Trực tuyến ĐHĐCĐ ACB: Nóng với hàng loạt câu hỏi, chưa có kế hoạch sáp nhập ngân hàng

14/04/2014 09:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sẽ trình cổ đông thông qua cổ tức năm 2014 là 737 tỷ đồng. Trả lời câu hỏi của cổ đông, Chủ tịch Trần Hùng Huy cho biết ACB chưa có kế hoạch mua bán và sáp nhập giữa các ngân hàng.

12h20: Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua

10h30: Nóng cùng thảo luận

Cổ đông thắc mắc về khoản vay liên quan đến Bầu Kiên đã trả lãi chưa, trích lập dự phòng như thế nào, lợi nhuận trước dự phòng bao nhiêu?

Đại diện ngân hàng cho biết, lợi nhuận trước dự phòng là 1,035 tỷ đồng, sau dự phòng còn 854 tỷ đồng.

Khoản nợ liên quan đến 6 công ty của bầu Kiên đã giảm 1,247 tỷ đồng nợ gốc trong năm 2013, phần còn lại là 5,833 tỷ đồng. Như vậy ACB đã thu về 18% tổng dư nợ, kế hoạch cho Ban điều hành trong năm 2014 sẽ thu về hơn 3,000 tỷ đồng (45% dư nợ). Toàn bộ nợ thu về là nợ gốc, phần lãi mới chỉ thu một phần, phần lãi còn lại chưa thu sẽ dồn về kỳ cuối.

Vì sao ACB không đạt kế hoạch (58% kế hoạch)? Kế hoạch tăng vốn như thế nào? ACB đăng ký VAMC bán nợ trong năm 2013, thực hiện bao nhiêu hợp đồng, có khó khăn gì không?

ACB đã bán nợ 423 tỷ đồng, 318 tỷ trái phiếu thu về, trích lập dự phòng trong 5 năm bắt đầu từ năm 2014. Qua quý 1/2014, ACB bán thêm 80 tỷ đồng, đạt mục tiêu cân bằng trong năm 2014.

Về khoản tiền gửi tại Vietinbank thì ACB đã trích lập 50% số tiền và đang chờ phán quyết cuối cùng của toàn phúc thẩm.

Hiện ACB chưa có kế hoạch tăng vốn, tỷ lệ an toàn vốn cao, dự kiến đến hết quý 2/2015 ACB mới có nhu cầu tăng vốn.

Tình hình ACB trong những tháng đầu năm 2014 ra sao? Cổ đông nước ngoài có cam kết đầu tư lâu dài tại ACB và có ý định nâng room tại ngân hàng không? ACB có nắm cổ phiếu ngân hàng khác không, xử lý sở hữu chéo tới đâu? ACB có phát triển mạnh ACBS (Công ty chứng khoán ACB) và ACBA (công ty quản lý quỹ) không?

Kế quả kinh doanh quý 1/2014 của ACB đạt 303 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, ACB đã trích lập một phần dự phòng đã đặt ra từ đầu năm (khác với mọi năm là việc trích lập thực hiện trong quý 4).

Đại diện cổ đông nước ngoài trong HĐQT của ACB cho biết, hai quỹ đầu tư ngoại đã đầu tư vào ACB kể từ năm 1990, đến năm 2005 thì Ngân hàng Standard Charter đầu tư vào ACB và trở thành nhà đầu tư chiến lược. Nhà đầu tư ngoại cam kết hỗ trợ để ACB tiếp tục phát triển. Standard Charter khẳng định đầu tư lâu dài, hỗ trợ ACB vượt qua khủng hoảng. Standard Charter có kế hoạch nâng mức đầu tư vào ACB và cam kết là nhà đầu tư chiến lược lâu dài.

Về sở hữu chéo, đến hôm nay, ACB đã bán 90% cổ phiếu các ngân hàng khác, sắp tới sẽ tất toán hết khi thị trường thuận lợi.

ACBS và các công ty con khác của ACB sẽ vẫn đóng góp vào hiệu quả chung của ngân hàng.

Tại sao tổng tài sản đến cuối năm 2013 giảm so với năm trước?

Do ACB cơ cấu lại danh mục tài sản theo hướng tăng tài sản sinh lời, giảm hoạt động liên ngân hàng.

 

Trực tuyến ĐHĐCĐ ACB: Nóng với hàng loạt câu hỏi, chưa có kế hoạch sáp nhập ngân hàng

Cổ đông tham dự đại hội

Về việc mua bán cổ phiếu quỹ?

Hệ số an toàn vốn của ACB đạt trên 14% ở mức an toàn, ACB quyết định mua cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu ACB tốt, nếu thị trường phát triển tốt hơn ngân hàng sẽ bán lại và mang về lợi nhuận cho cổ đông.

Số tiền trong vụ án Huyền Như hơn số tiền phân phối lợi nhuận 2013, là một trong những thiệt hại của cổ đông. Tại sao về mặt tố tụng ACB lại trở thành bị hại trong vụ án hình sự? Sao ACB không là nguyên đơn, đứng vai trò là khách hàng của Vietinbank để đòi quyền lợi chính đáng của mình?

