Trực tuyến ĐHĐCĐ Vietinbank: Ông Phạm Huy Hùng về hưu, Tân Chủ tịch HĐQT sinh năm 1973

29/04/2014 08:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ông Nguyễn Văn Thắng (Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietinbank) trúng cử chức Chủ tịch và ông Lê Đức Thọ (Nguyên Phó tổng giám đốc Vietinbank, Chánh văn phòng NHNN) giữ vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank (HOSE: CTG).

* Vietinbank: Chủ tịch Phạm Huy Hùng rút khỏi HĐQT, lộ diện danh sách 7 ứng viên nhiệm kỳ mới

* TGĐ Nguyễn Văn Thắng được đề cử chức Chủ tịch Vietinbank

* Ông Lê Đức Thọ sẽ là Tân Tổng giám đốc Vietinbank?

Tân Chủ tịch Nguyễn Văn Thắng - Tân Tổng giám đốc Lê Đức Thọ

14h00: Đại hội thông qua các tờ trình

HĐQT nhiệm kỳ 2014-2019 bao gồm các thành viên:

  1. Ông Nguyễn Văn Thắng (Chủ tịch, thay thế ông Phạm Huy Hùng về hưu)
  2. Ông Lê Đức Thọ (thành viên mới, Tân tổng giám đốc Vietinbank)
  3. Ông Cát Quang Dương
  4. Bà Nguyễn Hồng Vân
  5. Ông Phạm Huy Thông
  6. Ông Hiroyuki Nagata
  7. Ông Go Watanabe

12h30: Thảo luận

Khả năng cạnh tranh của Vietinbank với các ngân hàng khác là gì?

Vietinbank đã nỗ lực đẩy mạnh quản trị điều hành, quản trị rủi ro, thu hút nhân tài, đầu tư đổi mới. Ngân hàng sẽ tiếp tục cung ứng ra thị trường những sản phẩm dịch vụ tốt nhất, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế nhưng giá cả cạnh tranh. Đẩy mạnh đưa ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao là phi tín dụng. Ngân hàng cũng nghiên cứu để đưa ra sản phẩm truyền thống. Đối với hoạt động kinh doanh chuẩn yếu thì các ngân hàng khá giống nhau nhưng riêng Vietinbank có 2 đối tác hỗ trợ vốn và công nghệ nên sẽ đưa ra những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao.

Vietinbank đi đầu trong ngân hàng bán buôn và ngân hàng đầu tư. Còn ngân hàng bán lẻ đang triển khai chuyển đổi mô hình theo thông lệ quốc tế, tận dụng lợi thế sẵn có như hệ thống mạng lưới rộng khắp, nhân sự chuyên môn cao và được hỗ trợ có hiệu quả từ đối tác, Vietinbank sẽ nâng thị phần bán lẻ lên.

Tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR) của Vietinbank như thế nào?

LDR là chiếc chìa khóa để đánh giá thanh khoản của ngân hàng ở mức tổng thể, riêng tại Vietinbank tỷ lệ này giảm so với các năm trước đây là số liệu tốt, bởi các ngân hàng khác đều ở mức 130%. Từ năm 2010-2013, Vietinbank có chủ trương giảm LDR, chỉ tính phần nguồn vốn huy động trên thị trường, còn phần huy động từ các định chế tài chính không được tính vào đây.

LDR của Vietinbank năm 2013 là 103.24%, còn 2010 là 112%. Vietinbank đã dùng toàn bộ tiền trên thị trường 1 để tập trung vào cho vay và đầu tư với hiệu quả rất tốt. Trên thị trường 2 Vietinbank vào khoảng 3.24%. So với các ngân hàng khác tỷ lệ này của Vietinbank rất an toàn bởi vừa đảm bảo hiệu quả cũng như thanh khoản của ngân hàng trong trường hợp có những biến động về mặt nguồn vốn. Trong thời gian tới Vietinbank cố gắng đưa LDR về khoảng mức 80%.

Nợ xấu của Vietinbank năm 2013 là 0.82%, so với tình hình chung của toàn ngành là rất thấp, vì sao có sự giảm mạnh? Đã bán nợ xấu cho VAMC chưa và năm 2014 có bán tiếp?

Vietinbank có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong các ngân hàng bởi chính sách tín dụng của Vietinbank được kiểm soát rất chặt, thông qua việc cho vay đầu tư với những điều kiện cao. Ngoài ra, Vietinbank có tiềm lực tài chính tốt, mọi thời điểm đều trích dự phòng rủi ro 100%. Hàng năm HĐQT đều quyết định xử lý rủi ro đối với các khoản nợ này để đưa ra ngoại bảng.

