Việc Trung Quốc xây dựng trái phép hai hải đăng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực và quốc tế, một lần nữa cho thấy dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc”, TS. Trần Công Trục nhận định.
Sau một loạt hành động phi pháp, ngày 26/5, Trung Quốc tổ chức Lễ động thổ xây dựng trái phép hai hải đăng cao 50m với đường kính 4,5m ở bãi đá Châu Viên và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Để biện minh cho hành động ngang ngược này, Trung Quốc nói rằng, xây hai hải đăng để đảm bảo “an toàn” hàng hải.
Thực chất, đây là một bước trong kế hoạch biến Biển Đông thành “ao nhà” của Bắc Kinh. Âm mưu đó của Trung Quốc đã bị nhân dân thế giới và Việt Nam lên tiếng chỉ trích, phản đối và yêu cầu dừng ngay các hoạt động phi pháp. Tuy nhiên, Trung Quốc không những không thực hiện mà con tiếp tục gây hấn, khiêu khích, thể hiện sự hiếu chiến bằng việc cải tạo, xây dựng trái phép các công trình dân sự, quân sự trên Biển Đông.
Biển Đông với vị trí chiến lược về kinh tế cũng như quốc phòng, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế sẽ không để cho Trung Quốc thực hiện ý đồ của mình.
Trung Quốc "bẫy" cả thế giới
Để làm rõ hơn những tính toán, mục đích, âm mưu của Trung Quốc khi xây dựng trái phép các công trình dân sự, quân sự trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phóng viên Báo điện tử Công lý đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Công Trục – nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
TS. Trần Công Trục
Ông Trục khẳng định, Trung Quốc xây dựng những công trình dân sự, quân sự trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hoạt động trái phép, vi phạm toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của Việt Nam.
Theo phân tích của TS. Trần Công Trục, Trung Quốc muốn tiếp tục thực hiện chiến thuật “giành sự công nhận trên thực tế” yêu sách của Trung Quốc thông qua các công trình “dân sự”, “kinh tế, kỹ thuật”...
Bởi, nếu vì nhu cầu đảm bảo an toàn hàng hải, hàng không, vì những mục đích kinh tế, cứu hộ cứu nạn, các cá nhân, tổ chức, các phương tiện khi hoạt động trên Biển Đông buộc phải sử dụng các công trình, dịch vụ này, điều đó đồng nghĩa với việc mặc nhiên thừa nhận yêu sách “chủ quyền” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Những hành động đó của Trung Quốc đã được chuẩn bị và tính toán kỹ lưỡng nhằm thực hiện chủ trương biến bãi cạn thành đảo có điều kiện “thích hợp cho con người sinh sống và có đời sống kinh tế riêng”. Từ đó xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của quần đảo theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982).
Thực tế trên cho thấy, để thực hiện âm mưu kiểm soát, khống chế hoạt động hàng hải, hàng không quốc tế ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ không từ bất kỳ một thủ đoạn nào.
Quả đúng như vậy, song song với các hoạt động cải tạo, xây dựng, Trung Quốc tiếp tục hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở cửa vịnh Bắc Bộ nhằm triển khai kế hoạch khai thác dầu khí trong vùng thềm lục địa của các nước ven Biển Đông mà lâu nay họ đang thèm muốn xí phần.
Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc còn cho các đoàn tàu đi đánh bắt xa bờ và lâu ngày trên Biển Đông, nhất là ở khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam nhằm mục đích vơ vét nguồn tài nguyên sinh vật, hỗ trợ cho chiến dịch lấn chiếm các thực thể trong quần đảo Trường Sa, thậm chí ở cả các đảo đã có người ở từ trước.
Sau đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục giăng bẫy để thực hiện chủ trương “giành sự công nhận trên thực tế” yêu sách chủ quyền đối với các quần đảo và vùng biển nằm trong đường “lưỡi bò” của họ.
Một khi yêu sách đường “lưỡi bò” được mặc nhiên thừa nhận và nếu tình thế quốc tế chưa thuận lợi để họ giành quyền kiểm soát, khống chế Biển Đông, thì lúc đó họ sẽ đồng ý ký Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Không để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông
Biển Đông là tuyến đường hàng hải lớn thứ 2 trên thế giới sau Địa Trung Hải. Trung bình mỗi ngày trên Biển Đông có 250-300 lượt tàu biển qua lại. Lượng dầu lửa và khí hoá lỏng được vận chuyển qua Biển Đông lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Có tới 42% hàng xuất khẩu của Nhật Bản, 55% hàng xuất khẩu của các nước Đông Nam Á, 26% hàng xuất khẩu của các nước công nghiệp mới và 40% hàng của Úc đi qua Biển Đông.
Nói vậy để thấy rằng, Biển Đông có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế của 11 nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như các quốc gia trên thế giới, họ sẽ không khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. .
Khi một số chuyên gia an ninh trên thế giới nhận định, Trung Quốc có thể ban hành lệnh hạn chế di chuyển trên biển và trên không tại quần đảo Trường Sa một khi nước này hoàn thành các công trình xây dựng.
Ngay lập tức người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Jeff Rathke khẳng định: “Mỹ coi an ninh Biển Đông là vấn đề tối quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ cũng như nền kinh tế toàn cầu. Do đó, Mỹ quyết tâm hợp tác với các nước khu vực để đảm bảo tự do thương mại trên Biển Đông”.
Mỹ thể hiện quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải, hàng không bằng việc cho tàu chiến và máy bay tiếp tục tuần tra trên Biển Đông, gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa của Việt Nam.
Tương tự, để đáp lại những động thái áp đặt tuyên bố chủ quyền ngày càng lấn tới của Trung Quốc, quân đội Nhật Bản đang xây dựng kế hoạch tham gia tuần tra trên biển và trên không với Mỹ ở Biển Đông.
Trước tình hình Trung Quốc tăng cường lấn biển, đảo, Mỹ điều tàu chiến đến gần và một loạt các hành động leo thang khác tại Biển Đông, TS. Trần Công Trục dự đoán, nếu Trung Quốc vẫn cố tình phớt lờ luật pháp, thách dư luận Quốc tế, bất chấp mọi thỏa thuận chính trị song phương hoặc đa phương; tiếp tục tìm cách liên minh hoặc chia rẽ, phân hóa nội bộ trong từng quốc gia, trong các tổ chức khu vực hay quốc tế để phục vụ cho chiến lược “khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông”, thì khả năng xảy ra đụng độ là rất cao.
Hiện, Biển Đông đang là một điểm nóng, vì vậy mọi ứng xử đều phải hết sức thận trọng, phải đặt lợi ích chung vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới lên trên hết.
TS. Trần Công Trục nhấn mạnh: “Việt Nam phải thật sự bình tĩnh, cảnh giác và phải phân biệt rõ đúng, sai, tránh “đổ thêm dầu vào lửa”. Nhưng, dù đó là Trung Quốc hay Mỹ, nếu hành xử không theo đúng các nguyên tắc, vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam thì Việt Nam phải kiên quyết phản đối đấu tranh đến cùng, không khoan nhượng”.