Kinh tế

Triển vọng nghề muối Bạc Liêu

Tâm Phúc - Trần An 07/04/2024 - 16:57

Nghề làm muối là một trong những nghề truyền thống có từ lâu đời tại Bạc Liêu. Dù có lúc thăng trầm nhưng diêm dân nơi đây vẫn luôn gìn giữ, bám lấy nghề với hy vọng làm giàu bằng hạt muối.

Đa dạng hóa các sản phẩm từ hạt muối

Với diện tích sản xuất muối hơn 1.306 ha với 739 hộ gắn bó với nghề, huyện Đông Hải được xem là vùng “thủ phủ” muối của tỉnh Bạc Liêu, sản lượng muối của huyện ước đạt khoảng 20.000 tấn/năm chiếm trên 80% sản lượng muối của tỉnh.

Ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đông Hải cho biết, mặc dù nghề sản xuất muối tại huyện còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần sớm được tháo gỡ như: hạ tầng nghề muối còn hạn chế; giá cả bấp bênh; diện tích sản xuất muối chất lượng cao hạn chế…

Tuy nhiên trong những năm gần đây, bằng sự hướng dẫn của ngành chức năng, diêm dân trong huyện cũng đã chủ động tìm hiểu kết hợp dày dặn kinh nghiệm trong quá trình canh tác đã từng bước nâng cao năng suất và chất lượng hạt muối.

img_5134.jpg
Diêm dân Bạc Liêu thu hoạch muối.

Theo ông Hồ Thanh Tuấn, sản lượng muối của huyện ước đạt khoảng 20.000 tấn/năm, đây là con số rất ấn tượng nhưng lợi ích kinh tế từ nghề mang lại chỉ ở mức trung bình, thu nhập của diêm dân thấp hơn nhiều so với những người nuôi trồng thủy sản. Giá muối năm nay tuy giảm nhưng vẫn ở mức có thể chấp nhận được và đảm bảo diêm dân có lợi nhuận, nhưng không được nhiều.

Bên cạnh đó, tùy vào tình hình thực tế mà diêm dân có thể chuyển sang nuôi trồng thủy sản hoặc nuôi Artemia… trên cùng diện tích. Đây được xem là một trong những khoản thu thêm để diêm dân nhẹ gánh mưu sinh, yên tâm gắn bó với nghề.

4(1).jpg
Thương lái đến tận cánh đồng để mua muối của diêm dân.

Thời gian tới, ngành chức năng huyện Đông Hải sẽ tập trung xây dựng thương hiệu muối của địa phương thông qua phát triển sản phẩm OCOP, đa dạng hóa sản phẩm được chế biến từ muối để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Đồng thời, huyện Đông Hải cũng giúp tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với diêm dân; tận dụng các buổi hội chợ và sự kiện Festival Muối… sắp diễn ra tới đây để giới thiệu đến nhà tiêu thụ trong và ngoài nước về thương hiệu muối Bạc Liêu nói chung và Đông Hải nói riêng.

Về lâu dài, ngành chức năng hướng đến đưa hoạt động sản xuất muối gắn với phát triển du lịch trải nghiệm vừa giúp diêm dân ngoài khoản thu nhập từ làm nghề làm muối truyền thống còn có thêm khoản thu từ hoạt động du lịch.

Theo định hướng phát triển du lịch này, diêm dân sẽ trở thành người giới thiệu đến du khách về nghề truyền thống của địa phương và tận tay hướng dẫn họ tham gia những công việc hằng ngày của một nông dân sản xuất muối.

“Một số doanh nghiệp đã có ý định đầu tư hợp tác cùng diêm dân xây dựng các kho dự trữ muối trên địa bàn để chế biến chuyên sâu và làm muối dược liệu hướng tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Các kho dự trữ muối hình thành ngoài ổn định cung - cầu còn góp phần nâng cao lợi nhuận cho diêm dân, bởi giá trị hạt muối được nâng tầm” - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải thông tin.

Festival Muối 2024 - điểm nhấn để nâng tầm muối Bạc Liêu

Chia sẻ về khó khăn hiện nay mà diêm dân Bạc Liêu đang gặp phải, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, hạt muối Bạc Liêu không có vị chát, ngon hơn những nơi khác nhưng giá bán chỉ khoảng 1.500 đồng/kg còn rất thấp. Nghề làm muối vất vả nhưng thu nhập mang lại thấp, nếu không được sự quan tâm, hỗ trợ thì chỉ trong một vài năm nữa, diêm dân sẽ bỏ nghề để chuyển sang công việc khác.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, để giúp diêm dân ổn định cuộc sống, an tâm bám nghề, Bạc Liêu đang cố gắng lấy lại hình ảnh muối Bạc Liêu. Ngoài quy hoạch diện tích, vận động diêm dân tích cực tham gia nghề muối, tỉnh có chính sách đầu tư, xây dựng thương hiệu với nhiều sản phẩm từ muối Bạc Liêu nhằm giúp diêm dân sống được nhờ nghề.

“Vừa qua Đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh cũng đã có buổi làm việc với Bộ NN&PTNT về tổ chức Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024, đã xin ý kiến tổ chức Festival Muối trong thời gian tháng 12/2024 để vinh danh, phát huy nghề muối. Đây là dịp để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đầu tư nhiều dự án liên quan đến nghề muối, từ đó mở ra nhiều cơ hội và hướng đi mới cho người làm muối Bạc Liêu”, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin.

2-1-.jpg
Cơ giới hóa các công đoạn sản xuất muối.

Theo kế hoạch, Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024 với chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam” dự kiến sẽ được tổ chức với các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, triển lãm thương mại, diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tham quan mô hình tại các huyện Hòa Bình, Đông Hải và TP. Bạc Liêu.

Sự kiện có sự tham gia của các lãnh đạo Trung ương, đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, lãnh đạo các sở, ban, ngành, hiệp hội, viện, trường, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, diêm dân và cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.

Festival nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát triển nghề muối truyền thống, nâng cao giá trị nghề muối Việt Nam nói chung, của tỉnh Bạc Liêu nói riêng, qua đó khơi dậy tình yêu nghề truyền thống của thế hệ trẻ, thu hút lực lượng lao động trẻ, có trình độ tham gia vào sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp từ nghề muối.

diem-dan-ca-mau-bac-lieu-khong-huong-duoc-niem-vui-tron-ven-vi-muoi-trung-mua-mat-gia..jpg
Muối trãi bạc đang được khuyến khích trong sản xuất muối tại Bạc Liêu.

Trước đó, tỉnh Bạc Liêu đã được Bộ NN&PTNT đầu tư hạ tầng vùng muối trên 130 tỷ đồng để nâng cấp cánh đồng muối Bạc Liêu. Dự án này hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho diêm dân tiếp cận khoa học kỹ thuật mới vào canh tác góp phần tăng năng suất và chất lượng hạt muối, giúp diêm dân an tâm sản xuất và kỳ vọng về sự đổi thay làm giàu từ nghề muối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng nghề muối Bạc Liêu