Còn việc bán nợ cho VAMC thì Vietinbank đang chủ động xử lý nợ xấu và chưa bán một khoản nào cho VAMC. Còn thời gian tới sẽ xem xét và rà soát lại để cân nhắc có bán hay không, trong trường hợp chưa xử lý được ngay thì sẽ cân nhắc.

Trái phiếu Vinashin thay bằng trái phiếu DATC của Vietinbank là bao nhiêu?

Trong năm qua Vietinbank đã cùng với các ngân hàng thương mại hoán đổi nợ của Vinashin bằng trái phiếu của DATC (Công ty mua bán tài sản và nợ tồn đọng của doanh nghiệp). Theo đó, Vietinbank đã hoán đổi hết trái phiếu cho DATC một con số rất nhỏ là 386 tỷ đồng.

Vietinbank sử dụng khoản tiền 250 triệu USD huy động quốc tế như thế nào? Vietinbank có mua lại trái phiếu trước hạn không?

Trong bối cảnh nền kinh tế hết sức khó khăn mà Vietinbank huy động được trái phiếu quốc tế là một sự thành công lớn. Thực tế thì tại thời điểm đó Vietinbank có thể huy động được gấp đôi, gấp ba con số trên, tuy nhiên HĐQT đã cân nhắc và chủ động lấy con số 240 triệu USD. Sau thương vụ đó, uy tín, hình ảnh các doanh nghiệp Việt trong mắt nhà đầu tư quốc tế thay đổi rất nhiều. Đánh giá định mức tín nhiệm cũng khả quan hơn.

Còn khoản tiền 250 triệu USD này Vietinbank đã đưa vào các dự án đầu tư dài hạn của các khách hàng.

Còn việc mua lại trái phiếu trước hạn hay không thì ngân hàng phải xem xét có phù hợp với thực tế, và với những cam kết, điều kiện khi phát hành. Ngân hàng chưa xem xét mua lại.

Vietinbank có những biện pháp nào nhằm tránh những rủi ro như trường hợp vụ Huyền Như đã xảy ra?

Ngay sau khi phát hiện ra vụ Huyền Như, Vietinbank chủ động trình báo cho Bộ Công an vụ việc này.

Ban lãnh đạo Vietinbank đã có những biện pháp vô cùng mạnh mẽ trong việc củng cố lại hệ thống, nâng cao quản trị điều hành gắn với quản trị rủi ro để kịp thời ngăn chặn các vụ việc như trên.

Hiện hệ thống quản trị rủi ro của Vietinbank đang được xây dựng theo chuẩn Basel II (đủ 3 vòng kiểm soát từ cả hội sở và chi nhánh), ban kiểm soát thuộc chuẩn này lớn nhất từ trước đến nay và dần đi vào ổn định. Vì thế chắc chắn những vụ việc như thế sắp tới hy vọng sẽ không xảy ra bởi hệ thống công nghệ đã có thể giám sát từng giao dịch từ các phòng giao dịch của Vietinbank.

Thị phần các mặt hoạt động kinh doanh chủ yếu của Vietinbank như Tín dụng, huy động, kiều hối, mua bán ngoại tệ… dịch vụ thẻ như thế nào?

Thị phần cho vay của Vietinbank ở mức 12.5%, huy động vốn ở mức 10.5%, chuyển tiền 15%, thanh toán quốc tế 14.43%, dịch vụ thanh toán thẻ 23% và mua bán ngoại tế chiếm 10%.

Thị phần của Vietinbank giữ vững và có sự tăng trưởng so với các năm trước. Năm 2014 cố gắng nâng tiếp thị phần lên, qua đó thực hiện các mục tiêu khác của Vietinbank.

Dịch vụ thẻ của Vietinbank hầu hết đều đứng đầu thị trường về số lượng và chất lượng.

Việc bán chéo sản phẩm của CTG như thế nào?

CTG cũng đã xây dựng rất nhiều sản phẩm tín dụng, phi tín dụng, phái sinh liên quan đến nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ, đầu tư. Công tác bán chéo sản phẩm được triển khai vài năm trở lại đây. Đặc biệt CTG có hệ thống các công ty đầy đủ các ngành, lĩnh vực vì thế có thể phối hợp để bán chéo các sản phẩm này như bảo hiểm, vàng bạc…

Có thông tin PGBank sáp nhập vào CTG, thực hư thế nào?

