TS.BS Vũ Thy Cầm: Người mắc trầm cảm cần được lắng nghe, chia sẻ một cách chân thành

Phan Huyền| 09/12/2016 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TS. BS Vũ Thy Cầm, Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng, Viện sức khỏe Tâm thần (BV Bạch Mai) khuyến cáo: “Người bị bệnh trầm cảm cần được lắng nghe, chia sẻ một cách chân thành cũng như sự nâng đỡ của gia đình, xã hội để có thể hòa nhập tốt với cộng đồng".

Trầm cảm - căn bệnh không phân biệt tuổi tác

Sinh năm 2000, bệnh nhân N.M.S (Nam Sách, Hải Dương) tái nhập viện tại Viện sức khỏe Tâm thần trong tình trạng đau đầu, đau bụng dữ dội. Theo người nhà bệnh nhân, vì do mải chơi nên hai ngày em không uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Trước đó, em có nhiều triệu chứng đau như đau đầu, đau ngực, đau bụng … có thời kì em có cảm giác đau toàn thân cùng cảm xúc chán nản, bi quan. Dù đã đi khám và điều trị nhiều nơi về tim mạch, tiêu hóa, cơ xương khớp…  nhưng bệnh tình của em không khá hơn. TS. BS Vũ Thy Cầm cho biết: “Trong trường hợp này bệnh nhân bị rối loạn dạng cơ thể có trầm cảm phối hợp. Vì bệnh nhân còn ít tuổi nên dặn dò kĩ việc tuân thủ đơn điều trị của bác sĩ và người thân cần giám sát”.

TS.BS Vũ Thy Cầm: Người mắc trầm cảm cần được lắng nghe, chia sẻ một cách chân thành

TS. BS Vũ Thy Cầm thăm và khám bệnh cho một bệnh nhân sinh năm 2000

Hay như trường hợp của bệnh nhân N.T.D (Đông Anh, Hà Nội) có biểu hiện trầm cảm từ khi học lớp 11. Khi cha mẹ ly hôn, em sống cùng mẹ và bạn trai của mẹ nên thường buồn chán, bi quan, tự ti, không muốn giao tiếp với người khác, mất ngủ, gầy sút dẫn đến kết quả học tập đi xuống. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị thỉnh thoảng em lại tự ý bỏ thuốc nên phải tái khám nhiều lần. Hiện tại, ý thức về bệnh tật của em tốt hơn nên dù đang uống thuốc điều trị nhưng vẫn hòa nhập cuộc sống tốt.

Còn với chị N.T.H (SN 1970, Việt Yên, Bắc Giang) chỉ cần nhắc đến chồng con, gia đình là nước mắt lại chảy. Nhiều hôm, đang đi làm cũng bịt khẩu trang lại để khóc. Biết bản thân mình có dấu hiệu bất thường như thường xuyên nghĩ đến cái chết, ngại giao tiếp với người khác nhưng chị lại giấu kín chuyện kể cả với chồng con, bố mẹ. Thậm chí, chị còn tự hỏi rằng mình mất chồng con có lo không, hàng xóm láng giềng có qua thăm hỏi không. Sau khi tiến hành kiểm tra trắc nghiệm tâm lý, chị nhận được kết quả trầm cảm mức độ nặng.

Nói về các biểu hiện của bệnh trầm cảm, TS. BS Vũ Thy Cầm cho biết: “Khi người bệnh có dấu hiệu buồn chán, chậm chạp, bi quan, giảm tập trung chú ý, thiếu tự tin, ngại giao tiếp, gầy sút, các triệu chứng đau… cần phải phát hiện sớm và khám tại chuyên khoa tâm thần kịp thời. Trong trường hợp người bệnh chưa có ý nghĩ tiêu cực, chưa triệu chứng loạn thần thì kết quả điều trị tốt hơn. Nhiều bệnh nhân bị trầm cảm nhẹ và vừa chỉ cần trị liệu tâm lý, không phải dùng đến thuốc”.

Liệu pháp nào cho người bị trầm cảm?

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến một người khỏe mạnh có thể mắc trầm cảm. Những áp lực, mâu thuẫn trong cuộc sống như kinh tế khó khăn, tình cảm đôi lứa rạn nứt, vợ chồng ly hôn, nạo phá thai ngoài ý muốn… gây rối loạn trầm cảm.

Bên cạnh đó, các bệnh lý khác của cơ thể như bệnh đái tháo đường, sau tai biến mạch máu não… cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Với những người sử dụng các chất kích thích như ma túy, rượu… cũng có thể có dấu hiệu trầm cảm. Ngoài ra, cũng có trường hợp bệnh nhân bị trầm cảm không tìm thấy nguyên nhân được gọi là bệnh trầm cảm nội sinh.

