Nhiều năm gần đây, thời tiết miền Bắc và miền Trung đang có dấu hiệu ngày một rét, khiến người dân tại một số địa phương thường đốt than,... để sưởi ấm. Đây là thói quen vô cùng nguy hiểm, khiến số lượng người tử vong gia tăng.
Nhiều năm trở lại đây, thời tiết chuyển sang đông đã chứng kiến rất trường hợp ngộ độc do sử dụng than để sưởi ấm. Nguyên nhân chính thường là nổ máy ô tô, xe máy, đốt than trong phòng ngủ, nhà chật hẹp lại đóng kín cửa, việc cháy sẽ đốt hết khí ôxy, sản sinh ra khí CO gây ngộ độc. Với đặc điểm của khí CO là không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ.
Mới đây, vào ngày 11/1/2021, do trời quá lạnh, bé gái 15 tuổi cùng em họ 13 tuổi ở Quảng Bình mang chậu than nóng vào phòng ngủ sưởi ấm. Sáng hôm sau người nhà phát hiện cả 2 đã bất tỉnh trên giường.
2 bé được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện huyện, song bé 15 tuổi đã tử vong. Bé 13 tuổi bị ngộ độc nặng, được chuyển vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới vào sáng hôm sau. Hiện bệnh nhi hôn mê sâu, thở máy, huyết áp tụt, nguy cơ tử vong cao. Bác sĩ xác định, 2 cháu bị ngộ độc khí CO do than sưởi.
Ngộ độc khí than là bệnh lý điển hình của tình trạng thiếu ôxy não, trong khi các tế bào chất xám chỉ huy mọi hoạt động của con người, rất nhạy cảm với tình trạng thiếu ôxy.
Vì vậy, khi ngộ độc khí than, các tế bào này sẽ tổn thương trước. Quá trình nhiễm độc khí xảy ra rất nhanh, khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy có điều gì đó bất thường cũng là lúc con người không còn khả năng kháng cự rồi lịm dần.
Trường hợp ngộ độc nặng thường sẽ dẫn tới tử vong, trường hợp nhẹ sẽ gây nên những tổn thương não khó hồi phục nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
Ngộ độc khí than thường là các triệu chứng tản mạn và không đặc hiệu. Nếu ngộ độc nhẹ thường chỉ thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, nôn, mệt mỏi... làm người bệnh dễ nhầm với nhiều bệnh lý khác.
- Ngộ độc vừa: Nạn nhân thấy đau ngực, khó tập trung, nhìn mờ, khó thở khi gắng sức nhẹ, mạch nhanh, thở nhanh, hoại tử cơ, thất điều.
- Ngộ độc nặng: Thấy đau ngực, hồi hộp, mất định hướng, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, thiếu máu cơ tim, bỏng da, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ. Có thể bị ngất, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân, khó thở, thở trào bọt hồng. Tay chân sưng đau, nước tiểu sẫm màu, đỏ và ít dần.
Người bị ngộ độc khí CO thường ở trong phòng đóng kín cửa nhưng có động cơ đang nổ như: xe máy, máy phát điện hoặc bếp than, củi. Khi phát hiện người thân có triệu chứng của ngộ độc than khí, chúng ta cần nhanh chóng mở các cửa, khẩn trương đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc, đưa vào nơi thoáng khí, làm các động tác hô hấp nhân tạo, đồng thời chuẩn bị đưa đến cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất để được xử lý và điều trị kịp thời bởi ngộ độc mức độ CO trên 60% thì tỷ lệ hôn mê và tử vong cao.
Theo các bác sĩ và chuyên gia y tế, người dân tuyệt đối không được sưởi ấm bằng than củi và đóng kín cửa. Ngoài ra hạn chế nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, ôxy trong không khí sẽ tiêu hao dần, khí CO hoặc CO2 độc hại sẽ ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên kiểm tra thiết bị an toàn của bếp gas, lò sưởi, hệ thống thông hơi. Tuyệt đối không đặt máy phát điện ở nơi kín như tầng hầm, nhà để xe hoặc để gần cửa phòng ở. Ở nơi làm việc có khí CO như lò gạch, lò luyện kim, xưởng máy... phải đo nồng độ CO định kỳ và có biện pháp xử lý để nồng độ CO không vượt quá ngưỡng cho phép...