Việc mua một ngân hàng cổ phần là vấn đề rất lớn, sẽ phải đưa ra và xin ý kiến ĐHĐCĐ. Và đến giờ phút này CTG chưa thực hiện mua một tổ chức nào cả.

Còn thời gian tới việc sáp nhập như thế nào sẽ tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo từ phía Ngân hàng Nhà nước. Và nếu có thương vụ cụ thể sẽ phải xin ý kiến cổ đông.

NHNN đề cử người cho vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc

10h20: Giới thiệu ứng viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới (2014-2019).

Trong 7 ứng viên tham gia ứng cử HĐQT (không có Chủ tịch Phạm Huy Hùng), có 6 thành viên đương nhiệm và sự xuất hiện mới của ông Lê Đức Thọ. Ông Thọ gắn bó cùng Vietinbank từ năm 1991, từng là Phó Tổng giám đốc của Vietinbank trước khi được điều động và bổ nhiệm chức Chánh văn phòng NHNN hồi tháng 8/2013.

Ngoài ra, IFC tiếp tục cử ông Michael Knight Ipson vào HĐQT Vietinbank nhiệm kỳ 2014-2019, tuy nhiên do các quy định của pháp luật nên các cơ quan có thẩm quyền đang xem xét và Vietinbank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường bầu bổ sung ông vào HĐQT.

Theo thông tin từ Đại hội, Ngân hàng Nhà nước đề cử ông Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1973, đang là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietinbank) giữ chức Chủ tịch HĐQT, còn ông Lê Đức Thọ giữ chức Tổng giám đốc ngân hàng nhiệm kỳ 2014-2019.

 

 

Trực tuyến ĐHĐCĐ Vietinbank: Ông Phạm Huy Hùng về hưu, Tân Chủ tịch HĐQT sinh năm 1973

Ông Nguyễn Văn Thắng (trái) và ông Phạm Huy Hùng (phải) tại buổi trao quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc Vietinbank cho ông Nguyễn Văn Thắng vào cuối năm 2011.

10h00: Ông Phạm Huy Hùng - Chủ tịch Vietinbank cho biết vụ án Huỳnh Thị Huyền Như là sự cố rủi ro đáng tiếc không lường trước được. Vụ án đã trải qua giai đoạn xét xử sơ thẩm, nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến việc xác định bản chất sự thật khách quan của vụ án sẽ được Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TPHCM xem xét, đánh giá và quyết định bằng bản án có hiệu lực pháp luật.

Hiện ban điều hành đã xử lý nghiêm cá nhân và Ban giám đốc chi nhánh TPHCM để xảy ra vụ Huyền Như và đã tăng cường công tác kiểm soát. Ban lãnh đạo cam kết Vietinbank chịu trách nhiệm hoàn toàn, đầy đủ các giao dịch khác.

09h30: Chủ tịch Phạm Huy Hùng là Tiến sỹ kinh tế. Ông sinh năm 1954, nay đã đến tuổi hưu.

Ông đã có 34 năm gắn bó cùng Vietinbank kể từ năm 1980 và kênh qua nhiều vị trí khác nhau. Ông chính thức giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Vietinbank kể từ tháng 11/2007. Ngoài ra, ông còn là Phó Chủ tịch Ngân hàng liên doanh Indovina.

Tính đến cuối năm 2013, ông Hùng cùng vợ đang sở hữu 18,161 cp CTG (tương đương với 0.000487% vốn).

08h05: Đại hội bắt đầu

 

Trực tuyến ĐHĐCĐ Vietinbank: Ông Phạm Huy Hùng về hưu, Tân Chủ tịch HĐQT sinh năm 1973

ĐHĐCĐ thường niên của Vietinbank sáng ngày 29/04 tại Hà Nội.

Trước Đại hội

Vietinbank sẽ thay đổi Chủ tịch?

Ông Phạm Huy Hùng – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Vietinbank (HOSE: CTG) đã thôi làm đại diện vốn cho Ngân hàng Nhà nước do đã đến tuổi hưu, ông cũng không có tên trong danh sách 7 ứng viên HĐQT nhiệm kỳ mới (2014-2019) của Vietinbank tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 diễn ra sáng 29/04.

Trong 7 ứng viên tham gia ứng cử HĐQT, có 6 thành viên đương nhiệm và sự xuất hiện mới của ông Lê Đức Thọ. Ông Thọ gắn bó cùng Vietinbank từ năm 1991, từng là Phó Tổng giám đốc của Vietinbank trước khi được điều động và bổ nhiệm chức Chánh văn phòng NHNN hồi tháng 8/2013.

