Trực tuyến ĐHĐCĐ MBS: Lên kế hoạch niêm yết vào năm 2015

28/04/2014 09:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 28/04, CTCP Chứng khoán MB (MBS) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2014 để thông qua chủ trương niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) vào năm 2015.

Theo đó, ĐHĐCĐ thống nhất ủy quyền cho HĐQT chuẩn bị, hoàn tất hồ sơ cần thiết và tiến hành thực hiện các thủ tục theo yêu cầu ngay từ năm 2014 để đến năm 2015, MBS có thể niêm yết trên HNX.

12h00: Đại hội thông qua tất cả các tờ trình

Về kết quả bầu cử, các thành viên được đề cử và HĐQT và BKS đều đã trúng cử cho nhiệm kỳ 2013-2017 để thay thế các thành viên xin từ nhiệm.

Danh sách HĐQT MBS sau Đại hội:

  1. Bà Cao Thúy Nga
  2. Ông Hoàng Minh Tuấn
  3. Bà Đặng Thúy Dung
  4. Ông Trần Hải Hà
  5. Bà Đoàn Kim Dung

Hiện MBS chưa bầu lại Chủ tịch HĐQT.

10h45: Đại hội thảo luận

Việc thay đổi nhận sự có ảnh hưởng gì đến chiến lược MBS trong năm tới?

Đại diện MBS khẳng định là có nhưng theo hướng tốt hơn vì MBS đang có cơ cấu hoạt động và dịch vụ tốt. Bên cạnh đó, nhân sự mới là những người có khả năng quản lý, kiểm soát rủi ro và hiểu rõ về thị trường chứng khoán. Điều này sẽ tạo ra sự thay đổi mới tốt hơn cho MBS.

Định hướng tương lại của MBS và đối tượng khách hàng công ty hướng tới năm nay?

Trước mắt, MBS sẽ tập trung chính vào khối khách hàng cá nhân.

Hiện nay, lượng nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng dần, do đó MBS hướng đến xây dựng hệ thống công nghệ và khả năng tư vấn cao nhất để thu hút khách hàng nhà đầu tư nước ngoài về giao dịch tại Công ty.

Ngoài ra, khách hàng tổ chức ở trong nước cũng sẽ được ưu tiên trong giai đoạn sắp tới vì thị phần hiện tại của MBS ở khối khách hàng tổ chức còn rất hạn chế. Năm 2014, MBS sẽ có riêng một khối chăm sóc khách hàng tổ chức.

Nói rõ hơn về việc niêm yết trên sàn?

Nếu như điều kiện thuận lợi cho phép (thị trường chứng khoán ổn định) thì MBS sẽ bắt đầu hồ sơ ngay trong năm nay trên cơ sở lành mạnh hóa về tài chính.

Gần đây, thị trường giảm nhiều, tình hình quản trị rủi ro của MBS có đảm bảo hay không?

MBS luôn thực hiện trích lập dự phòng đẩy đủ theo quy định UBCK cũng như các khoản rủi ro do HĐQT và Ban điều hành đề ra. Bên cạnh đó, hệ thống quản trị của MBS xây dựng trên cơ sở tối ưu trong 2 năm qua và trích lập hoàn toàn các ngưỡng không margin.

Ngoài ra, MBS có một bộ phần thường xuyên xây dựng, đánh giá các kịch bản của thị trường để có phương án ứng phó tối ưu với từng kịch bản nhằm giảm rủi ro xuống mức thấp nhất.

Giải pháp nào để giảm chi phí, tăng hiệu quả 2014?

Chi phí hoạt động của MBS hàng kỳ, hàng quý, hàng tháng trong năm 2014 đều có kế hoạch giảm 5-20% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như trong việc phát triển mạng lưới, cùng với sự hỗ trợ của Ngân hàng MB thì mạng lưới sẽ đi theo ngân hàng nên tiền thuê gần như không có.

Năm 2012, MBS đã giảm 40% chi phí hoạt động, năm 2013 giảm tiếp 10% và dự kiến năm 2014 sẽ giảm thêm 5-10% nhưng vẫn đảm bảo đạt yêu cầu về doanh thu và lợi nhuận.

10h15: Chủ tịch và 3 thành viên từ nhiệm

HĐQT MBS cũng trình cổ đông về việc bầu thay thế 4 thành viên HĐQT và 1 thành viên BKS nhiệm kỳ 2013 – 2017.