Ông Trần Hùng Huy cho biết đúng là số tiền trả cổ tức 2013 nhỏ hơn số tiền trong vụ án Huyền Như.

Luật sư của ACB tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn, đang chờ kết quả phúc thẩm, ACB hy vọng sẽ thu hồi được khoản tiền này.

Một cổ đông đồng thời là khách hàng doanh nghiệp tại ACB cho biết quy định cho vay của ngân hàng có thể mất cạnh tranh cao. Tín hiệu thị trường tốt lên, các ngân hàng khác đưa ra chính sách mới cho doanh nghiệp rất hấp dẫn, thậm chí cho vay tín chấp 100%. Nếu ACB không đối mặt với cạnh tranh thì khách hàng khó có thể làm ăn lâu dài với ngân hàng.

Đại diện ACB trả lời tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo là nguyên tắc chung, tùy theo từng khách hàng tỷ lệ này có thể cao hơn.

Hiện ACB có các thay đổi về tiêu chuẩn khách hàng nhưng ACB vẫn phải đảm bảo tài sản của cổ đông, không để xảy ra các thiệt hại hay nợ xấu.

Biện pháp phân hạn quyền hạn HĐQT với Ban điều hành để tránh tình trạng cổ đông lớn ảnh hưởng hoạt động ngân hàng? NHNN có chủ trương sáp nhập các ngân hàng với nhau, ACB có chủ trương sáp nhập nào không?

Ông Trần Hùng Huy cho biết chiến lược của ACB là bền vững và hiệu quả, ACB chưa có kế hoạch mua bán và sáp nhập. Mỗi ngân hàng có tiềm năng riêng, tại Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển.

Chiến lược quản lý rủi ro của ACB, theo quy định thể hiện rõ ràng, theo Luật tín dụng mới, ACB đã tuân thủ theo quy định không phân biệt khách hàng bên trong hay bên ngoài ngân hàng. Xây dựng khối quản lý rủi ro do người nước ngoài điều hành.

Vì sao nợ xấu tăng cao, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn? Trong đây có bao nhiêu nợ liên quan đến bầu Kiên? Phải chăng ACB đang thiếu những nhân tố đủ bản lĩnh để đưa ACB phát triển trở lại? Khi nào ACB đưa cổ tức ngân hàng về mức cao như trước?

Đại diện ngân hàng cho biết, từ năm 2012 đến nay, các chỉ tiêu cơ bản sụt giảm do chịu tác động từ sự cố tháng 08/2012 và khó khăn từ kinh tế vĩ mô. Năm 2013, ACB đã phục hồi lượng khách hàng, xây dựng bảng tài sản lành mạnh hơn trước.

Về cổ tức, trong lịch sử 20 năm phát triển của ACB luôn đạt kết quả kinh doanh cao giúp cổ tức cao, tuy nhiên các sự cố những năm vừa rồi đã ảnh hưởng không nhỏ. Với chiến lược mới hy vọng trong vòng 2-3 năm nữa ACB sẽ chia cổ tức đạt kỳ vọng cổ đông.

Về hoạt động kinh doanh vàng trong 2013, ACB lỗ 262 tỷ đồng, trong đó đóng trạng thái vàng còn sót lại (đóng chưa hết trong năm 2012) lỗ 122 tỷ, lỗ bổ sung 140 tỷ do mua vàng cho vay. Kết thúc năm 2013, ACB đã chấm dứt tất toán trạng thái vàng và không có lỗ tiềm ẩn. ACB đã chuyển cho vay sang tiền đồng, tuy lãi thấp nhưng không có lỗ.

Nợ xấu của ACB tăng do kinh tế vĩ mô, nhu cầu vay vốn suy yếu, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng. Năm 2013 ACB đã cơ cấu lại nợ, mặc dù nợ xấu tăng nhưng vẫn thấp hơn bình quân ngành, các nợ xấu đều có tài sản đảm bảo.

Toàn bộ dư nợ liên quan đến bầu Kiên đều có tài sản đảm bảo và ACB sẽ thu trong vòng 3 năm từ 2013-2015 theo tờ trình NHNN đã thông qua.

Có vẻ như ACB đang hoạt động không có định hướng, khi nào ACB mới quay lại thời kỳ phát triển như trước?

Ông Trần Hùng Huy cho biết ACB phát triển về chất thay vì phát triển về lượng để đảm bảo an toàn hiệu quả, xây dựng năng lực cạnh tranh. Nền tảng của ACB tập trung vào khách hàng, quản lý tài chính bền vững, đạo đức kinh doanh…

Lợi nhuận còn lại chưa chia ACB sử dụng như thế nào? Quỹ phúc lợi sử dụng mục đích gì?

