, mất sạch tiền được ủng hộ trước đó thông qua tài khoản. Họ nói: “Vì khó khăn quá, nên hy vọng người đó là người tốt, và "người tốt" sẽ giúp đỡ thật lòng”.
Tôi chẳng nỡ trách họ, bởi đó dường như là tâm lý chung của rất nhiều gia đình có người thân đang nằm viện mà tôi đã gặp. Chỉ tiếc rằng, giá như, chỉ là giá như thôi, họ tỉnh táo một chút thì có lẽ sẽ không gặp phải cảnh trớ trêu kia.