Bằng việc “mời” Ấn Độ và Nga tham gia dự án “One Belt, One Road”, Bắc Kinh đã giáng cho Washington một đòn “chí mạng” vào tham vọng tạo ra một con đường tơ lụa mới do Mỹ kiểm soát ở khu vực Á - Âu, theo Sputnik.
Sputnik dẫn lời nhận định của Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc: “Kể từ khi chiến lược “Một vành đai, Một Con đường”, trong đó đề cập đến “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa mới” và “Con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ 21” được khởi xướng cuối năm 2013, dự án này đã tạo ra bước phát triển quan trọng và nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế”.
Dự án “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa mới” và “Con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ 21” nhằm mục đích tạo ra cơ sở hạ tầng rộng lớn nối Bắc Kinh tới Trung Á và Trung Đông, được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế và chính trị của Trung Quốc với khu vực Á - Âu.
Quảng trường Thiên An Môn
Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc bao gồm một số lượng lớn các tuyến đường, trong đó có cả “Con đường tơ lụa” kinh điển kết nối Trung Quốc và châu Âu qua Trung Á, các tuyến đường Bangladesh - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar, một hành lang kinh tế nối liền Trung Quốc và Pakistan thông qua Kashmir, và một Con đường tơ lụa hàng hải, giúp Trung Quốc tiếp cận với các cảng biển xa một cách liền mạch, trong đó kênh đào Suez mới Ai Cập.
Các chuyên gia phía Mỹ nhấn mạnh rằng sáng kiến về cơ sở hạ tầng của Trung Quốc được bắt đầu nhằm đáp lại những thách thức đối với chiến lược duy trì tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á.
Thực vậy, năm 2011, Washington công bố ý tưởng phát triển dự án Con đường tơ lụa mới để tạo ra “một điểm trung chuyển và quá cảnh thương mại Bắc - Nam bổ trợ cho sự kết nối Đông Tây thông qua khu vực Á -Âu”.
Bình luận về vấn đề này, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đã nói thêm rằng, “con đường tơ lụa” mới do Mỹ hậu thuẫn sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại qua biên giới ở Trung và Nam Á, và xa hơn nữa. Dự án có ý nghĩa tăng cường vai trò của Mỹ trong khu vực, đồng thời tạo ra mối đe dọa đối với lợi ích địa chính trị của Trung Quốc”.
Trong khi các chuyên gia Mỹ đang cân nhắc hơn thiệt của việc xây dựng trung tâm của khu vực Á - Âu tại Afghanistan thì tân Chủ tịch Trung Quốc vừa được bầu khi đó đã “bước vào” với hai chương trình của mình. Đó là một "động thái khá táo bạo", ông Chris Johnson đến từ Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
Washington Post dẫn lời ông Chris Johnson trong một báo cáo năm 2013: “Chủ tịch Tập Cận Bình phát hiện ra một lỗ hổng rất lớn trong các điều khoản về cơ hội kinh tế thương mại và rằng Mỹ, cho đến nay, đã thất bại trong việc tận dụng lợi thế của mình (trong khu vực)”.
Nên lưu ý rằng tình trạng bất ổn ở Afghanistan cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sáng kiến của Washington, kể từ khi Trung Quốc loại trừ các khu vực có nguy cơ bùng nổ khỏi dự án của mình ngay từ khi mới manh nha.
Đòn “tấn công quyến rũ” mới của Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp cận đến chính sách đối ngoại đã cho phép Trung Quốc cải thiện quan hệ của mình với các nước láng giềng, đồng thời củng cố vai trò của mình trong khu vực.
Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc cũng đã nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế. Sự xích lại gần nhau hơn nữa giữa Trung Quốc và Nga, kết hợp với vai trò ngày càng tăng của nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại khu vực Á - Âu, cũng đã tạo điều kiện phát triển dự Con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh.
Ngày 02/02/2015, trong cuộc đối thoại ba bên giữa Ngoại trưởng Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi New Delhi và Moscow tham gia chiến lược “Một Vành đai, Một Con đường” của Bắc Kinh để tạo ra một hành lang kinh tế trên khắp khu vực Á - Âu. Dường như động thái này đã giáng cho Washington một đòn “chí mạng” vào tham vọng tạo ra một con đường tơ lụa mới do Mỹ kiểm soát ở khu vực Á - Âu - dự án nhằm tạo ảnh hưởng chính trị và kinh tế ở châu Á.
* Thông tin tham khảo trên trang Sputnik