Trở lại nơi Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn "nếm mật nằm gai" chống quân Minh

Thanh Phương| 02/03/2018 20:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Núi Chí Linh (Pù Rinh) thuộc phần lớn địa phận 2 xã Giao An và Trí Nang (Lang Chánh, Thanh Hóa) là nơi căn cứ địa nổi tiếng, “nơi ra đi, chốn quay về” trong 10 năm chống giặc Minh của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn.

Từ trước tới nay, nhiều người nhầm tưởng núi Chí Linh được nhắc tới trong “Bình ngô đại cáo” thuộc địa phận tỉnh Hải Dương. Tuy nhiêun, theo nhiều sử sách, trong thời gian nếm mật nằm gai cùng nghĩa quân Lam Sơn, Lê Lợi đã không ít lần lui quân về núi Chí Linh (hay còn gọi là Pù Rinh cao 1291m) thuộc địa phận huyện Lang Chánh. Đây là vùng núi cao có địa bàn tương đối hiểm trở với những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, thuận lợi cho việc ẩn nấp và đánh du kích. Hiện còn rất nhiều câu chuyện, tích, danh thắng mà Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn được người dân Lang Chánh lưu truyền, phục dựng và bảo vệ.

Trở lại nơi Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn

Miếu thờ nghĩa quân Lam Sơn trên núi Chí Linh, Lang Chánh

Lam Sơn nơi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, có tên nôm là làng Cham (thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Theo sử sách ghi lại, năm 1416, Lê Lợi và 18 người bạn thân tín đã tổ chức Hội thề Lũng Nhai (làng Lũng Nhai, nay thuộc xã Ngọc Phụng huyện Thường Xuân, cách Lam Sơn khoảng 10km về phía tây). Năm Mậu tuất (1418) tại núi rừng Lam Sơn, Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương cùng toàn thể nghĩa quân dựng cờ khởi nghĩa, truyền hịch kêu gọi nhân dân khắp nơi đứng lên chống ách đô hộ của nhà Minh.

Trở lại nơi Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn

Địa thế núi Chí Linh hiểm trở, cây cối um tùm, thuận lợi cho việc ẩn nấp và đánh du kích

Hay tin Lê Lợi dấy nghĩa, quân Minh đã tập trung lực lượng đàn áp nghĩa quân ngay từ những ngày đầu thành lập. Trước tình thế cấp bách, Lê Lợi phải rời quân về Mường Mọt (một mường lớn của châu Lang Chánh, nay là xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân). Quân địch vẫn vây ráp và lùng sục ráo riết, Lê Lợi rút sâu vào vùng núi Chí Linh. Bằng kế cho Lê Lai cải trang thành “Chúa Lam Sơn” tiến đánh quân Minh thì Lê Lợi và nghĩa quân mới thoát cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Sau này, trước sự khủng bố, tàn sát dã man của quân giặc, Lê Lợi còn không ít lần lui quân về địa bàn rừng núi Lang Chánh để củng cố và bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến phía trước. Đồng bào dân tộc ở địa bàn Lang Chánh đã đùm bọc, đồng cam cộng khổ cùng nghĩa quân chiến đấu với quân thù. Đây được xem là địa bàn chiến lược để nghĩa quân nương náu và phát triển hùng mạnh, giành thắng lợi sau này.

Trở lại nơi Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn

Suối Láu (xã Giao Thiện), nơi tiền nhân đổ bát rượu "hòa nước sông chén rượu ngọt ngào"

Đã hơn 600 năm trôi qua, những câu chuyện về vua Lê Lợi hành quân cùng nghĩa quân Lam Sơn chiến đấu ác liệt với quân giặc vẫn được bà con dân tộc Lang Chánh truyền tai nhau. Những địa danh, nơi Lê Lợi thoát khỏi sự vây ráp của quân thù hay sau khi lên ngôi vua đặt tên được giữ đến ngày nay. Theo chân cán bộ văn hóa huyện, PV có dịp băng rừng, lội suối thăm lại căn cứ địa của nghĩa quân năm xưa. Không ít trong số đó đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của huyện Lang Chánh. Chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn đọc ở các bài viết sau. Với tầm vóc của địa bàn chiến lược, nhiều sự kiện then chốt trong cuộc chiến chống quân Minh, thì các địa danh tại Lang Chánh chưa được được khai thác hiệu quả.

Trao đổi với PV, Trưởng phòng Văn hóa huyện Lang Chánh Lê Thị Tâm cho hay: Lang Chánh là một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, nơi có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Với hệ thống rừng nguyên sinh phong phú, khí hậu quanh năm mát mẻ, sông suối, thác nước đẹp, nhiều hang động núi đá vôi kỳ thú, cảnh quan sinh thái nguyên sơ, nhiều di tích lịch sử văn hóa giá trị, phong tục, tập quán và sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Thái và đồng bào dân tộc Mường. Trong mấy năm gần đây phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái là hai loại hình du lịch đã được lãnh đạo huyện chú trọng bởi ngoài việc đem lại lợi ích kinh tế - xã hội, khai thác loại hình du lịch này còn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, bản sắc tộc người, giữ gìn cảnh quan tự nhiên.

Trở lại nơi Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn

Trưởng phòng Văn hóa huyện Lang Chánh Lê Thị Tâm trao đổi với PV

Đặc biệt, nhiều danh lam gắn với cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh. Đó là Di tích lịch sử văn hoá Chùa Mèo; Danh lam thắng cảnh Thác Ma Hao; Bản Nguyên sơ bản Năng Cát, xã Trí Nang. Ngoài ra còn có nhiều điểm du lịch được sử sách ghi lại gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, như: Suối Vớ, tại xã Giao An, nơi xưa kia Nguyễn Trãi lấy mật viết lên lá cây, để kiến đục thủng, thay cho lời của Trời và thần linh với nội dung: "Lê Lợi vi Vương, Lê Lai vi Tướng, Nguyễn Trãi vi Thần"; hay suối Láu, nơi Lê Lợi đổ bát rượu xuống suối "hòa nước sông chén rượu ngọt ngào", thề cùng các tướng sĩ đồng cam, cộng khổ chống giặc nhà Minh khôi phục giang sơn…

"Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức Hội thảo Lang Chánh với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn để cũng cố hồ sơ, tư liệu trên cơ sở đó kêu gọi đầu tư, tôn tạo các điểm du lịch một cách bài bản. Từ đó để người dân, du khách thấy được quảng thời gian Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn "nếm mật nằm gai" chống lại giặc Minh tại núi rừng Lang Chánh", bà Tâm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trở lại nơi Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn "nếm mật nằm gai" chống quân Minh