Vấn đề quan tâm

Truy cứu trách nhiệm hình sự người giao xe cho trẻ vị thành niên gây TNGT?

Nguyễn Cúc 18/11/2024 - 16:34

Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã đề xuất nâng mức phạt để thêm sức răn đe cho hành vi vi phạm ATGT của học sinh.

Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho các em học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; các chủ phương tiện và phụ huynh chở các em học sinh vi phạm các quy định về vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt.

Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, chín tháng đầu năm 2024, , lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã lập biên bản hơn 182 nghìn trường hợp học sinh, trẻ em vi phạm; tai nạn giao thông liên quan trẻ em ở lứa tuổi học sinh xảy ra 1.957 vụ, làm chết 783 người, bị thương 2.018 người.

hs.jpg
Ảnh minh họa

Theo Cục Cảnh sát Giao thông, phần lớn thanh, thiếu niên vi phạm chưa thật sự quan tâm đến nhận thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Bên cạnh đó, còn một bộ phận phụ huynh chưa quản lý tốt con em mình, vẫn giao xe cho con chưa đủ điều kiện. Thậm chí, việc phụ huynh không làm gương cho con cũng diễn ra phổ biến như: Vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm cho bản thân mình và con khi đưa đón con đến trường. Thực tế, đã có nhiều bậc phụ huynh đã phải trả giá cho sai lầm, tội lỗi của con trẻ, cụ thể ở đây là bị khởi tố hình sự, chịu án tù, đền bù thiệt hại kinh tế.

Tại cuộc họp cho ý kiến dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, nhiều ý kiến yêu cầu cơ quan soạn thảo bổ sung nhiệm vụ, trách nhiệm của nhà trường, gia đình. Theo đó, các nhà trường phải đưa kỹ năng lái xe gắn máy an toàn vào tiêu chí, quy chế đánh giá học sinh; gia đình chỉ mua xe gắn máy khi con em đã được hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn.

Trong dự thảo nghị định sửa đổi lần thứ tư, cơ quan soạn thảo đề xuất tăng xử phạt hành chính đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện gấp năm lần, từ 4-6 triệu đồng lên 28-30 triệu đồng. Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đánh giá, việc tăng mức xử phạt là hoàn toàn cần thiết đối với một số hành vi cố tình vi phạm, gây ra tai nạn giao thông như: Vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, giao xe cho người không đủ điều kiện...

Điều này còn góp phần nâng cao ý thức người lái xe, xây dựng môi trường văn hóa giao thông văn minh. Riêng đối với hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển, việc đề xuất tăng chế tài xử lý sẽ gắn chặt trách nhiệm của hành vi này với người giao xe, chủ phương tiện khi tạo khung pháp luật cho phép, kiên quyết xử lý hình sự đối với hành vi giao xe mà gây ra tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại khoản 10, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định nghiêm cấm giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển tham gia giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, quy định tại Điều 30, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, cha mẹ giao phương tiện cho con chưa đủ tuổi điều khiển xe mô-tô sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 2 triệu đồng; đối với ô-tô, phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng. Trường hợp để xảy ra tai nạn giao thông chết người, thì người cho mượn, giao phương tiện có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truy cứu trách nhiệm hình sự người giao xe cho trẻ vị thành niên gây TNGT?