Trời rét, bệnh nhân nhập viện do đột quỵ tăng mạnh

Thảo Nguyên - Anh Dũng| 24/02/2022 20:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đặc biệt, tại một số bệnh viện, tình trạng người già và trẻ nhỏ nhập viện có xu hướng gia tăng.

Khoảng 9h sáng, một cụ ông 90 tuổi vào nhập viện Bệnh viện E (Hà Nội) trong tình trạng sốt cao, ho nhiều. Người nhà cho biết, ông từ ngoài về nhà, vừa ngồi được mấy phút thì ngã xuống đất, chân tay co quắp, gia đình gọi xe cấp cứu đưa ông vào bệnh viện.

Hà Nội nhiệt độ giảm sâu, cộng với mưa rét rất dễ khiến người cao tuổi có bệnh lý nền về tim mạch gặp đột quỵ. Từ Tết ra đến nay, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim do trời rét.

cap-cuu-dot-quy.jpeg
Các bác sĩ liên tục theo dõi sức khỏe bệnh nhân tại phòng cấp cứu.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), từ sau Tết, số bệnh nhân cao tuổi nhập viện vì đột quỵ có xu hướng tăng từ 10-20%. Thậm chí có những ngày bệnh viện tiếp nhận từ 5-7 bệnh nhân nhập viện.

Còn tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, những ngày này, Khoa Đột quỵ của bệnh viện thường tiếp nhận từ 4-5 ca bệnh. Số bệnh nhân đột quỵ vào điều trị tại Bệnh viện Quân y 103 cũng tăng. Trung bình mỗi ngày, Khoa Đột quỵ của bệnh viện này tiếp nhận khoảng 5 trường hợp nhập viện, đa số diễn tiến nặng.

Những ngày mưa rét cũng khiến công tác cấp cứu điều trị cho người cao tuổi ở Bệnh viện Lão khoa Trung ương trở nên tất bật hơn. Mỗi ngày Khoa Cấp cứu và Đột quỵ của Bệnh viện tiếp nhận 50 bệnh nhân vào nhập viện. Các trường hợp nhập viện liên quan chủ yếu đến các bệnh lý hô hấp, tim mạch như viêm phổi, tai biến mạch máu não, đột quỵ…

dot-quy-2.jpeg
Hình ảnh bệnh nhân chảy máu não

Các bác sĩ cho biết, đột quỵ não là bệnh xảy ra đột ngột, không thể dự báo trước. Đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp là yếu tố bất lợi khiến huyết áp tăng cao, dẫn tới lượng bệnh nhân đột quỵ gia tăng. Trong đó, số người đột quỵ chảy máu não tăng lên khoảng 50% trong các trường hợp đột quỵ.

Tuổi trung bình của các bệnh nhân khoảng trên dưới 66, tỷ lệ nam giới cao hơn nữ. Nhiều bệnh nhân khởi phát đột quỵ tại thời điểm đi vệ sinh ban đêm, rời nhà tắm, mở cửa ra ngoài lúc sáng sớm...

Nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời sẽ để lại những di chứng nặng nề. Để phòng ngừa tai biến, đột quỵ, theo khuyến cáo của các bác sĩ: Người cao tuổi cần chú ý giữ ấm cơ thể, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi phát hiện người cao tuổi có dấu hiệu tai biến, đột quỵ, tuyệt đối không sơ cấp cứu bằng cách cạo gió, xức dầu, chích máu 10 đầu ngón tay, chân hoặc di chuyển quá mạnh…

Cần gọi cấp cứu đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Bởi thời gian vàng để bệnh nhân nhồi máu não được tái thông mạch não bằng thuốc là trong vòng 4,5 giờ kể từ khi khởi phát. Bệnh nhân tắc mạch máu lớn có thể can thiệp trong 6 giờ kể từ khi khởi phát, nếu để muộn hơn thì nguy cơ di chứng sẽ rất nặng.

BS Phạm Xuân Hiếu - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện E cho biết, nhiều người cao tuổi khi có các dấu hiệu bệnh lại tự chữa trị bằng cách mua thuốc uống hoặc bấm huyệt; đến khi bệnh trở nặng mới vào viện, khi đó đã qua thời gian vàng cứu chữa. Bệnh nhân nhồi máu cơ tim, đột quỵ não nếu được cấp cứu nhanh trong thời gian vàng thì tỷ lệ cứu sống cao; để chậm, bệnh nhân có nguy cơ hôn mê, tử vong, nhẹ hơn có thể bị liệt, tàn tật sau này...

Do đó, bác sĩ khuyến cáo trong những ngày thời tiết rét đậm kéo dài, mọi người, nhất là người cao tuổi luôn phải mặc ấm, hạn chế tối đa việc ra ngoài vào ban đêm hoặc dậy sớm tập thể dục khi ngoài trời lạnh sâu. Tránh những nơi gió lùa, không nên thay đổi cơ thể nóng lạnh đột ngột, ăn đủ chất dinh dưỡng, kiểm soát huyết áp.

Không tập trung đông người và thực hiện nghiêm quy định 5K; không tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh khi chưa được khám và tư vấn của bác sĩ. Những người mắc bệnh mãn tính như: Tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường... tuyệt đối tuân thủ y lệnh của bác sĩ trong quá trình theo dõi sức khỏe và sử dụng thuốc điều trị bệnh tại nhà.

Không chỉ người cao tuổi, liên tiếp những ngày qua, trời rét đậm kéo dài cũng khiến nhiều trẻ nhỏ nhập viện. Số liệu của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, những ngày rét đậm, số trẻ được gia đình đưa tới khám và nhập viện có ngày lên đến 2.000 trường hợp.

Còn tại Khoa nhi của các bệnh viện như Bạch Mai, Xanh Pôn… số trẻ tới khám và nhập viện do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại gây ra cũng tăng. Trong đó thời tiết lạnh khiến trẻ rất dễ mắc các bệnh lý hô hấp, trong đó có Covid-19.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trẻ em cần được bổ sung dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng, tập luyện nhằm tránh thừa cân béo phì, kiểm soát tốt các bệnh mãn tính, tránh nhiễm lạnh, bảo đảm thông khí tốt trong môi trường sống, học tập; vệ sinh bàn tay thường xuyên, sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc với người khác...

Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ: Sốt, viêm đường hô hấp... cần tránh tiếp xúc với người khác khi chưa có kết quả xét nghiệm, tránh trường hợp để trẻ mải chơi bị nhiễm lạnh. Sử dụng nước muối sinh lý vệ sinh mũi, họng cho trẻ thường xuyên và đặc biệt cần chú trọng dinh dưỡng cho trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trời rét, bệnh nhân nhập viện do đột quỵ tăng mạnh