Trầm cảm khiến chất lượng cuộc sống của bản thân người bệnh và gia đình bị suy giảm. Riêng với người bệnh, kết quả học tập, công việc bị giảm sút và các mối quan hệ gia đình, xã hội và cộng đồng cũng bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu đi. Không ít trường hợp bệnh nhân có ý tưởng và hành vi tự sát ngay cả khi đang được điều trị trong bệnh viện.

TS.BS Vũ Thy Cầm: Người mắc trầm cảm cần được lắng nghe, chia sẻ một cách chân thành

TS. BS Vũ Thy Cầm, Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng, Viện sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai)

Sỡ dĩ, người bị bệnh trầm cảm nặng, có triệu chứng loạn thần thường xuyên nghĩ đến cái chết vì họ cảm thấy mình vô dụng, có tội lỗi với gia đình, người thân, bạn bè. Và khi họ suy nghĩ cuộc sống chỉ có một màu đen thì đồng nghĩa với việc mình sống không có ý nghĩa gì và chết là cách giải thoát vì họ cho rằng “chết là hết chuyện”.

Đề cập đến giải pháp cho người bị bệnh trầm cảm, Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng, TS. BS Vũ Thy Cầm cho biết: “Ngoài sử dụng thuốc, các bác sĩ sẽ điều trị bệnh cho bệnh nhân bằng liệu pháp tâm lý. Nguyên tắc khám bệnh tâm thần phải có người thân của bệnh nhân đi cùng. Ngoài việc khám bệnh nhân, sự xác nhận của người thân qua việc mô tả cảm xúc, tư duy, hành động của bệnh nhân góp phần giúp bác sĩ lượng giá triệu chứng và có phương pháp điều trị phù hợp”.

BS. TS Vũ Thy Cầm cho biết thêm, với người bị bệnh trầm cảm cần tuân thủ các nguyên tắc điều trị của bác sĩ. Không tự ý mua thuốc uống theo một số thông tin không có tính xác thực trên mạng internet và phải khám bệnh định kỳ, dùng thuốc đều theo đơn điều trị của bác sĩ. Để làm được điều này, bản thân người bệnh phải có những nhận thức đúng đắn về mặt bệnh tật và nỗ lực đẩy lùi nó. Ban đầu, tạo cho mình có những suy nghĩ tích cực, lạc quan kể cả những điều nhỏ và về sau xây dựng thành một thói quen cho bản thân.

Xét về môi trường sống, người bị bệnh trầm cảm cần được giảm thiểu tối đa những áp lực, căng thẳng bằng cách tạo sự hòa thuận giữa các thành viên với nhau. Những câu nói như: “Cậu không bị làm sao đâu; không việc gì phải suy nghĩ; nhìn cậu khỏe mạnh thế này ai tin bệnh tật…” nhiều khi vô ý nhưng với người bị trầm cảm lại gây tổn thương sâu sắc. Do đó, người bị bệnh trầm cảm cần được lắng nghe, chia sẻ một cách chân thành cũng như sự nâng đỡ của gia đình, xã hội trong cơn bệnh để có thể hòa nhập tốt với cộng đồng hơn. 

Theo WHO, có khoảng 10%-15% dân số bị bệnh trầm cảm. Toàn cầu hiện có trên 350 triệu người bị trầm cảm và ước chừng 1 triệu người tự tử mỗi năm do mắc chứng này.

Tại Việt Nam, tỉ lệ trầm cảm trong cộng đồng là 24,3% ở độ tuổi 25-55 và tăng lên 47% ở người trên 55 tuổi. Phụ nữ bị trầm cảm cao gấp 2 lần so với nam giới. WHO cũng cảnh báo rằng điều đáng lo ngại là rất nhiều người đang mắc bệnh nhưng lại không thừa nhận mình có bệnh.

Với những bệnh nhân bị ung thư, có nhiều yếu tố làm tăng tỉ lệ tử vong nhưng trầm cảm là yếu tố hàng đầu. Những biểu hiện trầm cảm chiếm khoảng 85% số bệnh nhân ung thư.

Công bố khoa học về thực trạng rối loạn trầm cảm ở bệnh nhân ung thư do các chuyên gia Trung tâm Ung bướu Thái Nguyên thực hiện đã chỉ ra rằng tình trạng trầm cảm ở bệnh nhân ung thư là khá cao, với tỉ lệ 67,3%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS.BS Vũ Thy Cầm: Người mắc trầm cảm cần được lắng nghe, chia sẻ một cách chân thành