Cụ thể, 4 thành viên HĐQT đã được bầu tại ĐHĐCĐ thường niên 2013 xin từ nhiệm gồm ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch và ông Nguyễn Minh Châu (từ nhiệm do MBB thay đổi người đại diện vốn) và ông Phan Phương Anh (từ nhiệm vì lý do cá nhân) và ông Quách Mạnh Hào (từ nhiệm do không thường trú tại Việt Nam),

Theo đó, danh sách ứng cử viên để Đại hội bầu vào chức danh Thành viên HĐQT MBS nhiệm kỳ 2013 – 2017:

  1. Ông Hoàng Minh Tuấn - PGĐ Khối khách hàng cá nhân tại Ngân hàng MB (đại diện tỷ lệ vốn góp 15%)
  2. Bà Đặng Thúy Dung – PGĐ Khối nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ Ngân hàng MB (đại diện 15% vốn góp)
  3. Ông Trần Hải Hà – TGĐ MBS
  4. Bà Đoàn Kim Dung – Kế toán trưởng Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB (MBCapital)

Về phía BKS, HĐQT đề cử bà Nguyễn Thị Diệp Quỳnh – Chuyên viên Khối đầu tư Ngân hàng MBB, để thay thế bà Nguyễn Thị Nguyệt Hà có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.

10h06: Không chia cổ tức 2013

Về phương án phân phối lợi nhuận 2013, HĐQT MBS cho biết sau khi trích lập các quỹ của Công ty, lợi nhuận còn lại là hơn 1.7 tỷ đồng nên sẽ không chia cổ tức 2013 do tỷ lệ chia quá thấp.

9h12: Đại hội khai mạc với 29 cổ đông trực tiếp tham dự, đại diện cho 86.2% tỷ lệ có quyền biểu quyết.

Trực tuyến ĐHĐCĐ MBS: Lên kế hoạch niêm yết vào năm 2015

ĐHĐCĐ thường niên 2014 của MBS tổ chức tại Hà Nội.

Kế hoạch lãi gấp 23 lần

Năm 2014, HĐQT MBS đã thống nhất đặt chỉ tiêu kinh doanh tăng vọt so với kết quả thực hiện năm 2013. Cụ thể, doanh thu đặt ở mức 302.2 tỷ đồng, gấp 12 lần so với năm kết quả năm trước. Trong đó doanh thu môi giới chiếm tỷ trọng 54%, đạt 163 tỷ đồng, tự doanh chiếm 37%, đạt 111 tỷ đồng, doanh thu tư vấn và doanh thu khác chiếm phần còn lại với con số lần lượt là 18 tỷ và 10.25 tỷ đồng.

Với chi phí dự kiến trong năm 2014 ở mức gần 250 tỷ đồng, lợi nhuận MBS kỳ vọng đạt 52.3 tỷ đồng, cao gấp 23 lần so với kết quả thực hiện năm 2013.

Trực tuyến ĐHĐCĐ MBS: Lên kế hoạch niêm yết vào năm 2015

HĐQT MBS cho biết, năm 2014 Công ty sẽ hiện các thương vụ M&A mang lại doanh thu và tạo dựng uy tín, vị thế trên thị trường. Hoạt động dịch vụ ngân hàng đầu tư được tập trung nhóm khách hàng mục tiêu trong các ngành: bất động sản, cơ sở hạ tầng, tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, vật liệu xây dựng, dược, bán lẻ. Bên cạnh đó, MBS cũng sẽ triển khai mạnh chương trình bán chéo sản phẩm với Ngân hàng MB (MBB).

Về hoạt động đầu tư, mục tiêu trọng tâm của MBS là tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng cắt giảm các danh mục kém chất lượng, điều chỉnh và tìm kiếm các khoản đầu tư có khả năng cho lợi tức hàng năm từ 10% trở lên và có khả năng tăng trưởng trong trung và dài hạn. Tham gia sâu vào hoạt động điều hành của các doanh nghiệp chưa niêm yết mà MBS đang nắm giữ cổ phiếu để lên các phương án thoái vốn, gia tăng hiệu quả đầu tư.

Năm 2013: Thu hồi 208 tỷ đồng nợ xấu

Theo báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh MBS trong năm 2013, thành tích nổi bật mà Công ty đạt được là không phát sinh thêm những khoản nợ xấu trong năm và đã thu hồi được 208.3 tỷ đồng nợ xấu.

Trong năm 2013, nhờ sự hỗ trợ từ phía ngân hàng mẹ MB nên dù mới chỉ đi vào hoạt động từ ngày 09/12/2013 nhưng MBS đạt 27.79 tỷ đồng doanh thu, với chi phí 25.49 tỷ đồng MBS đã lãi 2.29 tỷ đồng. Nợ phải trả năm 2013 là 1,427 tỷ đồng, chiểm 54% tổng tài sản, trong đó hệ số nợ không bao gồm tiền của nhà đầu tư và quỹ khen thưởng phúc lợi / tổng vốn chủ sở hữu là 0.8 lần.

Về thị phần, phí, tài khoản mở mới của hoạt động môi giới năm 2013 so với năm 2012 đều trên 35%. Đối với hoạt động môi giới năm năm 2013, tài khoản quản lý toàn công ty đạt 60,261 tài khoản, tăng 5,121 tài khoản so với năm 2012, thực hiên được 86.8 % so với kế hoạch tăng 136% so với năm 2012.

Sanh Tín

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trực tuyến ĐHĐCĐ MBS: Lên kế hoạch niêm yết vào năm 2015