Vui vẻ, an toàn, tôn trọng, yêu thương, phát huy hết năng lực của bản thân… là những gì tập thể Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Hưng Nguyên – Nghệ An) đang nỗ lực tạo ra, lan tỏa mạnh mẽ đến các em học sinh nhà trường, hướng đến một môi trường sư phạm văn minh, thân thiện, một mô hình trường học hạnh phúc.
Trong những năm học gần đây, “trường học hạnh phúc” đã trở thành một từ khóa quen thuộc và quan trọng của ngành Giáo dục. Cùng với trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, việc tạo dựng ngôi trường hạnh phúc cũng được ngành Giáo dục hết sức chú trọng. Trong “hệ sinh thái hạnh phúc” đó, hiệu trưởng là người đóng vai trò chủ chốt và học sinh, giáo viên là chủ thể được quan tâm nhất.
Cụ thể, trong công tác quản lý, Ban Giám hiệu nhà trường đã tiến hành họp, thống nhất thay đổi tư duy về giáo dục bao gồm: Thay đổi phương pháp giảng dạy từ truyền thụ kiến thức sang bồi dưỡng phẩm chất năng lực và thay đổi hành vi, thái độ với nhau, với phụ huynh, với học sinh theo hướng thân thiện, gần gũi, yêu thương nhưng vẫn trong khuôn khổ kỷ cương trường lớp. Đặc biệt, nhà trường đã thực hiện rà soát lại đội ngũ giáo viên, tiến hành phân công nhiệm vụ theo đúng chuyên môn, sở trường được đào tạo và yêu thích, hạn chế tạo áp lực để phát huy tính sáng tạo, nhiệt huyết trong mỗi giáo viên.
Thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn – hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Hiệu trưởng không nên tạo khoảng cách với học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường. Hiệu trưởng phải tạo được động lực cho giáo viên khi đến trường, khiến họ luôn cảm thấy vui vẻ, thoải mái và có khát vọng sẵn sàng chia sẻ với Ban giám hiệu về những khó khăn của mình. “Khi có sự chia sẻ, thấu hiểu thì tập thể giáo viên, nhân viên sẽ chung vai gánh vác với mình trong mọi công việc. Giáo viên cũng cần cảm thấy mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Đối với học sinh, tôi cho rằng, một ngôi trường hạnh phúc là ở đó các em được yêu thương, tôn trọng, được an toàn; được thoải mái, tự do phát huy năng lực; được say mê khám phá những kiến thức, kỹ năng, của mình…”.
Ngay trong ngày đầu tiên (nhập học) tựu trường, đích thân thầy đi đến từng lớp học, nhất là khối lớp 1, để chào hỏi học sinh. Với lời căn dặn: “Nếu có khó khăn gì thì các con cứ đến gặp thầy để nói chuyện”. Vì thế, có chuyện to chuyện nhỏ gì, các em cũng chạy (đến Phòng) tìm thầy Hiệu trưởng để kể; hay đơn giản chỉ đến chào hỏi thầy để nhận được những lời động viên nụ cười hay cái gật đầu với ánh mắt khích lệ.
Từ lâu, ngày khai giảng, trong khi học sinh (những) một số trường khác phải đứng dậy để chào đón đại biểu thì tại Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, chính thầy cô giáo và đại biểu lại đứng lên để chào đón vỗ tay, trao quà cho học sinh khối 1 vào trường. Đó là một trong những hành động thể hiện sự tôn trọng của thầy cô giáo dành cho học sinh. Thầy Tuấn cho rằng, tôn trọng học sinh cũng chính là một cách tạo khát vọng các em đến lớp, đến trường để khích lệ các em trong học tập.
Những giải pháp thay đổi bước đầu đã sớm thấy được những hiệu quả, trong mỗi buổi học, các thầy cô đã luôn đổi mới phương pháp từ dạy học truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh tạo một không khí lớp học thoải mái để học sinh (dễ) hứng thú tiếp thu kiến thức; quan tâm xây dựng trường học thông minh để học sinh tiếp cận, lĩnh hội kiến thức nhanh nhất. Nhiều biện pháp quan tâm, chăm sóc, yêu thương dành cho học sinh đều có trong các hoạt động như học tập, văn hóa - văn nghệ - thể thao và cả trong từng bữa ăn, giấc ngủ, tạo ra không khí thực sự hạnh phúc, làm cho học trò muốn đến lớp, nhớ thầy cô, nhớ trường.
Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò được tôn trọng, không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương thức truyền thụ kiến thức xưa cũ. Các chương trình, hoạt động học tập ngoại khóa cũng thường xuyên được tổ chức, lồng ghép với bài học về lòng yêu nước, truyền thống hiếu học của quê hương xô viết… Các chương trình học này đã mang đến cho học sinh niềm phấn khởi, tự tin, hào hứng và tham gia nhiệt tình bởi nội dung lồng ghép gần gũi với cuộc sống, giao tiếp hàng ngày của các em.
Ấn tượng trong số các hoạt động ngoại khóa đó là tiết học viết thư, điều em muốn nói. Những bức thư các em viết, chia sẻ tâm sự (khá) cởi mở, được nhà trường tập hợp, là cầu nối truyền tải đến các bậc phụ huynh. Đây là kênh quan trọng để nhà trường, phụ huynh kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các em, để có những điều chỉnh, các hoạt động giáo dục hiệu quả hơn.
Em Trần Ngọc Uyên Linh học sinh lớp 4E chia sẻ: “Trong trí tưởng tượng của con, Hiệu trưởng phải là người có vẻ ngoài nghiêm khắc và dữ. Vì vậy, con cảm thấy rất vui, thoải mái khi đi học và tiếp xúc với thầy Hiệu trưởng. Nhờ sự thân thiện của thầy và các cô khác trong trường mà con luôn cảm thấy vui khi đến trường”. Với quan điểm phải cố gắng làm những gì tốt nhất cho học sinh, bên cạnh đổi mới trong dạy và học, tạo không khí học tập sôi nổi, hứng khởi cho các em thì từng bữa ăn, giấc ngủ cũng luôn được nhà trường quan tâm. Tại lớp học cũng bố trí chỗ ngủ riêng, chăn, chiếu (ga, điều hòa) để các em được nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ học. Các phòng học, cổng trường, khu vực nhà vệ sinh đều bố trí hình ảnh tuyên truyền trực quan, tiêu chuẩn vệ sinh, ánh sáng, bảng chống lóa và hệ thống camera quan sát đảm bảo an toàn cho học sinh.
Trường học hạnh phúc phải là một “hệ sinh thái” mà ở đó tất cả các thành viên đều được hạnh phúc (giáo viên, học sinh và phụ huynh)… Điều này đã được Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai ứng dụng thành công, trong đó chủ thể chính là các em học sinh - mầm non tương lai của đất nước sẽ cảm thấy vui vẻ và hứng thú với việc đến trường hằng ngày, sẽ giúp các em có thêm động lực, sự chủ động và tích cực và không ngừng sáng tạo ra những giá trị mới, tiếp thu được những bài học mới.