Nghi Quang là một trong những xã khó khăn của vùng Bãi ngang thuộc huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Thế nhưng, người dân ở đây đang phải “cõng” nhiều khoản đóng góp vô lý để con em mình được vào học tại trường Mầm non.
Điều này đã khiến cho nhiều phụ huynh vô cùng bức xúc…
Nhiều khoản thu trái quy định
Đơn kiến nghị của phụ huynh và giáo viên Trường Mầm non Nghi Quang, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) gửi tới cơ quan báo chí phản ánh: Trong năm học 2012-2013, có 8 cháu học sinh vì hoàn cảnh gia đình mà không theo học lớp 3 tuổi hoặc lớp 4 tuổi. Nhà trường đã lệnh cho các cô giáo chủ nhiệm lên danh sách học sinh và gặp phụ huynh để yêu cầu mỗi cháu phải nộp số tiền là 800.000 đồng mới cho lên lớp. Nhiều phụ huynh thương con mà chẳng biết phải làm sao ngoài việc đem tiền đến để nộp.
Chị Trần Thị Lệ, có con là Nguyễn Duy Pháp xóm Trung Tiến, xã Nghi Quang cho biết: “Trong năm học 2011-2012, do cháu Pháp rất yếu và hay đau ốm nên chồng tôi bảo cho con ở nhà, sang năm học cũng được. Đến năm 2012-2013, cháu được học lớp 4 tuổi. Hôm đưa cháu đi học, tôi được thông báo từ cô chủ nhiệm là con tôi do không học lớp 3 tuổi nên phải nộp 800.000 đồng tiền phạt, nếu phụ huynh không nộp thì con phải xuống học lớp 3 tuổi và phải học ở cụm Tân Lập, cách cụm Trung tâm khoảng 5km. Vì thương con, tôi đành về nhà vay tiền lên phòng Hiệu trưởng nộp số tiền đó cho cô Toàn và cô Mai”.
Chị Trần Thị Lệ, có con là Nguyễn Duy Pháp, xóm Trung Tiến phải nộp tiền để con được lên lớp
Không riêng gì trường hợp chị Lệ, chị Nguyễn Thị Gương có con là Nguyễn Thị Bảo Trâm, SN 2007 cũng phải nộp số tiền là 800.000 đồng với lý do, cháu không học lớp 4 tuổi…
Trước đó, vào đầu năm học 2013-2014, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh để thông báo các khoản đóng góp. Trong đó, nhà trường đã đề ra những khoản đóng góp mà đáng lẽ, theo quy định của Nhà nước là phải được miễn giảm như: Tiền vệ sinh, tiền lao động phụ huynh, tiền nước, tiền mua tài liệu phục vụ học tập…
Trao đổi với phóng viên về các khoản đóng góp kể trên, bà Nguyễn Thị Khánh Toàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tiền nước chúng tôi thu 50.000/năm là để lấy mua máy lọc nước phục vụ cho các cháu, vì nguồn nước ở đây bị nhiễm mặn nên nhà trường đã xin phụ huynh thu khoản này. Về tiền phổ cập giáo dục, mỗi học sinh phải đóng 20.000/năm vì trường không có tiền để các cô đi làm phổ cập trong lúc đang chờ nguồn ở trên và hiện nay, huyện đã trả cho trường, chúng tôi sẻ trả số tiền này cho phụ huynh sau. Còn tiền vệ sinh mỗi cháu 50.000/năm là vì mỗi trẻ phải có hai khăn, phải có xà phòng, xô, chậu phục vụ các cháu. Nếu không xin thu các khoản này thì chúng tôi không biết lấy nguồn ở đâu ra. Khoản tiền tuyển sinh, nhà trường chỉ thu mỗi cháu 1.000 đồng vì phải đi in đơn cho các cháu xin vào học. Vẫn theo bà Toàn, việc mỗi phụ huynh đóng 50.000 đồng/người/năm là “thường thì chúng tôi điều phụ huynh đi làm như làm vườn rau và một số công trình cho nhà trường. Vì điều kiện ở đây là vùng biển nên họ không đi lao động buộc nhà trường phải thu 50.000/năm”.
Về vấn đề phụ huynh phản ánh việc nhà trường thu 800.000 đồng đối với những cháu chưa học lớp 3 hoặc 4 tuổi, bà Hiệu trưởng lý giải rằng, số tiền này là phụ huynh “tự nguyện” gửi cho nhà trường để bồi dưỡng cho giáo viên dạy thêm, đồng thời nhà trường dùng số tiền đó mua thêm sách và bút cho học sinh.
Làm việc với PV, ông Nguyễn Văn Thông, Quyền Trưởng phòng Giáo dục huyện Nghi Lộc, lấy lý do vì chưa nhận được đơn thư hay thông tin gì ở trường này nên sẽ không trả lời bất cứ nội dung nào liên quan đến Trường Mầm non Nghi Quang. Ông Thông chỉ cung cấp thông tin chung chung cho biết, những khoản được thu và không được thu chi ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện. Khi được hỏi về các khoản thu như: Tiền nước, tiền phổ cập, tiền vệ sinh, tiền phụ cấp, tiền lao động phụ huynh… ông Thông cho biết, ngoài các khoản được thu theo quy định, các trường không được thu thêm khoản gì. Nếu trường mà thu các khoản tiền như trên là trái quy định.
“Bớt xén” tiền ăn phụ của học sinh?
Đơn thư cũng thể hiện, thời gian qua, Hiệu vụ nhà trường “xà xẻo” tiền ăn phụ bằng cách bớt xén khẩu phần ăn phụ của các cháu hàng ngày. Mỗi tháng, mỗi học sinh phải đóng tiền ăn phụ là 40.000 đồng, với tổng số học sinh trong năm học 2013-2014 là 285 cháu. Theo cung cấp của giáo viên về sổ theo dõi xuất đậu và đường hàng tháng cho bé, cụ thể từ 1/9 đến 1/10/2013, theo phép tính, với giá thị trường thì tổng số tiền ăn phụ trong tháng là: 5.245.000 đồng. Vậy, chỉ tính trong một tháng, nhà trường của đã bớt xén của học sinh một khoản tiền khá nhiều.
Những khoản thu đầu năm và kế hoạch nhà trường xin phụ huynh đóng góp
Cũng theo đơn thư, trong năm học 2013-2014, nhà trường đã lên kế hoạch sẽ mua thêm và sửa chữa một số hạng mục để xin phụ huynh tự nguyện đóng góp xã hội hóa giáo dục. Nhưng theo phản ánh thì cho đến thời điểm này, nhà trường mới chỉ mua và làm được một số hạng mục. Theo bà Toàn, đến thời điểm này, nhà trường đã thay gạch sân trường bị hỏng; mua một số phản cho học sinh, mua giá để đồ dùng và đã làm được một cái bảng biểu…
Như vậy, năm học 2013-2014 chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc song vẫn còn một số đồ dùng, trang thiết bị nhà trường vẫn chưa mua sắm để phục vụ cho giáo viên và học sinh. Phụ huynh thắc mắc: Vậy, số tiền còn lại phụ huynh đã đóng góp cho nhà trường, hiện đang nằm ở đâu?