Ngoài ra, IFC tiếp tục cử ông Michael Knight Ipson vào HĐQT Vietinbank nhiệm kỳ 2014-2019, tuy nhiên do các quy định của pháp luật nên các cơ quan có thẩm quyền đang xem xét và Vietinbank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường bầu bổ sung ông vào HĐQT.

Với sự rút lui của ông Phạm Huy Hùng khỏi HĐQT, ai trong 7 thành viên dưới đây sẽ là Tân Chủ tịch HĐQT Vietinbank?

Danh sách ứng viên HĐQT Vietinbank nhiệm kỳ 2014-2019

 

TT

Họ và tên

 

Chức danh hiện tại

 

Chức danh dự kiến bầu

1

Ông Nguyễn Văn Thắng

Ủy viên HĐQT  kiêm Tổng giám đốc Vietinbank, đại diện vốn Nhà nước

UV HĐQT

2

Ông Lê Đức Thọ

Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện vốn Nhà nước

UV HĐQT

3

Ông Cát Quang Dương

Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, Ủy viên HĐQT Vietinbank, đại diện vốn Nhà nước

UV HĐQT

4

Bà Nguyễn Hồng Vân

Ủy viên HĐQT Vietinbank

UV HĐQT

5

Ông Phạm Huy Thông

Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Vietinbank

UV HĐQT

6

Ông Hiroyuki Nagata

Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Vietinbank

UV HĐQT

7

Ông Go Watanabe

Ủy viên HĐQT Vietinbank

UV HĐQT

 

Hiện HĐQT đương nhiệm của Vietinbank có 10 thành viên, trong đó có 3 thành viên là người nước ngoài (đại diện vốn cho IFC và BTMU, hai tổ chức này đang nắm giữ 21.75% vốn ngân hàng). Ngoài ông Phạm Huy Hùng, ba nhân vật còn lại trong HĐQT đương nhiệm không có tên trong danh sách ứng cử cho nhiệm kỳ mới gồm: Bà Đỗ Thị Thủy, bà Nguyễn Thị Bắc và ông Michael Knight Ipson.

Về phía Ban kiểm soát, 3 ứng viên đều là những thành viên của nhiệm kỳ cũ: Bà Trần Thị Lệ Nga (trưởng ban kiểm soát), bà Phạm Thị Thơm và bà Vũ Thị Bích Hồng.

Kế hoạch lãi trước thuế 7,280 tỷ đồng

Vietinbank sẽ trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 7,280 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức là 10%. Thù lao của HĐQT và BKS năm 2014 dự kiến là 0.33% lợi nhuận sau thuế. Còn năm 2013 ở mức 0.29%.

Bên cạnh đó, HĐQT ngân hàng cũng sẽ xin cổ đông thông qua các chỉ tiêu khác bao gồm tổng tài sản tăng 11% lên 640,000 tỷ, nguồn vốn huy động tăng 12% lên 573,000 tỷ, dư nợ tín dụng tăng 13% lên 519,458 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Vốn điều lệ giữ nguyên mức 37,234 tỷ đồng.

Trong năm 2013, Vietinbank đạt 7,751 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 5% so với năm 2012 và tương đương 103% kế hoạch năm. Tỷ lệ cổ tức 10%.

Các công ty trực thuộc của Vietinbank đều có lãi trong năm 2013 như Chứng khoán Vietinbank – VietinbankSc (CTS) lãi trước thuế 85.6 tỷ, Cho thuê tài chính Vietinbank lãi 90 tỷ, Bảo hiểm Vietinbank (Bảo Ngân) lãi 48 tỷ, Quản lý quỹ Vietinbank (Vietinbank Capital) lãi 63 tỷ đồng…

Đại hội cũng sẽ bàn về chủ trương mua loại hình Bảo hiểm trách nhiệm thành viên HĐQT – Cấp quản lý (bảo hiểm D&O) hàng năm nhằm đảm bảo tuân thủ yêu cầu thỏa thuận chính sách về bảo hiểm giữa Vietinbank và các đối tác BTMU và IFC, tránh được rủi ro pháp lý có thể xảy ra liên quan đến việc vi phạm hợp đồng và các tổn thất có thể xảy ra, đảm bảo quá trình hoạt động của Vietinbank hiệu quả và an toàn.

Thanh Nụ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trực tuyến ĐHĐCĐ Vietinbank: Ông Phạm Huy Hùng về hưu, Tân Chủ tịch HĐQT sinh năm 1973