Trong báo cáo thường niên gửi UBCKNN, Sở GDCK Hà Nội công bố thông tin nguồn tiền mua cổ phiếu quỹ từ lợi nhuận chưa phân phối. Về quỹ phúc lợi sử dụng cho nhân viên như sinh nhật, thưởng…

Trực tuyến ĐHĐCĐ ACB: Nóng với hàng loạt câu hỏi, chưa có kế hoạch sáp nhập ngân hàng

10h00: Kế hoạch lãi trước thuế 1,189 tỷ đồng năm 2014

Ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch HĐQT ACB trình đại hội kế hoạch 2014

ACB trình đại hội kế hoạch tổng tài sản cuối năm 2014 tăng 14% so với đầu năm lên 190,000 tỷ đồng. Tiền gửi huy động khách hàng và tín dụng cùng tăng trưởng 13%, tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%.

Ngân hàng đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 1,189 tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện năm trước, trong đó lợi nhuận chia cổ tức cho cổ đông dự kiến 737 tỷ đồng.

09h25: Chia cổ tức tỷ lệ 7% năm 2013

Đại diện ngân hàng trình bày kết quả hoạt động năm 2013 của ACB.

Năm 2013, ACB đạt 1,035 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tỷ lệ chia cổ tức sẽ trình cổ đông là 7% (645 tỷ đồng).

Về kết quả hoạt động của các công ty con, Công ty TNHH MTV Chứng khoán ACB (ACBS) lãi 87.6 tỷ, Công ty TNHH MTV Cho thuê tài chính Ngân hàng Á Châu (ACBL) lãi 51.7 tỷ và Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ ACB (ACBC) lãi 3 tỷ đồng. Riêng Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác Tài sản Ngân hàng Á Châu (ACBA) lỗ 4.2 tỷ đồng. Lợi nhuận từ các công ty liên kết trong năm 2013 của ACB đạt 1.8 triệu đồng.

 

Lợi nhuận qua các năm của ACB (tỷ đồng)

Trực tuyến ĐHĐCĐ ACB: Nóng với hàng loạt câu hỏi, chưa có kế hoạch sáp nhập ngân hàng

09h10: Đại hội khai mạc với tỷ lệ số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự là 71.52%

* ĐHĐCĐ ACB năm 2013: Vẫn nóng về 9,400 tỷ đồng dư nợ liên quan đến bầu Kiên

* Những cục tiền ngàn tỷ "đầy ám ảnh" của ACB nay ra sao?

Trực tuyến ĐHĐCĐ ACB: Nóng với hàng loạt câu hỏi, chưa có kế hoạch sáp nhập ngân hàng

Hình ảnh trước giờ diễn ra Đại hội

Một số sự kiện chính trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014

+ 04/01/2013: Buộc ACB bàn giao hội sở chính đang thuê cho chủ cũ. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín vừa ký văn bản số 6497/UBND-PCNC ngày 15/12/2012 giải quyết khiếu nại của bà Vương Thị Khanh và ông Phan Bình liên quan đến căn nhà 446 - 448 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TPHCM).

+ 26/04/2013: Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2013, Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn cho biết, ACB đã thoái toàn bộ vốn tại Eximbank (EIB), DaiABank, KienLongBank và sẽ tiếp tục thoái toàn bộ gần 5% vốn tại Vietbank.

+ 20/01/2014: Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Quang Tuấn, thành viên thường trực HĐQT ACB về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Viện KSND tối cao đã quyết định phục hồi điều tra đối với ông Phạm Trung Cang, nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB.

 

+ 21/01/2014: Ông Huỳnh Quang Tuấn đã có đơn từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013-2017 từ ngày 20/01/2014 vì lý do tuân thủ quy định của pháp luật. Ông Huỳnh Quang Tuấn đã ký biên bản họp thường trực HĐQT ngày 7-6-2011 với nội dung thường trực HĐQT ACB ra chủ trương ủy thác cho nhân viên mang tiền gửi vào các tổ chức tín dụng.

+ 23/02/2014: Điều tra 22 ngân hàng nhận tiền gửi vượt trần. Liên quan đến vụ án Nguyễn Đức Kiên, ngoài vụ ủy thác gửi tiền cho nhân viên mang gần 720 tỷ đồng gửi vào Vietinbank, từ ngày 26/01-22/09/2011, lãnh đạo ACB còn ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào 22 ngân hàng hơn 28,300 tỉ đồng và đã thu lãi hơn 1,160 tỉ đồng. Trong số này lãi vượt trần trên 240 tỷ đồng. Ban chuyên án đã tách vụ án nhận tiền gửi vượt trần của các ngân hàng để tiếp tục điều tra.

+ 27/02/2014: Mua lại tối đa 33.86 triệu cp (3.67%) ACB làm cổ phiếu quỹ với giá 12,000-19,000 đồng/cp từ 24/03 đến 23/04. Trước đó, trong năm 2013, ACB đã mua được 16,181,131 cp quỹ trong số 55,478,000 cp đăng ký mua lại tối đa. Mức giá bình quân thực hiện là 16,008 đồng.

Minh Hằng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trực tuyến ĐHĐCĐ ACB: Nóng với hàng loạt câu hỏi, chưa có kế hoạch sáp nhập ngân hàng