Tại buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương liên quan chiều 22/2, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu giữ đúng tiến độ triển khai dự án Vành đai 4 TP.HCM để kịp trình Quốc hội kỳ họp tới, khởi công đầu 2025.
Báo cáo buổi làm việc, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, từ tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ địa phương nghiên cứu triển khai các dự án độc lập. Theo đó, các địa phương quyết liệt triển khai Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu... và có bước chuẩn bị cho dự án Vành đai 4 TP.HCM.
Đường Vành đai 4 có tổng chiều dài gần 207km, đi qua các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM. Đây là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/giờ, mặt cắt ngang 6-8 làn xe cao tốc, có đường song hành 2 bên và các hành lang kỹ thuật... Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 106.000 tỷ đồng.
Dự án này kết nối với tất cả các tuyến cao tốc, quốc lộ của vùng nên nếu triển khai đoạn nào hoàn thành trước thì có thể đưa vào khai thác ngay, phát huy hiệu quả của các tuyến hướng tâm.
TP.HCM đã xong nghiên cứu tiền khả thi, đang điều chỉnh hướng tuyến nhằm giảm bồi thường giải phóng mặt bằng dân cư hiện hữu, phát huy quỹ đất tốt nhất. Như vậy, trong quý 2/2024 và quý 3/2024 có thể trình chủ trương đầu tư, cơ bản là có thể cân đối được nguồn vốn. Riêng đoạn tỉnh Long An (78km) vốn hơn 48.000 tỷ đồng đã có nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu.
Để quá trình làm Vành đai 4 TP.HCM thuận lợi hơn, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất thống nhất chọn một đơn vị tư vấn tổng thể. Cần có cơ chế, chính sách đặc thù riêng áp dụng cho dự án được Quốc hội thông qua (UBND cấp tỉnh được làm chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác thực hiện đầu tư Vành đai 4, dùng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác đầu tư công).
Về phương án đầu tư, 5 địa phương (TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An) đồng loạt ủng hộ chọn phương án 1. Đồng thời lãnh đạo các địa phương khẳng định tiếp tục chủ động rà soát, có đề xuất hoàn chỉnh báo cáo triển khai tại địa phương mình.
Ông Nguyễn Văn Dành - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhận định, Vành đai 4 là tuyến giao thông quan trọng, cấp bách để khơi thông hạ tầng giao thông phát triển kinh tế Bình Dương. Chính vì vậy, tỉnh mong sớm thống nhất về mốc tiến độ, hồ sơ để triển khai dự án này. Tỉnh Bình Dương cũng đề xuất thêm được Trung ương hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Lâm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, dù còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, tỉnh Long An đã rất khẩn trương trong các quy trình để đẩy nhanh tiến độ dự án. Tỉnh đã thống nhất quy mô, mặt cắt, phương án, hướng tuyến… Các đơn vị ở tỉnh Long An đã họp nhiều ngày mong muốn Trung ương hỗ trợ 90% nguồn vốn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị thực hiện dự án Vành đai 4 trên tinh thần cố gắng giữ đúng tiến độ. Sau buổi làm việc này và có ý kiến thống nhất, TP.HCM sẽ đăng ký làm việc với Thủ tướng Chính phủ để sớm trình Quốc hội thông qua.
Về quy chuẩn kỹ thuật, đường Vành đai 4 phải đạt chuẩn cao tốc, giải phóng mặt bằng tổng thể một lần 8 làn xe, trong đó, giai đoạn 1 làm 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh có làn dừng khẩn cấp. Tóm lại, về kỹ thuật phải đạt chuẩn.
Theo ông Mãi, giải phóng mặt bằng vận dụng chính sách như dự án đường Vành đai 3, riêng tỉnh Long An đề nghị Trung ương hỗ trợ nhiều hơn (70%). Các địa phương cùng thống nhất tỷ lệ nguồn vốn Trung ương đối với Long An cao hơn các địa phương khác.
Dự án phải đạt chuẩn giai đoạn 1 là 4 làn xe hoàn chỉnh, giai đoạn 2 là 8 làn xe hoàn chỉnh. Bề rộng mặt đường đồng bộ (hiện 4 địa phương bề rộng khác nhau), Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu nên nghiên cứu phương án cầu cạn để đẩy nhanh việc triển khai và thích ứng biến đổi khí hậu.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, đường Vành đai 4 TP.HCM là dự án quan trọng trong liên kết vùng. Bộ thống nhất ý kiến của Chủ tịch UBND TP.HCM cao tốc phải đạt chuẩn, cần có tư vấn tổng thể. Đây là cao tốc đi trong đô thị, trách nhiệm của Bộ là rà soát lại quy hoạch vùng, quy mô, tiêu chuẩn, phạm vi ranh giới.
Do vậy, bộ kiến nghị các địa phương cùng ranh giới phải thống nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật, cập nhật lại quy hoạch. Các kiến nghị của các địa phương liền kề thống nhất đồng bộ để Bộ nghiên cứu tiếp thu cùng các địa phương xây dựng cơ chế thực hiện.