Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường THCS, tiểu học và mầm non.
Theo công văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các địa phương giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục và chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường THCS, tiểu học và mầm non.
Đây là nội dung được thực hiện theo Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo công văn, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành văn bản hướng dẫn nội dung quản lý nhà nước về giáo dục do cấp huyện đang quản lý chuyển cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp xã khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại chính quyền địa phương 2 cấp.
Việc thực hiện phải bảo đảm các hoạt động hành chính liên quan đến giáo dục hoạt động bình thường, thông suốt, liên tục không gián đoạn, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Đối với việc sắp xếp, điều động, biệt phái đội ngũ nhà giáo khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương đảm bảo phân cấp mạnh nhưng không buông lỏng, bỏ sót, gián đoạn việc quản lý chuyên môn về giáo dục.
Đồng thời thống nhất thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đối với chuyên môn của ngành. Việc tuyển dụng, sắp xếp, điều động, biệt phái, phát triển đội ngũ nhà giáo do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh là sở giáo dục và đào tạo phải được thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh. Các địa phương phải lưu ý xử lý tình huống thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND cấp tỉnh không để xảy ra khoảng trống, chồng chéo hoặc phân tán nhiệm vụ quản lý, nhất là các lĩnh vực then chốt như: chỉ đạo chuyên môn, nội dung chương trình, quản lý đội ngũ, tài chính, cơ sở vật chất trường học, thanh tra, kiểm tra.
Khi thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục, phải bảo đảm tính đồng bộ với định hướng các Luật đang được Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thông qua.
Bộ GD&ĐT lưu ý UBND cấp tỉnh thực hiện giao đầu mối quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục cho cấp nào có đủ nguồn lực cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực để bảo đảm duy trì và phát triển sự nghiệp giáo dục; phân biệt rõ giữa nhiệm vụ chuyên môn (giao Sở GD&ĐT trực tiếp thực hiện) và nhiệm vụ hành chính, địa bàn (giao UBND cấp xã trực tiếp thực hiện); gắn phân cấp với cơ chế kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục trong điều kiện tốt nhất ở địa phương.
Trước đó, ngày 7/4, Chính phủ có Nghị quyết số 74/NQ-CP ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Chính phủ giao Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, đào tạo tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, tổ chức lại.
Hiện nay các trường THCS, tiểu học, mầm non do Phòng GD&ĐT quản lý. Chính quyền cấp xã chỉ được phép quản lý nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập tư thục trên địa bàn.