Tự nhận mình là cháu ruột của nguyên Chủ tịch Quốc hội để đi lừa đảo

Mạnh Hùng| 23/03/2021 20:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 23/3, HĐXX TAND TP Hà Nội mở phiên toà xét xử bị cáo Nguyễn Thị Yến (SN 1953, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) và Đỗ Văn Vững (SN 1953, trú tại huyện Quốc Oai, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng truy tố, công ty CP Thương mại dịch vụ thương binh và bệnh binh Trường Sơn, đóng trụ sở tại xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

lua-dao-moi(1).jpeg
Hai bị cáo Yến và Vững tại phiên toà xét xử

Cổ đông sáng lập gồm có ông Nguyễn Hội Nhân (SN 1954, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội); ông Nguyễn Xuân Trường (SN 1946, trú tại huyện Quốc Oai, Hà Nội) và Đỗ Văn Vững (SN 1953, trú tại huyện Quốc Oai, Hà Nội), giữ chức vụ Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật).

Công ty hoạt động không có vốn góp của Nhà nước. Ngành nghề kinh doanh gồm: Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, dịch vụ lưu trú ngắn ngày, dịch vụ ăn uống khác; bán buôn, bán lẻ đồ uống, hoạt động cấp tín dụng khác, đại lý môi giới đầu tư…

Khoảng cuối tháng 4/2018, Nguyễn Thị Yến dự liên hoan tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, và biết Vững. Vững đã rủ Yến cùng hợp tác tại công ty này.

Đến tháng 6/2018, ông Nhân và ông Trường làm thủ tục chuyển nhượng lại toàn bộ công ty cho Vững.

Quá trình hoạt động, Yến và Vững đã giới thiệu và đưa ra những thông tin gian dối không đúng sự thật về bản thân với các thành viên sinh hoạt tại công ty (ông Vũ Văn Hùng, Nguyễn Hoàng Giác, Nguyễn Hữu Long) rằng, Yến có mối quan hệ rộng, “chạy” được “sổ đỏ”, kinh phí xây dựng tôn tạo các chùa. Bản thân Yến đã xin được kinh phí cho chùa Duyên Quang Tự (Nam Định), chùa Văn Lai (Ba Vì, Hà Nội), Nghĩa trang liệt sĩ Hải Triều (Nam Định)…

Tin tưởng Yến và Vững, trong năm 2018, nhiều người đã đưa tiền cho Yến với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng để được hỗ trợ.

Cụ thể, đầu năm 2018, ông Long sửa nhà tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội và thuê Vững trông coi công trình xây dựng. Đến tháng 5/2018, sau khi Yến tham gia công ty Trường Sơn thì Vững và Yến giới thiệu với ông Long về việc có thể chạy “sổ đỏ”.

Thời gian này, ông Long có nhu cầu xin được cấp “sổ đỏ” thửa đất đang ở nên nhờ giúp. Yến nhận lời và nói sẽ phải chi phí để xin. Ngày 6/5/2018, Yến cùng Vững đến nhà ông Nguyễn Hữu Dùng, trú tại huyện Thạch Thất, em ruột ông Long, để nhận 40 triệu đồng và hồ sơ nhà đất. Yến viết 2 giấy biên nhận tiền và hồ sơ.

Yến nói, số tiền trên là để mua quà biếu và nộp hồ sơ xin cấp “sổ đỏ”, hẹn 1 tuần sau sẽ có sổ. Sau khoảng 2/3 tuần, Yến yêu cầu đưa thêm 80 triệu đồng nhưng ông Long không đồng ý. Tiêu hết 40 triệu đồng, Yến không có tiền trả lại bị hại.

Một phi vụ khác, khoảng tháng 5/2018, ông Vũ Văn Hùng (SNN 1945, trú tại huyện Quốc Oai, Hà Nội), biết chùa thuộc thôn Yên Nội, do bà Đỗ Thị M trụ trì, đang xây dựng cần kinh phí. Khi được Yến và Vững giới thiệu về khả năng xin kinh phí, ông Hùng giới thiệu Yến, Vững với bà M. Sau đó, Yến cùng Vững đến chùa gặp bà M và giới hiệu Yến là cháu ruột của cựu Chủ tịch Quốc hội, hiện đang công tác tại quỹ tu bổ Đền Hùng.

Yến nói, đã xin được kinh phí xây dựng cho một số chùa. Yến, Vững hứa, sẽ xin cho chùa này được cấp giấy chứng nhận di tích lịch sử và số tiền 20 tỷ đồng làm kinh phí. Đổi lại, bà M phải chi tiền để Yến đi quan hệ và trích lại một phần kinh phí cho công ty Trường Sơn. Yến, Vững nhiều lần nhận của người phụ nữ này 2 tỷ đồng.

Đến ngày 26/10/2018, Yến tiếp tục yêu cầu bà M chuyển thêm 82 triệu đồng và hứa ngày 5/11/2018 sẽ có giấy báo chi kinh phí xât dựng chùa. Sau khi Yến viết các Giấy biên nhận, Vững ký tên và đóng dấu Cty Trường Sơn vào các Giấy biên nhận để xác nhận, nhằm tạo sự tin tưởng cho bị hại. Tổng số tiền bà M đã đưa cho Yến là 2,082 tỷ đồng. Số tiền này, cả hai cũng sử dụng hết.

Đến ngày 12/11/2018, Vững đến chùa viết cho bà M một giấy cam kết cầm tiền để lo việc, hứa trước ngày 17/12/2018 sẽ trả lại 500 triệu đồng. Nhưng đến nay, bà M vẫn chưa nhận lại được tiền.

Cơ quan chức nănng xác minh tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hoá Hùng Vương, kết quả cho thấy, Yến là cộng tác viên Ban vận động Quỹ tu bổ đền Hùng đến tháng 3/2015 thì Quỹ giải thể.

Đến tháng 5/2015, Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hoá Hùng Vương được thành lập, Yến không tham gia, không phải là thành viên, cộng tác viên và không liên quan gì đến hoạt động của Trung tâm. Quỹ tu bổ đền Hùng và Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hoá Hùng Vương không liên quan đến việc đóng góp xây dựng chùa của thôn Duyên Mỹ, xã Yên Cường, huyện Ý Yên, Nam Định.

Khép lại phiên toà xét xử, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Yến 14 năm tù, Vững 11 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự nhận mình là cháu ruột của nguyên Chủ tịch Quốc hội để đi lừa đảo