Với lợi thế địa phương có đường bờ biển dài, có độ bay hơi nước biển rất cao, hấp thu nhiệt mạnh, nghề muối Bạc Liêu nói chung và huyện Đông Hải nói riêng có nhiều điều kiện sản xuất và phát triển nghề làm muối trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế.
Nghề muối là một trong chín làng nghề truyền thống được giữ gìn, phát triển và tồn tại trên 100 năm của tỉnh Bạc Liêu, sản phẩm muối Bạc Liêu rất nổi tiếng về chất lượng, có một hương vị đậm đà, rất riêng và độc đáo.
Hạt muối gắn với giai đoạn lịch sử
Năm 2013, muối Bạc Liêu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý muối ăn Bạc Liêu, được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đến năm 2020 “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Từ những năm đầu thế kỷ XX, Bạc Liêu được xem là “thủ phủ muối” của Việt Nam. Muối Bạc Liêu vốn nổi danh với cái tên “muối ba thắt”, là địa phương thường xuyên cung cấp cho Nam Kỳ lục tỉnh cùng các nước Đông Dương.
Dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, để độc quyền trong chính sách cai trị khai thác thuộc địa, Pháp đánh thuế cao nghề muối và cấm người dân không được tự ý sản xuất, mua bán. Nếu phát hiện người dân vi phạm, chúng khép vào tội tử hoặc lưu đày biệt xứ, đời sống diêm dân vô cùng cơ cực nhưng nhân dân quyết tâm gắn bó và bám trụ giữ nghề.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nghề muối gặp khó khăn bởi nền kinh tế bao cấp còn nhiều bất cập. Diêm dân sản xuất ra hạt muối phải tự vận chuyển, chở bán từng hạt muối tận tay người dùng bằng những chiếc xuồng tam bản gắn liền với miền sông nước đặc trưng của người dân miền Tây Nam bộ.
Khi đất nước chuyển sang thời kỳ mở cửa, hội nhập nền kinh tế thị trường, hàng hóa xuất khẩu được lưu thông thông thoáng, hạt muối Bạc Liêu dần trở nên nổi tiếng, có cơ hội thâm nhập thị trường ngoài nước.
Nhiều hộ dân đã làm giàu trên ruộng muối của mình. Nhà máy chế biến sản xuất muối tại chỗ ra đời, thương lái đến tận ruộng để thu mua, vừa giải quyết nhu cầu tiêu thụ và nâng cao giá trị muối Bạc Liêu.
Huyện Đông Hải được xem là trung tâm của nghề muối Bạc Liêu, chiếm hơn 70% diện tích và sản lượng muối của tỉnh. Mặc dù nghề làm muối có lúc thăng trầm nhưng cũng chính từ hạt muối mà nhiều hộ dân đã làm giàu từ cái nghề “gieo hạt nước biển”.
Thách thức với diêm dân làng muối Đông Hải
Muối Bạc Liêu nói chung và muối Đông Hải nói riêng có hương vị đặc trưng riêng biệt do đặc thù của vị mặn nước biển, tỷ lệ nắng và lượng mưa hàng năm quyết định đến sản lượng và chất lượng hạt muối.
Hạt muối luôn gắn liền với thời tiết, tuy nhiên những năm gần đây trước sự biến đổi của khí hậu, thời tiết cực đoan, mưa nắng thất thường ảnh hưởng không nhỏ đến nghề muối và tác động trực tiếp đến đời sống của diêm dân.
Vụ muối thường bắt đầu từ tháng 10 kéo dài đến tháng 4 năm sau. Đến thời điểm cuối năm, thường là giai đoạn diêm dân đã hoàn tất các bước chuẩn bị cho nước vào ruộng để phơi, thu hoạch lấy muối. Thế nhưng trong những năm gần đây, liên tiếp xuất hiện mưa trái mùa gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất muối. Nhiều hộ đã chuyển sang mô hình khác để đem lại thu nhập cao hơn như: nuôi tôm, nuôi cá..., diện tích vùng muối của huyện có nguy cơ thu hẹp dần.
Ông Hà Chí Toàn, diêm dân ngụ ấp Bờ Cảng, xã Điền Hải, huyện Đông Hải cho biết, nghề làm muối được duy trì từ bao đời của gia đình, cho dù khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng giữ nghề.
“Trước làn sóng chuyển đổi mục đích canh tác do làm muối những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, tại địa phương có nhiều hộ đã chuyển sang mô hình nuôi tôm công nghiệp để thu lại lợi nhuận cao, tuy nhiên rủi ro từ việc chuyển đổi mục đích thường song hành. Riêng tôi nhất quyết phải giữ lại nghề muối này”, ông Toàn chia sẻ.
Nghề muối tỉnh Bạc Liêu nói chung và huyện Đông Hải nói riêng phát triển chưa đáp ứng với yêu cầu, phần lớn diêm dân sản xuất theo phương pháp truyền thống lạc hậu dẫn đến chất lượng hạt muối thấp, chủ yếu bán muối thô cho doanh nghiệp hoặc thương lái thông qua thỏa thuận về giá cả giữa các bên.
Theo ngành nông nghiệp huyện Đông Hải, hiện nay toàn huyện gần 1.400 ha sản xuất muối, muối trải bạt chiếm gần 7% tỷ lệ sản xuất, còn khá thấp trong tổng thể sản xuất muối toàn huyện. Mặt khác, diện tích canh tác của từng gia đình không nhiều, giá cả bấp bênh, khâu tiêu thụ còn bất cập.
Trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp thu mua, chế biến muối nhưng các doanh nghiệp này chưa có nhiều hoạt động liên kết tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và diêm dân.
Kết cấu cơ sở hạ tầng vùng muối của huyện chưa đáp ứng yêu cầu cho sản xuất, vận chuyển lưu thông hàng hóa, nhiều công trình đầu tư qua nhiều năm sử dụng đến nay đã xuống cấp, thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh kinh tế vùng muối. Nghề muối thật sự phải đối mặt với bài toán khó cho diêm dân và cả ngành chức năng.
Mặc dù vậy, bởi là nghề trải qua hơn 100 năm với biết bao giai đoạn thăng trầm, hạt muối gắn bó với đời sống lao động sản xuất đã ăn sâu vào tâm thức và lưu truyền qua nhiều thế hệ, nhiều diêm dân trong huyện vẫn quyết tâm bám trụ lấy nghề với niềm hi vọng, chờ đợi kinh tế từ nghề muối khởi sắc.