Đây là những dự án luật mở đầu cho chương trình lập pháp của Quốc hội Khóa XV.
Ngày 13/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương chủ trì buổi làm việc với Thường trực của một số Ủy ban của Quốc hội về việc triển khai thẩm tra 7 dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
7 dự án luật gồm: Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Đây là những dự án luật mở đầu cho chương trình lập pháp của Quốc hội Khóa XV. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, xem xét qua nhiều vòng, thảo luận tất cả các vấn đề đặt ra, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, đối tượng bị điều chỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan…, từ đó xác định vấn đề cần sửa đổi cho đích đáng. Cách làm này cũng nhằm thực hiện lời hứa, quyết tâm của Quốc hội về siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình lập pháp hàng năm, nâng cao chất lượng xây dựng luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Trên cơ sở chuẩn bị của các cơ quan trình và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về các dự án luật này.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết trong chương trình vận động bầu cử, các đại biểu Quốc hội đều đã hứa trước cử tri về nỗ lực đóng góp cho công tác xây dựng pháp luật. Đây sẽ là các “sản phẩm đầu tay” của Quốc hội khóa mới, do đó cần tập trung trí tuệ, tích cực hơn nữa để đảm bảo hiệu quả công tác này.
Trên quan điểm đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban cần nhận thức rõ yêu cầu của thực tiễn, đi thẳng vào các vấn đề thực tiễn đặt ra để thẩm tra, góp ý cùng xây dựng dự thảo luật có chất lượng, thực chất để trình ra Quốc hội.
Sau khi tổng hợp các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận:
Về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Thường trực Ủy ban Xã hội phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp, VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp… để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm sát với đời sống vì dự luật này có tác động sâu rộng đối với xã hội. Ví dụ, trong khu vực sản xuất, lâu nay doanh nghiệp nhà nước vẫn được khen thưởng, nhưng khen thưởng doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân như thế nào? Phải đánh giá kỹ những tồn tại, hạn chế trong thực thi Luật vừa qua. “Sau khi sửa đổi luật phải khắc phục được tình trạng hình thức, trùng lặp, tràn lan trong thi đua, khen thưởng thời gian qua, tạo ra sự chuyển biến thực sự trong công tác này để thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực của sự phát triển”. Cần xác định rõ tiêu chí của thi đua, khen thưởng để làm cơ sở cho chính sách lương mới; tập trung thực hiện tốt các hình thức khen thưởng đã có, bảo đảm kịp thời, xác đáng. Với những hình thức khen thưởng mới nhưng chưa rõ, chưa “chín”, theo Chủ tịch Quốc hội cần hết sức thận trọng khi đưa vào luật.
Đối với dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội lưu ý, điện ảnh trước hết là một loại hình văn hóa nghệ thuật. Như vậy, điện ảnh muốn phát triển theo hướng nào thì cũng phải bảo đảm yêu cầu xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Đảng đã xác định. Mặt khác, điện ảnh còn là một loại hình công nghiệp văn hóa, tức là chúng ta phải “ứng xử” với điện ảnh với tư cách là một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật kinh tế. Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) phải tiếp cận hài hòa cả hai góc độ này. Nhấn mạnh yêu cầu về thúc đẩy nền điện ảnh hội nhập quốc tế và phát triển thị trường điện ảnh trong nước, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề dễ gây xung đột giữa nhà nước với doanh nghiệp là cấp phép, kiểm định, điều kiện xuất khẩu/nhập khẩu, phát hành… Do đó, tinh thần sửa đổi Luật phải theo hướng những việc xã hội hóa được, doanh nghiệp, cơ sở điện ảnh làm được thì cơ quan quản lý nhà nước không “ôm đồm”. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội có liên quan về dự án Luật, kiến nghị nào hợp lý, thỏa đáng thì cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp thu tối đa, không để vấn đề lợi ích chi phối.
Đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bổ sung đầy đủ các văn bản còn thiếu như dự thảo quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, báo cáo đánh giá kinh nghiệm quốc tế, báo cáo đánh giá tác động... để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 9.2021. Trong quá trình thẩm tra, cần tập trung làm rõ sự cần thiết nâng Pháp lệnh Cảnh sát cơ động thành Luật Cảnh sát cơ động; làm rõ cơ sở pháp lý, chính trị, thực tiễn, sự phù hợp, thống nhất, đồng bộ của dự luật trong hệ thống pháp luật; chỉ rõ những vấn đề đặc thù cần quy định ngay trong luật này và những vấn đề chung đã được quy định trong Luật Công an nhân dân, mối quan hệ giữa lực lượng cảnh sát cơ động với các lực lượng khác của công an nhân dân…
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Chủ tịch Quốc hội thống nhất phạm vi sửa đổi, bổ sung chỉ nên tập trung phục vụ việc thực hiện cam kết của nước ta trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), không nên mở rộng sửa đổi các nội dung ngoài cam kết khi chưa đánh giá được tác động. Theo đó, dự luật quy định cơ quan tiến hành tố tụng có quyền chủ động khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ công nghiệp đối với nhãn hiệu, không đặt vấn đề liên quan đến chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, pháp luật nước ta mới chỉ xử lý hành chính các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, để xử lý hình sự thì còn phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ điều tra, kiểm sát, tòa án… chuyên sâu về lĩnh vực này. Vì vậy, cần báo cáo thêm các nội dung này với Quốc hội.
Với việc sửa đổi khoảng 90% tổng số điều của Luật hiện hành, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần được đánh giá tác động từ cả doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng và quản lý nhà nước. Nguyên tắc chung là phải thể chế hóa đúng, đầy đủ chủ trương của Đảng trong lĩnh vực bảo hiểm; bảo đảm sự phù hợp với các luật liên quan, với tình hình phát triển của kinh tế, xã hội, sự phát triển của khoa học, công nghệ và các cam kết quốc tế. Trong đó, cần rà soát kỹ lưỡng các quy định về điều kiện kinh doanh, trình tự thành lập, gia nhập thị trường, quản trị nội bộ…, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm quyền bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, tránh tình trạng quản lý nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Một số nội dung thí điểm như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm vi mô, theo Chủ tịch Quốc hội, cần tổng kết, đánh giá rõ ràng, làm rõ nội dung cần quy định trong luật.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra nhiều bất cập trong các chỉ tiêu thống kê hiện nay và cho rằng, với nội dung, phạm vi sửa đổi như dự thảo Luật là chưa đáp ứng được yêu cầu. Thường trực Ủy ban Kinh tế cần làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ Luật Thống kê hiện hành để sửa đổi cho căn cơ, không nóng vội, “sửa cho xong”. Trong đó, một yêu cầu đặt ra là các chỉ tiêu thống kê trong Danh mục phải rõ nội hàm, rõ cách tính. Nếu không quy định rõ trong luật về nội hàm, cách tính của từng chỉ tiêu thì cũng phải xác định rõ giao cho cơ quan nào quy định chi tiết để có cơ sở giám sát, bảo đảm tính minh bạch, chính xác của các chỉ tiêu cũng như trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc tổng hợp, công bố chỉ tiêu.
Về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ tịch Quốc hội thống nhất quan điểm thực hiện đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội quyết định, không chuyển đổi thành sửa đổi toàn diện Luật Sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp Chính phủ muốn sửa đổi toàn diện thì phải hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu 3 yêu cầu đối với dự án Luật. Một là, thể chế hóa được tinh thần tại các Nghị quyết của Đảng, của Trung ương về sở hữu trí tuệ; hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ phù hợp với kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hai là, phải rà soát để nội luật hóa các cam kết quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Ba là, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật và tính khả thi của luật. Ủy ban Pháp luật cần phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức các tọa đàm, hội thảo, huy động sự tham gia của các chuyên gia đóng góp ý kiến cho dự án luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Tổng Thư ký Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, trong quá trình chuẩn bị, phải xác định rõ nội dung báo cáo Quốc hội thảo luận tại phiên họp tổ, phiên họp toàn thể, tập trung vào các vấn đề lớn, căn cơ về chính sách, về tính công khai, minh bạch, tính khả thi, thống nhất của dự luật với hệ thống pháp luật, còn những vấn đề thuộc về kỹ thuật lập pháp có thể xử lý bằng việc đóng góp ý kiến bằng văn bản để hoàn thiện. Với cách làm như vậy, sẽ đáp ứng được yêu cầu vừa bảo đảm chất lượng công tác xây dựng luật vừa rút ngắn được thời gian làm việc của Quốc hội.